Các loài lan rừng được nuôi trồng phổ biến ở Việt Nam hiện nay (Phần 3)

Trong hơn 800 loài lan tự nhiên của Việt Nam thì lan Hoàng thảo kèn có vẻ đẹp đặc sắc rất riêng biệt, ai từng yêu lan rừng khi nhắc tới lan kèn chắc sẽ không khỏi cảm xúc rạo rực mong lại được hòa mình trong men say giữa mùa hoa nở rộ hoặc nếu bạn đã một lần tham dự Triển lãm hoa lan Lai Châu, chắc chắn cũng đều có chung cảm giác lâng lâng, say ngắm khó tả khi bước vào thiên đường Hoàng Thảo kèn đầy quyến rũ.

Tác phẩm Hoàng thảo kèn tại triển lam hoa lan Hương sắc Lai Châu 2021

Lan Hoàng thảo kèn – lan kèn (Dendrobium Lituiflorum) là loài lan thuộc họ Hoàng thảo, bám trên cây trong rừng có độ cao từ 300-1600m so với mực nước biển. Cây phát triển trong điều kiện nhiệt độ mát đến ấm, có khả năng chịu lạnh tốt đến 1-2 độ C, ưa nắng trung bình và không thích nắng trực tiếp.

Lan kèn phân bố chủ yếu ở khu vực rừng tự nhiên từ Nam Á đến Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Cây mọc nhiều nhất ở các tỉnh miền Bắc như Lai Châu, Sơn La…và ở tỉnh Kon Tum. Trong đó lan kèn Lai Châu là nổi tiếng cho khuôn bông đẹp, màu sắc sặc sỡ và có giá trị dược liệu cao nhất. Vì vậy có thể nói Hoàng thảo kèn là loài lan đặc hữu của tỉnh Lai Châu

Lan kèn có thân dài từ 50-80cm, thân hình trụ, căng tròn, nhẵn bóng, thon nhọn về phía đuôi. Đường kính thân từ 0,5-1cm, tùy thuộc vào điều kiện môi trường sống. Thân cây có màu xanh cốm, có ít những vết sọc trắng mờ, cổ lá thường có khấc màu xanh trắng.

Lá cây lan kèn khá hẹp, thuôn dài, mọc đối so le nhau và cách nhau từ 1-3 cm. Kích thước lá dài 8-10cm và rộng khoảng 2-3 cm. Lá cây có màu xanh đậm, xanh nhạt hoặc ngả vàng tùy thuộc vào điều kiện môi trường sống của nó. Thông thường cây lan sẽ rụng lá vào cuối thu, đầu đông.

Hoàng thảo kèn là loài lan có bộ rễ chùm, phát triển từ mùa xuân đến cuối thu. Mùa đông bộ rễ hầu như không phát triển. Đầu rễ thường có màu xanh tím hoặc xanh trắng, thân rễ có màu trắng ngà, ít khi có màu khác.

Hoàng thảo lan kèn giống

Lan kèn rất sai hoa, thường hoa sẽ nở dọc 1/2 cho đến 2/3 thân cây. Các bông hoa mọc từ các mắt ngủ dọc thân cây, mỗi mắt thường có từ 1 đến 3 bông hoa. Kích thước mỗi bông chừng 4-5 cm.

Lan kèn ưa thời tiết lạnh, ôn đới nên thường ở các vùng khí hậu mát mẻ sẽ nở hoa vào khoảng  tháng 3-4 dương lịch. Ở khu vực đồng bằng có khí hậu nóng hơn sẽ cho hoa vào khoảng tháng 5- tháng 6. Hoa có mùi hương đặc trưng, quyến rũ hấp dẫn người chiêm ngưỡng. Cây cho hoa màu tím tuyền, cánh hoa dầy, lâu tàn từ 10-15 ngày tùy vào thời tiết nóng ẩm hay se lạnh. Cuối vụ hoa người chơi lan ngắt hoa ngâm rượu để uống trị các chứng nóng trong, suy nhược thần kinh, bồi bổ sức khỏe…

Trồng lan kèn bằng cách ghép lũa để cây thoáng rễ

Cách trồng Hoàng thảo kèn

Lan kèn tuy đẹp nhưng lại không phải loại dễ trồng, có thể trồng lan kèn vào chậu hoặc trồng với giá thể gỗ lũa đều được. Tuy nhiên cần lưu ý lan kèn rất ưa thoáng gốc, tuyệt đối không được để lấp gốc để cây phát triển bình thường.

Tùy thuộc vào chu kỳ sinh trưởng của cây và điều kiện tiểu khí hậu mà chúng ta căn chỉnh chế độ nước tưới cho phù hợp. Vào mùa xuân đến mùa thu có thể tưới 1-2 lần/ ngày. Mùa đông chỉ cần xịt phun sương giữ ẩm cho cây 2-3 lần/ tuần.

Lan kèn khá ưa sáng, khoảng 50-60% dưới 1 lớp lưới che là ổn. Ở thời gian đầu cây mới trồng thì chưa cần ánh sáng quá nhiều. Khi cây đã lớn, bộ rễ phát triển thì bạn cần cho cây ăn nắng nhiều hơn.

Nếu không đủ sáng cây sẽ còi cọc, kém sức sống; ngược lại nếu thừa nắng cây sẽ mập, ngắn và ngọn không phát triển. Do vậy, cần theo dõi liên tục để điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp nhất.

Hoàng thảo kèn khá nhạy cảm với phân bón hóa học. Do vậy, nên sử dụng phân bón hữu cơ cho cây hoặc nếu dùng NPK tổng hợp thì cần phải dùng liều lượng thấp.

Trồng lan kèn có dễ không?

Lan kèn dễ nhiễm một số bệnh như đốm lá, thán thư, thối nhũn trong mùa hè, nếu bạn nắm vững nguyên lý gây bệnh cho cây thì việc trồng và thuần hoá ở vùng đồng bằng cũng rất đơn giản đó là.

+ Bệnh nghẹt rễ vào mùa xuân đây là triệu chứng phổ biến trên cây Hoàng thảo kèn khi mầm non mới mọc chưa ra rễ mới, đặc điểm cây con 4-6 lá vẫn chưa hoặc rất ít rễ, rễ không khoẻ, lá có hiện tượng vàng đầu và mép lá bắt đầu từ lá gốc

+ Bệnh rệp: Triệu chứng lá có hiện tượng còi cọc, xoăn lá, quệt tay vào mặt sau lá thấy có sắc tố hồng như máu bám lại đó chính là rệp

+ Bệnh thối đọt: Vào mùa mưa cây thường bị đọng nước ở kẽ lá lâu ngày, nước mưa với hàm lượng axit cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tấn công cây từ vùng kẽ lá non dẫn đến thối đọt rồi lan ra thối thân

Hoàng thảo kèn là loại lan có hoa rất đẹp, rất quyến rũ, hương thơm nhẹ nhàng cuốn hút rất hấp dẫn người chơi. Tuy nhiên do chưa nắm chắc kỹ nuôi trồng hoặc chưa hiểu biết về phòng chữa bệnh nên nhiều người cho rằng “kèn khó trồng ở vùng miền xuôi vì nóng”.

Vì mê vẻ đẹp của bông hoa quý nên một số người chơi đã liên kết thuê các vườn lan tại Lai Châu chăm trồng giúp, đến mùa hoa thì đón cây về ngắm từ lúc đang nụ khoảng 2 tháng sau lại đưa lên gửi như chơi Đào ngày Tết.

Nếu bạn đã một lần tham dự Triển lãm hoa lan Lai Châu – chắc chắn bạn sẽ có cảm giác lâng lâng say ngắm khi lạc vào thiên đường hoa đầy quyến rũ

Có thể nuôi lan kèn nở hoa đúng tết không?

Nếu muốn có giò lan kèn nở vào dịp Tết Nguyên đán thì vào cuối tháng 10 âm lịch, bạn nên chọn giò lan kèn thân to, già, đã rụng hết lá càng tốt, đây là thời điểm  cây đã ngủ đông. Chăm sóc gốc lan trong vườn quây nilon tránh gió rét đậm, rét hại, pha loãng NPK 30-10-10 phun xịt lên thân và rễ cây 3 ngày 1 lần để nụ hoa nhú lên. Thời điểm kích hoa vào cuối tiết Đại hàn khi cây trút hết lá, khi nụ hoa nhú to, ngưng tưới nước và giảm nắng cho cây để kích nụ nở hoa. Như vậy hoa sẽ nở đúng vào dịp Tết.

Hoàng thảo kèn có cây đột biến ra màu hoa đẹp lạ không

Màu sắc hoa của Hoàng thảo kèn rừng là 1 màu tím tuyền. Tuy nhiên trong quá trình thụ phấn dưới tác động của các yếu tố thiên nhiên đã tạo ra những cá thể con đột biến quý hiếm (Hoàng thảo kèn var) có màu sắc đẹp lạ: 5 cánh trắng lưỡi tím (var semi alba); toàn bộ bông màu trắng tuyền, hoặc màu hồng nhạt (var alba ). Cánh hoa cũng biến đổi rất đa dạng như cánh bay, cánh bầu sáp, cánh mai sáp hoặc cánh giấy. Hiện nay số lượng cây Hoàng thảo đột biến rất hiếm chỉ có số rất ít nhà vườn trên địa bàn tỉnh Lai Châu sở hữu.

Hoàng thảo kèn var –  cánh hoa trắng
Hoàng thảo kèn var – Cánh hoa màu hồng

>>> XEM THÊM: Phi điệp mới mua từ rừng về hãy học hay cách trồng cực hay này

Theo hoalanchinhtruong.vn