TP.HCM đưa sản phẩm triệu USD vào OCOP, các tỷ phú nông dân trồng hoa lan, nuôi cá kiểng phấn khởi

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tại TP.HCM đang có nhiều điểm mới để tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố được tôn vinh, phát triển bền vững, đóng góp hiệu quả vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Mở phạm vi Chương trình OCOP

Chương trình OCOP TP.HCM được triển khai từ năm 2019 sau khi UBND thành phố ban hành Quyết định 385, phê duyệt Đề án OCOP trên địa bàn vùng nông thôn thành phố đến năm 2020. Với những kết quả đạt được ban đầu, TP.HCM đã tiếp tục ban hành Quyết định 1943 phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2021-2025.

Theo Quyết định 1943, Chương trình OCOP TP.HCM có nhiều điểm mới so với giai đoạn 2019-2020, trong đó hai nội dung đáng chú ý là về phạm vi thực hiện và nhóm sản phẩm được xếp hạng.

Chương trình đã mở rộng phạm vi thực hiện ra toàn thành phố, tức không chỉ gói gọn tại 5 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ như giai đoạn trước. Nguyên nhân là chương trình được nhiều chủ thể sản xuất nông nghiệp tại các quận Bình Tân, TP.Thủ Đức… đánh giá cao, mong muốn được tham gia để nâng cao giá trị sản phẩm.

Hoa lan, hoa mai vàng, cá kiểng là những sản phẩm OCOP tiềm năng của TP.HCM. Ảnh: H.P

Nhìn vào các điểm mới của Chương trình OCOP TP.HCM giai đoạn này, nhiều nông dân và địa phương có thế mạnh về hoa lan, hoa mai, cá kiểng không khỏi phấn khởi, bởi giai đoạn trước nhóm sinh vật cảnh chưa được nhắc đến.

Lĩnh vực đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cũng được mở rộng hơn, tập trung 6 nhóm: Thực phẩm, đồ uống, dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh và dịch vụ du lịch cộng đồng – du lịch sinh thái – điểm bán hàng. Các nhóm sản phẩm này mang tính bao quát, tập trung ở nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện cho chủ thể như hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp lựa chọn các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh nhất tham gia Chương trình OCOP.

Gắn OCOP sinh vật cảnh với du lịch

Nhìn vào các điểm mới của Chương trình OCOP TP.HCM giai đoạn này, nhiều nông dân và địa phương có thế mạnh về hoa lan, hoa mai, cá kiểng không khỏi phấn khởi, bởi giai đoạn trước nhóm sinh vật cảnh chưa được nhắc đến.

Bình Chánh, Củ Chi, Thủ Đức là những vùng có thế mạnh về hoa lan, hoa mai vàng, cây cảnh các loại và cá kiểng. Đây là nhóm sản phẩm nông nghiệp giá trị cao của TP.HCM. Nhiều hộ gia đình tại các huyện sớm trở thành tỷ phú nhờ trồng hoa lan, mai vàng, nuôi cá kiểng.

Chỉ riêng cá kiểng, thị trường xuất khẩu là rất lớn, trung bình mỗi tháng TP.HCM thu về được khoảng 1 triệu USD nhờ xuất khẩu cá kiểng.

Bà Hoàng Thị Mai – Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM) đánh giá nhóm sinh vật cảnh được bổ sung vào là 1 trong 6 nhóm đối tượng tham gia Chương trình OCOP có ý nghĩa rất lớn.

Hoa, cây kiểng, cá cảnh là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM. Thành phố đã công nhận danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó xác định có 6 nhóm sản phẩm là rau, hoa, cá kiểng, bò sữa, heo và tôm nước lợ.

Theo bà Mai, sinh vật cảnh là sản phẩm tiềm năng vì hoa, cây kiểng, cá cảnh là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm có thể ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng và đặc biệt phù hợp truyền thống sản xuất của nông dân. Do đó, sản phẩm hoa, cây kiểng, cá cảnh chính là sản phẩm OCOP tiềm năng của TP.HCM.

“Bên cạnh phân hạng, đánh giá sản phẩm OCOP độc lập thì có thể gắn sản phẩm hoa, cây kiểng với du lịch. Trên địa bàn xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh có làng nghề trồng mai vàng tập trung. Đây là làng mai rất đẹp của thành phố, hoàn toàn có thể kết hợp thu hút du lịch. Gắn kết sản phẩm OCOP với hoạt động du lịch là thế mạnh của TP.HCM” – bà Mai nói.

Theo Dân Việt

>>> XEM THÊM: Những điều nên biết về rễ lan