Thú chơi tiền tỷ với Lan đột biến

5 tháng trước, anh Hồng (Mê Linh, Hà Nội) bỏ ra 320 triệu đồng mua một nhánh lan đột biến dài 16 cm, đến nay có người trả vài tỷ anh vẫn không bán.   

Những ngày cuối năm, anh Nguyễn Nhân Hồng (31 tuổi), chủ tịch Hội hoa lan Mê Linh, Hà Nội lại tụ họp bạn bè. “Ba năm trở lại đây, lan đột biến trở thành trào lưu mới, dân chơi săn lùng ráo riết”, anh Hồng bắt đầu câu chuyện.

6 năm trước, anh bắt đầu chơi lan phi điệp đột biến, loài hoa có màu sắc đặc biệt, nhờ biến đổi gen tự nhiên. Một bông lan đột biến đẹp có cánh hoa bầu, căng, bóng;  “mắt hoa” xước, gọn, sạch, cách xa thùy; “mũi hoa” có màu càng trắng càng trong càng quý.

Lan đột biến 5 cánh trắng Hiển Oanh được tính giá theo cm, hiện tại mỗi cm có giá dao đồng từ 1-2 triệu/cm. Ảnh: N.H.

“Bỏ ra 5 triệu, sau bốn năm tôi thu về hơn 600 triệu”, anh Hồng nói và cho biết thêm, mỗi giò lan, bên cạnh những đặc tính hiếm có về màu sắc, hình dáng, kích thước giá bán còn phụ thuộc vào mức độ yêu thích của người mua và người bán. Hiện vườn lan của anh có những giò lan đột biến được trả giá hàng tỷ đồng.Anh Hồng cho biết, lan đột biến gen thì có nhiều nhưng trong hàng vạn cây mới có một cây có giá trị thẩm mỹ và lợi ích kinh tế cao. Năm 2014, anh bỏ ra 5 triệu đồng mua một “ki” (mầm con phát triển từ mắt của cây mẹ) phi điệp năm cánh trắng Hòa Bình. Sau một năm chăm sóc, “ki” lan này dài 30cm, có người trả 15 triệu đồng. Đến tháng 11/2016, từ cây mẹ, Hồng nhân giống và bán được 10 cây con. Cứ mỗi cm thân cây con được định giá 900.000 đồng. Khi bán hết, anh thu về hơn 190 triệu đồng. Sang năm 2018, anh tiếp tục bán một cây giống dài 80 cm được hơn 400 triệu đồng.

Anh Hồng có 15 năm kinh nghiệm trồng lan, trong đó có 5 năm chơi lan đột biến. Ảnh: Hải Hiền.

Lan không ưa nắng gắt hay mưa ẩm kéo dài nên phải có hệ thống che chắn phù hợp. Loại hoa này sống bằng sương gió nên cũng không thể nhốt trong nhà kín, phải đặt ở chỗ thông thoáng để cây còn hứng được hơi ẩm của trời đất.Lan đột biến nổi tiếng là loài hoa khó tính, đòi hỏi chủ nhân phải chăm sóc đặc biệt. Theo anh Hồng, mỗi vườn lan có một kiểu “tiểu khí hậu” (điều kiện tự nhiên tại vườn) nên cách chăm sóc của các chủ vườn không bao giờ giống nhau và người trồng lan cần hiểu tính cách của từng cây. Ví dụ, cây đặt ở phía tây cần tưới nhiều nước, cây trồng ở phía nam tưới ít nước hơn, có cây lại phải tưới nhiều lần trong ngày.

Trong các loài đột biến, anh Hồng thích chơi nhất là 5 cánh trắng Nha Trang. Loại hoa này đặc biệt ở chỗ có cung màu hồng chạy từ trái sang phải, tỷ lệ năm cánh hoa mọc đều nhau đến mức tuyệt đối. Cách đây năm tháng, anh bỏ ra 320 triệu đồng để mua cây con dài 16 cm. Hiện tại cây đã dài 21 cm, có người đặt hàng và trả mỗi “ki” 200 triệu nhưng anh chưa bán. “Giá thị trường của cây lan này hiện đã lên tiền tỷ nhưng giờ tôi cứ để trồng cho thỏa đam mê đã”, ông chủ vườn nói.

Lan đột biến 5 cánh trắng Nha Trang trong vườn nhà anh Hồng. Ảnh: N.H.

Anh Hưng kể, cách đây hơn ba tháng, anh đi Bắc Ninh tậu một cây lan phi điệp 5 cánh Hiển Oanh dài hai mét trị giá 200 triệu đồng. Chỉ sau 10 ngày, trong một cuộc giao dịch tại nhà, cây lan đã được bán giá 280 triệu.Chủ nhiệm Hội quán lan Mê Linh là anh Ngô Thế Hưng (49 tuổi) – người nổi tiếng là “chơi bạo tay” khi trong ba tháng đã đầu tư gần 5 tỷ đồng cho vườn lan đột biến.

Một tháng trước, nghe tin ở Bắc Ninh có người rao bán 2 giống đột biến Hồng Minh Châu và Yên Thủy, anh Hưng lập tức phi xe đến chiêm ngưỡng khi trong ví chỉ còn vài chục nghìn. Chủ vườn ra giá 400 triệu đồng, sợ lỡ cơ hội, anh cầm cố luôn chiếc xe ôtô rồi tay xách ba giò lan bắt xe khách về nhà.

So với các giống hoa khác, lan đột biến có giá trị kinh tế rất cao. Một tháng chăm sóc, mỗi mầm ki dài thêm 3-5 cm. Theo giá thị trường, lợi nhuận thấp nhất thu được được từ một cm lan đột biến là 500.000 đồng. “Hiện tôi có 250 chậu lan, tính lợi nhuận cũng lên tới 300 triệu đồng mỗi tháng, cao gấp 30 lần so với trồng hoa hồng”, anh Hưng nói.

Lợi nhuận cao nhưng rủi ro từ nghề trồng lan đột biến cũng không hề ít. Cách đây 5 tháng anh Hưng từng nhận được bài học nhớ đời. Thời điểm tháng 9, cây lan bắt đầu ngủ đông, ngừng phát triển. Nhưng do muốn cây tiếp tục ra “ki”, anh dùng thuốc điều hòa sinh trưởng cao hơn liều lượng cho phép khiến cả vườn lan sốc thuốc, rụng hết lá, cây dừng phát triển, không ra mầm mới. Thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.

Cũng vì rủi ro cao như vậy nên người trồng lan đột biến rất ít khi cho người lạ thăm vườn. “Chỉ cần ai đó vứt vào chậu một viên thuốc lạ khiến lan chết, chủ vườn có thể mất trắng hàng tỷ đồng”, anh Hưng giãi bày.

Hiện 250 cây lan nhà anh Hưng được trồng trong một khuôn viên rộng khoảng 50m2, xung quanh quây bằng sắt thép, camera gắn khắp nơi, phía dưới anh nuôi một đàn chó béc giê vừa để trông nhà, vừa để trông vườn lan.

Hải Hiền