Thú chơi lan đột biến gen “đếm lá tính tiền” có 1-0-2 giữa lòng thủ đô

Những giò lan đột biến gen có màu sắc, hình dáng độc lạ đang trở thành đối tượng săn lùng của dân chơi lan. Và không ít người chịu chi vài chục triệu để sở hữu một nhánh địa lan, một ngọn tam bảo sắc.

Đếm lá tính tiền lan biến dị
Vài năm trở lại đây, giới chơi lan cả nước rộ lên phong trào tìm kiếm những giống lan biến dị tự nhiên về màu sắc, hình dáng để thỏa cái thú chơi tao nhã nhưng không kém phần độc lạ của mình. Tìm gặp chú Lý Cường (Tây Hồ, Hà Nội), một dân chơi sành sỏi về lan biến dị, tôi không khỏi choáng ngợp với vườn lan đột biến giữa lòng thủ đô của chú

Chú Lý Cường bên vườn lan đột biến

Nhìn cái vườn lan nhỏ xinh, giản dị nhưng phải dân trong nghề mới biết nó trị giá đến mấy tỷ đồng. Bởi, vườn lan của chú có tới hơn 200 giống biến dị đặc biệt khiến nhiều bạn chơi và các “nhà lan học” phải trầm trồ ghen tỵ.

Mà để có được cái cơ ngơi này, chú Cường đã mất khoảng 10 năm gây dựng, nhưng trước đó là mấy chục năm đóng học phí học khôn với nghề trồng lan. Chú Cường kể: “Khi còn bé, nhà có vườn rộng, lại gần chợ Bưởi nên tôi cũng tập tành chơi lan. Lúc đầu chỉ là mua về nhà treo cho vui, cho đẹp và rồi yêu thích lúc nào chẳng hay. Nhưng khi đó tôi không biết cách chăm nên chỉ được ba bảy hai mốt ngày là cây chết”.

Rồi sau nhiều năm đi bộ đội, làm công nhân xa nhà nên chú Cường không thể duy trì thú chơi lan thời trẻ trâu. Để đến khi đã đứng tuổi chú mới có cơ hội tìm lại cái thú chơi thời trẻ. Đó cũng là thời điểm Hội lan Hà Nội được thành lập. Nhờ đó mà chú Cường được giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nhiều hơn với những người trong nghề.
Các cụ ta vẫn nói “ăn chơi thì phải tốn kém” và với thú chơi lan thì đúng là như vậy. Khi mới vào nghề, dù đã học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè nhưng không ít lần chú Cường mua phải lan “giả”, lan không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên gây tổn thất kinh tế lớn.

“Khi đó, tôi nghe bạn hoa nói cây đai châu đẹp nên cũng ra chợ tìm mua. Người bán hàng mang lan đại ra bán bảo đai châu, tôi tin tưởng nên mua về trồng. Đến khi mang khoe bạn bè mới biết mình mua phải lan giả. Hay như việc tôi mua hoa lan vùng Điện Biên về chơi, tuy rằng hoa rất đẹp nhưng vì điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng không thích hợp nên chỉ chơi được vài ngày là cây chết mà không lưu giữ được nguồn gen. Khi đó, bạn bè vẫn đùa rằng tôi chơi hoa chụp ảnh treo nóc tủ”, chú Cường kể lại.

Sau nhiều lần vấp ngã cùng với sự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ bạn bè đã giúp chú Cường trở thành tay chơi sành sỏi, nhất là trong việc xác định lan đột biến. Chú bảo, “giờ trong giới chơi lan mọi người chỉ thích những cây đột biến, bởi nó mang lại sự kích thích, sự hưng phấn cho người chơi. Đó là sự hưng phấn khi sở hữu những cây lan độc lạ về màu sắc, hình dạng hoa, lá, độ dày của cánh, lưỡi… Nhưng để xác định chính xác là hoa đột biến tự nhiên hay hoa lai tạo công nghiệp thì chỉ dân trong nghề mới nhận ra được”.

Cây lan đột biến tự nhiên chỉ có thể nhận diện được khi cây ra hoa. Để nhận biết cần căn cứ vào một vài yếu tố cộng với kinh nghiệm thực tế như mùa ra hoa, màu sắc, mùi hương, hình dáng…

Ví như “Với loài phi điệp trầm trắng, mùa ra hoa là tháng 2, 3. Nếu là cây công nghiệp sẽ nở hoa đúng mùa vụ, nhưng nếu là phi điệp đột biến hoa sẽ nở vào khoảng tháng 4 đến tháng 7. Bên cạnh đó còn phải căn cứ vào mùi hương của hoa để nhận diện cho chính xác, nếu là cây công nghiệp thì hương hoa sẽ làm người ngửi hình dung đến một loại mỹ phẩm nào đó, một mùi hương quen quen. Nhưng nếu là cây rừng tự nhiên thì mùi hương sẽ rất đặc biệt, không thể phân biệt được là mùi gì. Đồng thời xem khuôn bông, cánh hoa có nở căng không, hình dạng lá, lưỡi để phân biệt. Nhưng chủ yếu vẫn là căn cứ vào thời gian nở hoa, mùi hương hoa để nhận diện lan đột biến”, chú Cường chia sẻ kinh nghiệm.

Nhìn ngắm những cây lan nhỏ bé trong vườn, chú Cường tự hào khoe về giá trị của chúng. Chú chỉ một giò tam bảo sắc và bảo cây này hoa đột biến trắng tinh, bình thường hoa của nó có 3 màu, giá thị trường chỉ vài trăm nghìn. Nhưng vì đột biến màu đẹp, lạ nên giá trị của nó giờ đếm theo số lá cây, mỗi lá trị giá 2 triệu đồng. Và cây này của chú khoảng 20 lá, có giá khoảng 40 triệu đồng.

Hay như khi chỉ đến nhánh địa lan bé xíu chú Cường phải xuýt xoa “Tôi mất gần 20 triệu đồng để có được một nhánh địa lan như tép tỏi, tép hành, mà đó còn là giá gốc do người quen ưu ái. Giá thực tế của nhánh địa lan đó đang giao bán gần 40 triệu đồng”.

Với dân chơi lan thực thụ, họ không chỉ chơi hoa mà họ còn chơi lá, chơi mầm. Hoa lan chơi trong 1 tháng nhưng lá, mầm chơi 11 tháng. Vậy nên nhìn những giò lan lá xanh tốt, đâm mầm non căng tràn sức sống là thú vui mỗi ngày của chú Cường. “Tôi có thể ngắm lá và mầm lan cả ngày không biết chán, nhìn chúng thay đổi từng ngày rồi lại mang chúng đi khoe với bạn bè là niềm hạnh phúc của tôi”.

Chi tiền tỷ để chiều “người đẹp”
Hoa lan đẹp nên các “nàng” cũng đỏng đảnh lắm. Để thỏa mãn các “nàng kiều”, chú Cường phải đầu tư khá nhiều công sức, tiền của. Chú bảo: “Hoa lan cũng như những cô gái đẹp, xinh đẹp thật đấy nhưng tính khí thất thường lắm, nay khỏe mạnh, mai ẻo lả ngã bệnh là bình thường. Vậy nên để các nàng khỏe mạnh tôi phải tạo ra một không gian với điều kiện thời tiết phù hợp nhất”.

Các loại lan đều không ưa ánh sáng gay gắt, mưa ẩm quá nhiều, vậy nên chú Cường phải đầu tư hệ thống mái che nắng, che mưa để mùa hè không được quá nóng, mùa đông không được quá buốt, nhưng lại vẫn phải để cây hứng được sương, gió và nước mưa. Bởi, phong lan sống bằng sương gió nên không thể nhốt trong lồng kín.

Chế độ ăn uống của các “nàng” cũng cầu kỳ lắm, không phải cứ chăm bón phân, chăm tưới nước là “nàng” khỏe đâu. Với hoa lan, chăm chỉ quá có khi cây chết úng, chết ngạt, thối rễ. Do vậy, chăm cây sai kỹ thuật có khi lại thành giết cây.

Chú Cường chia sẻ kinh nghiệm rằng: “Nguyên tắc tưới lan là giữa 2 lần tưới gốc cây phải khô, tức là khi nào thấy gốc lan khô thì tưới. Thấy giò lan ẩm thì tuyệt đối không tưới cây. Lan là loài cây ăn ít, phát triển chậm nên loại phân dùng bón lan phải là loại tan chậm trong 180 ngày và phải là phân hữu cơ tổng hợp.

Khi bón phân cho lan cũng phải tỷ mẩn từng bước, mới trồng dùng loại kích thích mọc rễ, tăng trưởng; sau 3 tháng tưới loại kích thích phát triển thân, lá; đến gần mùa hoa tưới loại kích thích ra hoa và trong suốt quá trình tưới bổ sung loại phân kích thích rễ cây phát triển. Những loại phân này được hòa vào nước phun tưới cây 1 lần/tuần. Còn với loại phân hạt tan chậm được rắc lên bề mặt trên của bình lan để làm nguồn thức ăn hàng ngày cho cây”.

Lan ăn rất ít lại ưa sạch sẽ nên môi trường sống thuận lợi nhất không phải là đất mà là đá. Đá làm điểm tựa để rễ cây phát triển và giữ cây đứng vững. Rất nhiều người lầm tưởng lan sống ăn bám trên thân cây gỗ nên dùng gỗ, than củi, vỏ lạc… để trồng cây. Nhưng thực chất cách làm này làm cây bị thối rễ mà chết.

Sau nhiều năm tìm kiếm, học hỏi lẫn nhau tôi và các bạn lan của mình biết được rằng dùng đá trồng lan giúp cây phát triển tốt và cho năng suất cao. Hơn nữa, trồng lan bằng đá rất sạch nên cây sẽ không bị nấm, rệp, nhiễm khuẩn từ đất”, chú Cường chia sẻ.

Nhưng trồng lan chỉ có thiên thời, địa lợi thôi vẫn chưa đủ, mà phải có nhân hòa. Theo chú Cường, nhân hòa trong nghề trồng lan chính là cái tâm, là lòng đam mê, sự yêu thích đối với cây. Trồng lan mà luôn nghĩ đến danh, lợi thì sẽ không có được hoa đẹp, giống quý. Thú chơi lan cũng như một trò vui chơi có thưởng, lúc đầu mới chơi sẽ bị lừa gạt, tổn thất về kinh tế nhưng khi đã hiểu về lan, tâm huyết với nó thì cũng kiếm được thu nhập từ thú chơi của mình.

(Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô)