Sơ lược về cách trồng và chăm sóc tối ưu nhất một số loại lan phổ biến

Với mỗi một loài lan khác nhau sẽ có những đặc điểm sinh trưởng riêng biệt, nếu nắm rõ những đặc điểm đó thì việc chăm sóc sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Sau đây sẽ là những sơ lược cơ bản về những đặc điểm sinh trưởng của một số loài phổ biến.

* LAN HỒ ĐIỆP

Chi lan Hồ điệp có tên khoa học là Phalaenopsis, là chi lan có hoa to đẹp và lâu tàn, được dùng rất nhiều trong trang trí.

– Nhiệt độ: Từ 22°C – 25°C ban ngày và 15°C – 18°C ban đêm. Tuy nhiên là chi lan của vùng nhiệt đới nên vẫn sinh trưởng khá tốt ở tối đa 35°C ban ngày và 25°C ban đêm.

– Độ ẩm: Khoảng 60%.

– Ánh sáng: Chịu được khoảng 30% ánh sáng, nếu dùng giàn lưới thì phải dùng 2 lớp lưới để che cho Hồ điệp, còn không phải đặt ở nơi khá râm mát.

– Tưới nước: Hồ điệp là loài không có giả hành giữ nước hơn nữa có nhiều lá to thoát nước, vì vậy phải cung cấp nước thường xuyên. Mùa nắng tưới 1 – 2 lần vào sáng và chiều, mùa mưa nếu mưa liên tục thì không cần tưới hoặc chỉ cần 1 tuần 1 – 2 lần.

– Bón phân: Bón định kỳ 1 tuần 1 lần, nếu nắm rõ các giai đoạn sinh trưởng của cây thì dùng phân tương ứng từng thời kỳ, còn không thì cứ dùng phân cân bằng 15-15-15 hoặc 20-20-20 cho suốt các thời kỳ.

– Thay chậu: 2 năm một lần.

* LAN HOÀNG THẢO

Chi lan Hoàng thảo tên khoa học là Dendrobium, là chi lan có sự phân bố và số lượng lớn nhất trong Họ Lan với hơn 1600 loài phân bố ở khắp các khí hậu ở Châu Á.

– Nhiệt độ: Có thể tạm chia thành 3 nhóm: Ưa nóng, ưa lạnh và trung bình.

+ Nhóm ưa nóng: Nhiệt độ trung bình khoảng 25°C. Đa số các giống Dendro rừng Châu Úc, Indonesia, Malaysia và các giống được trồng hầu hết ở Tp HCM và các tỉnh miền Nam

+ Nhóm ưa lạnh: Nhiệt độ trung bình khoảng 15°C. Gồm các giống lấy từ vùng cao nguyên Việt Nam và Miến Điện ví dụ: Vảy cá (Den. Linlleyi), Thủy tiên tím (Den. Amabile), Long nhãn kim điệp (Den. Fimbriatum),… Những cây này nếu trồng ở khoảng 25°C vẫn phát triển nhưng yếu hơn nhiều.

+ Nhóm trung bình: Trồng được ở cả hai khí hậu. Nhiệt độ trung bình khoảng 20°C. Ví dụ: Thủy tiên trắng (Den. Farmeri), Long tu (Den. Primulinum), Hoàng lạp (Den. Chrysotoxum),…

– Độ ẩm: trung bình khoảng 70%

– Ánh sáng: Dendro là giống chịu được nắng và ánh sáng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ra hoa của chi lan Dendrobium. Ánh sáng trung bình khoảng 70%, dùng 1 lớp lưới là đủ. Phải nhớ đối với chi lan Dendro thì thà dư nắng còn hơn là thiếu nắng.

– Tưới nước: Trung bình 1 lần/ngày, mùa nắng thì tăng, mưa thì giảm. Vì 90% lan chết do thừa nước nên chú ý điều chỉnh sao cho đừng quá nhiều nước, hơn nữa do lan Dendro có thân giả dự trữ nước nên cũng không nên tưới quá nhiều nước.

– Bón phân: Chỉ khi trong mùa nghỉ hoặc đối với một số loài rụng lá trước khi ra hoa thì sẽ không cần phân trong giai đoạn này, còn các giai đoạn khác vẫn bón đầy đủ. Trung bình khoảng 1 lần/ tuần, dùng phân 15-15-15 hoặc 20-20-20 cho tất cả kỳ sinh trưởng, nếu nắm rõ các giai đoạn sinh trưởng thì nên dùng đúng tỷ lệ phân cho từng giai đoạn sẽ có hiệu quả hơn.

– Thay chậu: Khoảng 2 năm 1 lần.

* LAN VŨ NỮ

Chi lan Vũ nữ có tên khoa học là Oncidium. Gồm khoảng 600 loài.

– Nhiệt độ: 20°C – 25°C là nhiệt độ thích hợp nhất tuy nhiên vẫn sinh trưởng ở nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn.

– Độ ẩm: Cần ẩm khá cao, khoảng 70%.

– Ánh sáng: Là loài ưa sáng, ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong sự ra hoa. Cần khoảng 70% ánh sáng.

– Tưới nước: Mùa nóng tưới 3 lần/ngày, mùa mưa 1 – 2 lần/ngày, mùa nghỉ tưới 1 lần/ngày.

– Bón phân: Cần phân suốt các giai đoạn sinh trưởng, dùng phân như những giống trên.

– Thay chậu: Tùy vào cấu tạo giá thể mà định kỳ thay chậu khác nhau, trung bình 2 năm/lần.

* LAN VANDA

Lan Vanda là loài có hoa rất to và đẹp, lá kép xòe hai bên, có loại lá dẹp, có tròn và lai giữ hai thứ, là một loài thích nắng.

– Nhiệt độ: nhiệt độ lý tưởng từ 12 – 28°C

– Độ ẩm: Do thường không được trồng trong chậu mà để trơ rễ thòng xuống nên cần độ ẩm rất cao khoảng 80%.

– Tưới nước: Cần ẩm cao và liên tục nên mùa nóng nên tưới khoảng 3 lần/ngày, trung bình thì 2 lần/ngày, mùa lạnh thì 1 lần/ngày hoặc ít hơn.

– Bón phân: Là giống chịu phân khá mạnh nên có thể dùng nhiều hơn những cây khác một chút, nếu không muốn thay đổi phân thì cứ bón cả vườn như nhau 1 tuần/lần.

– Thay chậu: Vì thường không trồng trong chậu nên không cần thay, còn nếu có thì 2 – 3 năm thay một lần.

* LAN CATTLEYA

 

Lan Cattleya cần điều kiện chăm sóc gần giống hoàn toàn với Lan Denbrobium

Chúc các anh chị thành công!

>>> XEM THÊM: Nguy cơ cạn kiệt phong lan rừng lan rừng