Rừng xơ xác bởi các “thợ săn” phong lan rừng, hoa lan rừng trong sách Đỏ có loài đã tuyệt chủng

Trước đây, các cánh rừng ở các tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Quảng Bình,…vốn nổi tiếng bởi các loài lan như Ðai Châu, Sơn Thủy Tiên, Ðuôi Chồn, Cẩm Báo, Phi Ðiệp… thì giờ đây đã xơ xác, cạn kiệt bởi sự khai thác tận diệt của các “thợ săn” lan rừng.

Thời gian gần đây, phong trào “săn” phong lan rừng về trồng, ngắm đang nở rộ. Nhiều người sẵn sàng trèo đèo, lội suối hoặc bỏ ra hàng chục triệu đồng để sở hữu một cây lan quý hiếm, thỏa lòng đam mê.

Trước đây, các cánh rừng ở các tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Quảng Bình,… vốn nổi tiếng bởi các loài lan như Ðai Châu, Sơn Thủy Tiên, Ðuôi Chồn, Cẩm Báo, Phi Ðiệp… thì giờ đây đã xơ xác, cạn kiệt bởi sự khai thác tận diệt của các “thợ săn” lan rừng.

Ông Nguyễn Quang Tuấn là khách hàng thường xuyên mua lan rừng ở phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cho biết: Mặc dù ông sưu tầm, trồng rất nhiều loài phong lan rừng nhưng mỗi khi rảnh rỗi, ông thường dạo quanh các điểm bán lan rừng để sưu tập những giống lan rừng mới. Bên chén trà, ông tâm sự: Niềm đam mê với lan rừng của tôi được khoảng 10 năm gần đây.

 

Nhiều loại phong lan rừng quý hiếm sau khi bị khai thác từ rừng về được bày bán tại chợ cây cảnh Vạn Phúc (quận Hà Ðông, Hà Nội). (Ảnh LINH NGUYỄN)

Khi đã say mê thú chơi này rồi rất khó từ bỏ. Lúc mới chơi lan thì mua 10 chậu lan về chăm, sau một thời gian chỉ còn ba chậu sống. Nhưng càng chơi thì càng say mê, đến giờ đã có kinh nghiệm cho nên tỷ lệ cây sống rất cao… “Tôi rất thích sưu tầm lan rừng, nhất là những loài lan có hương thơm nồng và bông nở to.

Loài hoa lan rừng có một vẻ đẹp kiêu sa, hoang dã với mùi hương rất thơm, hiếm có loại hoa rừng nào sánh bằng”, cùng quan điểm với ông Tuấn, ông Trần Văn Thuận ở quận Tây Hồ (TP Hà Nội) bày tỏ.

Qua lời giới thiệu của ông Tuấn, ông Thuận về những chợ bán phong lan rừng ở Hà Nội mà dân chơi lan vẫn hay tìm đến để mua là chợ Ðền Lừ (quận Hoàng Mai), chợ cây cảnh Vạn Phúc (quận Hà Ðông), chúng tôi tìm đến những khu chợ này để tìm hiểu thêm. Vào cửa chợ cây cảnh Vạn Phúc, chúng tôi được chỉ đường vào khu bán phong lan rừng ở gần cuối chợ. Hôm nay là phiên chợ cho nên số lượng người tập trung về đây rất đông.

Ông Ðặng Tuấn Anh (huyện Hoài Ðức, Hà Nội) gắn bó lâu năm với nghề buôn bán lan rừng ở chợ cho biết: Mỗi loại lan sẽ có mức giá khác nhau, một số dòng lan quý như Trầm Tím, Giã Hạc, Hoàng Thảo Kèn có giá khoảng từ một triệu đồng đến hai triệu đồng, các dòng khác như U Lồi, Ðùi Gà lại bán theo kg, từ 150 nghìn đến 250 nghìn đồng/kg. Cũng chính vì phong trào chơi lan rừng nở rộ cho nên giá cả một số loại lan tăng nhanh.

Nhiều năm trước, nếu khách cần mua lan rừng với số lượng lớn thì tôi có thể cung cấp hàng trăm giò lan/ngày, còn nay, ngày có ngày không và số lượng lan thu mua được rất ít. Người dân đi tìm lan phải vào tận rừng sâu, thậm chí đi nhiều ngày cũng không tìm được giò lan nào, lan rừng ngày càng ít đi.

Riêng những loại như: Giã Hạc, Nghinh Xuân, Kiều Dẹt, Hoàng Nhạn Tháng Tám, Ngọc Ðiểm… đi tìm đỏ mắt cả tháng cũng chưa chắc đã tìm được. Hơn nữa, nhu cầu chơi lan hiện không chỉ bó hẹp ở trong nước mà còn phát triển ra nhiều nước như Thái Lan, Trung Quốc,…

Do vậy, nguồn cung hiện tại, nhất là đối với các loại lan rừng quý hiếm, chưa thể đáp ứng được nhu cầu chung của xã hội. Ðể phục vụ nhu cầu của người chơi lan thì những người kinh doanh lan đã nhập lan rừng từ nước ngoài về bán…

GS, TS Leonid Averyanov (người Nga), một trong những chuyên gia hàng đầu về thực vật học luôn ấn tượng về sự phong phú của các loài lan rừng của Việt Nam. Chính ông là người góp phần phát hiện ra ba chi mới và 51 loài lan mới, trong đó có 10 loài đặc hữu của Việt Nam. Trong một lần nói về lan rừng, ông cũng rất lo lắng trước nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài lan đặc hữu của nước ta.

Theo các nhà khoa học, một quần thể lan rừng tự nhiên sau khi khai thác hết vẫn có thể tái tạo được nhưng sẽ phải mất nhiều năm và với điều kiện phải ở trong một môi trường thuận lợi.

Tuy nhiên, với sự thu hẹp diện tích của nhiều cánh rừng như hiện nay do tình trạng khai thác gỗ trái phép; lấn chiếm đất rừng trái phép; sự khai thác lan rừng một cách tận diệt, trong khi việc trồng, chăm sóc các loài lan công nghiệp chưa được chú trọng nhiều,… dẫn đến môi trường sống tự nhiên của các loài phong lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng; điều kiện tái sinh là rất khó. Bằng chứng là một số loài lan quý hiếm có tên trong sách đỏ như Lan hài Việt Nam, Hoàng Thảo Gia Lu, Hoàng Thảo Bạch Hỏa Hoàng,… xuất hiện ngày càng ít, thậm chí đã tuyệt chủng do tốc độ khai thác quá nhanh…

Một số loài lan rừng là những loại thực vật rừng được xếp ở loại nguy cấp, quý hiếm, quy định tại ngành mộc lan, nhóm 1A, Nghị định 32/2006/NÐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ được bổ sung bằng Nghị định 160/2013/NÐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Do vậy, căn cứ Văn bản số 09/VBHN-BNNPTNT ngày 6/7/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hành vi khai thác, vận chuyển hoa lan rừng có thể bị xử phạt hành chính tùy thuộc vào số lượng hoa lan khai thác, vận chuyển của người vi phạm.

Luật sư BÙI ÐÌNH BẢN (Ðoàn Luật sư TP Hà Nội)

Ðể hạn chế tình trạng khai thác lan rừng theo kiểu “tận diệt”, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình những nội dung về Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp… Việc tích cực tuyên truyền, xử phạt điểm nhằm góp phần nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có các loài phong lan rừng quý hiếm.

HOÀNG THỊ DUYÊN

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng

>>> XEM THÊM: “Quay xe” sang trồng hoa lan bạt ngàn đếm không xuể, “đại gia nông dân Hải Phòng” cứ 1ha thu nhiều tỷ

Nguồn: Dân Việt