Phòng trị bệnh thối nhũn cho lan

Vào mùa mưa, chúng ta thường bắt gặp tình trạng lan bị thối nhũn, nhất là ở rễ và lá. Nhiều người nhầm tưởng nước mưa là nguyên nhân khiến lan bị thối nhũn, nhưng thực tế, bệnh thối nhũn ở lan lại do vi khuẩn Erwinia Carotovora gây ra bằng cách thâm nhập vào các vết cắn của côn trùng hay vết thương cơ giới do mưa gió gây ra.

Dấu hiệu khi lan mắc bệnh thối nhũn

Khi mới bắt đầu nhiễm bệnh, trên lá của lan xuất hiện những chấm nhỏ giống như bị phỏng nước sôi. Trong điều kiện trời mưa hay độ ẩm không khí cao, tình trạng này sẽ nhanh chóng lây lan sang các lá khác. Lúc này, lá không còn màu xanh nữa mà dần dần chuyển sang màu nâu, khi đụng vào cảm giác nhớt nhớt và có mùi hôi khó chịu.
Khi lan mắc bệnh thối nhũn, nếu không kịp thời phát hiện và xử lý thì toàn bộ lá cây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong các loại lan thì lan Hồ Điệp là loại dễ mắc bệnh thối nhũn nhất. Để phòng tránh bệnh thối nhũn cho lan, tuyệt đối không tưới nước nhiều vào mùa mưa, nhất là thời điểm chiều tối để tránh tình trạng lan bị ướt sũng cả đêm. Bên cạnh đó, nên cân nhắc khi bón phân có hàm lượng đạm cao vì đây chính là nguyên nhân khiến bệnh càng thêm nặng.

Phòng trị bệnh thối nhũn cho lan

– Thường xuyên quan sát cây để phát hiện và xử lý những vết cắn do côn trùng gây ra, đồng thời, hạn chế đến mức tối đa những vết thương cơ giới do nước mưa hay gió mạnh để ngăn chặn các “cửa ngõ” xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.

– Khi cây đã mắc bệnh, ngưng hẳn việc sử dụng phân bón có hàm lượng đạm cao để tránh bệnh càng thêm nặng.
– Không chỉ ngưng bón phân, việc tưới nước cũng nên cắt giảm trong vài ngày. Cùng với đó, cắt bỏ những chỗ bị thối nhũn và phun xịt các loại thuốc New Kasuran BTN, Starner 20WP, Benlate 50WP, Fundazol 50WP,… lên cả chậu lan và giàn treo.

– Nếu cây đã mắc bệnh quá nặng, tiến hành gỡ cây ra khỏi chậu và ngâm trong các dung dịch thuốc đã nói ở trên, sau đó vớt ra, để ráo nước rồi trồng sang chậu mới.

– Khử trùng cho cả giàn lan bằng dung dịch Formol pha với nước theo tỷ lệ 2:100.

– Sau 5 – 7 ngày, tiến hành phun một đợt thuốc nữa cho cả vườn lan.

Có thể thấy, trong các loại bệnh gây hại trên lan thì bệnh thối nhũn là dễ gặp nhất. Bất kỳ sự thay đổi nào của thời tiết (nắng nóng, mưa nhiều, lạnh buốt, độ ẩm cao,…) hay vết thương, vết cắn, vết chích do côn trùng gây ra đều là điều kiện lý tưởng để bệnh thối nhũn hình thành và phát triển. Hy vọng những chia sẻ trên của chúng tôi sẽ giúp bạn đọc có được những giải pháp phòng và trị bệnh thối nhũn hiệu quả cho vườn lan của mình.

(Lê Trinh)