Phi Điệp vàng – loài lan tuyệt đẹp và rực rỡ bạn nên sở hữu

Nếu bạn là người yêu thích sắc vàng rực rỡ và những chùm hoa dài tuyệt đẹp thì không thể bỏ qua loài lan Phi Điệp vàng. Hãy cùng Vuonlan.net tìm hiểu về đặc điểm và cách trồng, chăm sóc loài lan này.

Lan Phi Điệp vàng và những đặc điểm nhận biết

Phi Điệp vàng (tên khoa học Dendrobium chrysanthum) là loài thuộc chi Hoàng thảo (tên khoa học Dendrobium) và thuộc họ lan (tên khoa học Orchidcaeae). Đây là loài cây phụ sinh, có thân thòng và cho lá căng mập xanh quanh năm. Thân cây già hay non đều có màu xanh bóng và lớp vỏ bạc. Lan Phi Điệp vàng sở hữu dáng cây rất đẹp, ít bị rụng lá vào mùa đông và thân rũ dài. Những chùm hoa vàng thật rực rỡ mang lại vẻ đẹp rất đặc trưng cho Phi Điệp vàng nên thường được giới chơi lan chọn làm cây cảnh.


Chúng ta có thể nhận biết Phi Điệp vàng qua những đặc điểm sau:
Thân cây có độ dài từ 70cm đến 160cm, mang hình trụ và dầy từ 0,6cm đến 0,8 cm. Thân thõng xuống và lóng dài từ 2cm đến 3,5cm. Lá cây hình mác nhọn có độ dài từ 10cm đến 16cm, độ rộng từ 3cm đến 4cm.
Hoa màu vàng rất đẹp, có đường kính từ 4cm đến 4,5cm. Phần cuống hoa và bầu dài từ 4cm đến 5cm. Cánh của hoa hình trứng, độ dài từ 2,3cm đến 2,4cm, rộng từ 1,4cm đến 1,5cm. Môi hoa màu vàng có hình phễu. Ở giữa bông hoa có từ 1 đến 2 đốm nhỏ màu tím đỏ. Bề mặt hoa được phủ lông mịn.Lan Phi Điệp vàng ra hoa vào khoảng tháng 7 và tháng 8. Cây được tái sinh bằng chồi hoặc hạt. Thân mọc bám vào các cây gỗ cỡ lớn trong rừng.
Lan Phi Điệp vàng sở hữu dáng cây rất đẹp và những chùm hoa vàng thật rực rỡ mang lại vẻ đẹp rất đặc trưng.


Tình trạng phân bố
Trên thế giới, Lan Phi Điệp vàng được tìm thấy ở các nước Ấn Độ, Nêpan hay Butan, Trung Quốc và Mianma, Thái Lan, Lào.
Tại Việt Nam, Lan Phi Điệp vàng có tại các tỉnh Cao Bằng, Vĩnh Phúc (vùng Tam Đảo), Hòa Bình hay Hà Tây và Quảng Trị.
Như vậy, Phi Điệp vàng là loài lan hiện có sự phân bố không tập trung và đang có nguy cơ tuyệt chủng do bị khai thác nhiều để trồng hay bán cho giới chơi cây cảnh. Bên cạnh đó, cây cũng được sử dụng để làm thuốc. Vì vậy, để bảo tồn, nhà nước nên xây dựng các vườn quốc gia để nhân giống cũng như chăm sóc.
Phi Điệp vàng là loài lan hiện có sự phân bố không tập trung và đang có nguy cơ tuyệt chủng do bị khai thác nhiều để trồng hay bán cho giới chơi cây cảnh.

Giá trị của Lan Phi Điệp vàng

Bên cạnh việc sử dụng làm cây cảnh và được nhiều người yêu thích, Phi Điệp vàng còn được sử dụng làm thuốc trị bệnh. Thuốc từ lan Phi Điệp vàng có thể trị miệng khô, trị táo khát, trị phổi kết hạch, trị dạ dày thiếu vị chua, trị di tinh, trị ra mồ hôi trộm, trị thắt lưng đau mỏi, trị chứng nhiệt gây tổn tân dịch.

Cách trồng và chăm sóc lan Phi Điệp vàng

Yêu cầu về ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm
Trong kỹ thuật trồng lan Phi Điệp vàng thì các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm là yếu tố rất quan trọng và cần được đặc biệt lưu ý.
Yêu cầu về ánh sáng: Các loài lan nói chung và lan Phi Điệp vàng nói riêng là loại cây rất cần ánh sáng. Do vậy, để cây phát triển tốt thì bạn cần đặt cây ở ngoài trời nhưng cũng cần làm mái che để nếu trời nắng quá thì lan không bị cháy nắng. Nếu thấy cây có dấu hiệu quặt quẹo thì đó là cây đang bị thiếu nắng, lúc này người trồng cây nên chuyển cây đến chỗ có nhiều nắng hơn. Đặc biệt vào mùa đông, ít nắng nên cây khó ra hoa.
Yêu cầu về nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp của lan Phi Điệp là từ 8 đến 25 độ C, nhưng cây cũng có thể chịu được nhiệt độ nóng tối đa là 38 độ C và chịu độ lạnh là 3 độ C. Tuy nhiên, nếu Phi Điệp vàng trồng vào mùa đông có nhiệt độ trên 15 độ C trong thời gian từ 4 đến 6 tuần thì cây sẽ khó ra hoa.
Yêu cầu về độ ẩm: Độ ẩm thích hợp của lan Phi Điệp vàng là từ 60% đến 70%. Nếu độ ẩm quá thấp thì cây non sẽ bị teo dần và không lớn được. Do vậy, người trồng hoa cần đặt cây nơi thoáng gió, đặc biệt trong thời kỳ cây ra nụ để cho sai hoa.
Trong kỹ thuật trồng lan Phi Điệp vàng thì các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm là yếu tố rất quan trọng và cần được đặc biệt lưu ý.

Chuẩn bị trồng cây

Trồng Phi Điệp vàng nên sử dụng chất liệu là gỗ mục và các loại khác dễ thoát nước như là vỏ thông hay vỏ dừa, …Nhưng tốt nhất là nên trông cây trong dớn hay trong chậu gỗ và treo lên để cây thoáng gió và thoáng gốc. Đặc biệt, lan Phi Điệp vàng rất ưa được trồng trong loại chậu chật hẹp nên chúng ta không dùng chậu quá lớn.
Hướng dẫn cây trồng và chăm sóc
Trồng lan Phi Điệp vàng chúng ta cũng cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề chăm sóc bởi điều đó sẽ quyết định cho khả năng sinh trưởng cũng như phát triển của cây.
Về việc tưới nước: Chúng ta cần tưới nước cho cây 2 lần một ngày và cho tắm nắng trong mùa hè. Trong mùa thu và đầu mùa đông thì chúng ta chỉ cần tưới rút bớt nước với 1 lần trong ngày vì khi đó cây đã ngừng tăng trưởng để cây không bị teo. Đến giữa mùa đông thì sẽ ngừng hẳn tưới nước. Trong trường hợp độ ẩm quá thấp thì chúng ta chỉ nên phun sương 1 đến 2 lần trong tháng.
Về việc bón phân: Từ tháng 2 đến tháng 9, chúng ta chỉ nên bón phân NPK theo tỷ lệ 15-15-15 vì lan Phi Điệp vàng không ưa loại phân bón chứa nhiều Nitrogen. Nhưng từ tháng 9 đến tháng 11 thì bón với phân với tỷ lệ 10-30-10. Còn lại từ tháng 12 cho đến hết tháng 1 thì sẽ không bón phân. Nếu chúng ta cứ tiếp tục việc bón phân thì Phi Điệp vàng sẽ mọc và cho ra cây con mà sẽ không ra nụ và ra hoa.


Về việc phòng bệnh: Để phòng bệnh cho lan Phi Điệp vàng, chúng ta phun nước vôi trong cho cây. Cách pha như sau: Cho 1 miếng vôi khoảng bằng một ngón tay cái vào trong 1,5 lít nước, sau đó chờ cho vôi tan xong thì lấy phần nước trong phun vào giá thể, thực hiện 2 lần trong 1 tháng. Nước vôi trong có tác dụng giúp cho cây cứng cáp hơn và giúp cây không bị thối vì trong thành phần của vôi có canxi. Bên cạnh đó, vôi còn giúp diệt khuẩn mà không gây hại cho thân thòng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý sau khi xịt nước vôi trong 2 tiếng thì phải xịt lại cho cây bằng nước trắng.