Những lưu ý chăm sóc lan sau khi tách chiết

Các cây lan khi phát triển chật cả chậu lan đa thân hoặc phát triển lên cao quá lan đơn thân đều được tách chiết để trồng lại. Cách trồng lan này rất đa dạng. Sau đây là vài cách trồng thông thường nhất

Tách chiết'

1. Trồng trong chậu

Phải chọn các chậu đã được nung chín (tay ướt sờ vào không hút bám vào chậu, gõ nhẹ nghe thanh trong). Kích thước chậu cân đối với khả năng phát triển của cây. Có nhiều lỗ thoáng (cho cây có rệ mập và cây có rễ gió nhiều). Chậu phải sạch hoặc phải được rửa sạch trước khi trồng. Nếu dùng chậu cũ đã trồng rồi thì phải đốt chậu để khử trùng. Tiến hành trồng như sau:

a) Cho chất trồng to vào đáy chậu, có thể gác chéo sao cho đáy chậu được trống khoảng 1/5-1/4 thể tích chậu. Chất trồng vừa ở giữa và chất trồng nhỏ hơn ở trên mặt nhưng không đầy ngang miệng chậu mà còn chừa mép chậu 1-2cm. Chất trồng ở đây thường là than gỗ.

b) Gắn cọc ty tơ vào mép chậu nếu trồng lan đa thân hay ở giữa chậy nếu trồng lan đơn thân. Vai trò của cọc ty tơ là giữ cho cây lan được đứng vững vào lúc đầu khi rễ lan chưa bám được vào chậu. Với các chậu có gắn móc treo thì có thể buộc cố định cây lan bằng vào các dây kim loại này. Nếu không, cây lan sẽ bị lay đồng khi tưới hay lúc gió thổi sẽ làm cho đầu rễ bị tổn thương, không phát triển được.

c) Buộc cây lan và cọc ty tơ sao cho hướng phát triển của cây lan về sau sẽ quay vào giữa chậu nếu trồng lan đa thân. Phần gốc lan không chôn trong chất trồng mà chỉ để sát trên mặt chất trồng. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không phủ kín gốc lan, nhất là lan đa thân. Nếu cần tăng độ ẩm cho chậu lan vào mùa khô hạn thì ta có thể phủ lên mặt chậu một lớp mỏng xơ dừa hay dớn sợi, nhưng không che kín gốc lan, rất dễ thối gốc.

d) Ngay khi trồng xong nên để chậu lan ở nơi mát mẻ, ẩm độ cao cho đến khi ra rễ non và phát triển thì chuyển dần ra nơi có ánh sáng phù hợp. Tưới nước, bón phân như cây trưởng thành.

Tách chiết'

2. Trồng ghép trên thân cây (chúng tôi cũng đã trình bày phương pháp trồng lan trên vỏ cây)

Đây là cách trồng mô phỏng với cách mà cây lan sống bám trên cành cây ở trong thiên nhiên nên chúng phát triển mạnh hơn nếu so với các cách trồng khác.

Thân cây có thể còn sống, bấy giờ phải lưu ý đến tán cây mà tỉa bớt cành nhánh cho phù hợp với nhu cầu ánh sáng của cây lan muốn trồng. Tuy trồng ghép trên thân cây nhưng không phải ở vị trí nào cũng tốt. Các cây lan chỉ phát triển tốt khi chúng được ghép về phía có ánh sáng ban mai chiếu rọi vào. nghĩa là về hướng đông mà thôi. Cách trồng này rất thích hợp cho hầu hết các giống lan, đặc biệt nhất là các giống lan rừng.

Thân cây có thể đã chết, bây giờ có thể cắt thành từng khúc ngắn để treo hay thành từng đoạn dài để đứng trong chậu ở sát đất. Trong trường hợp này, phải có giàn che cho phù hợp. Dĩ nhiên là nên chọn cây lâu mục: cây vú sữa hiện nay được ưa chuộng nhất. Khi dùng thân cây đã chết, tốt nhất nên bóc vỏ đi vì khi khô, vỏ cây cũng tróc ra làm rời các cây lan và trở thành nơi trú ẩn của côn trùng phá hoại cây lan, rất khó tìm để diệt chúng.

Cách trồng được thực hiện như sau:

Buộc một miếng xơ dừa vào thân cây gỗ rồi buộc chồng lên trên đó gốc lan muốn trồng. Vào mùa khô, miếng xơ dừa sẽ giúp giữ ẩm mà không làm thối gốc lan, vì vậy đừng bao giờ làm ngược lại, nghĩa là đừng buộc chồng miếng xơ dừa phủ kín lên trên gốc lan. Luôn luôn gốc phải được nằm lộ ra trong không khí. Rễ lan sẽ ló ra và theo hơi ẩm mà mọc bám vào thân cây gỗ. Một thời gian sau, xơ dừa hư mục, ta gỡ bỏ dần đi. Trong trường hợp trồng vào mùa mưa hay những nơi ẩm quá thì khỏ cần miếng xơ dừa này.

Từ cách trồng ghép trên gỗ, ta có nhiều cách trồng tương tự như trồng trên miếng dớn, trồng trên khúc gỗ, trồng trên ống sàng, ống nhựa đục lỗ …

3. Trồng treo không chậu, không chất trồng

Tách chiết'

Trong trường hợp các cây Vanda, Ascocentrum … và các cây lai của chúng, chậu chỉ là giá thể, không có mục đích chứa hết hệ rễ của cây lan vì vậy ta thấy rễ mọc ra khỏi chậu, lòng thòng dưới chậu. Do đó đối với các giống lan này, người ta có thể trồng bằng cách buộc một sợi dây ở ngay giữa thân cây rồi treo dưới giàn lan, không dùng chậu, chất trồng gì cả, cây vẫn phát triển và ra hoa bình thường. Tuy nhiên cách trồng này chỉ có thể áp dụng ở những nơi có độ ẩm cao mà thôi.

Ưu điểm của cách trồng này là với một diện tích nhỏ nhưng mật độ cây rất lớn, không tốn kém vật tư vì không dùng chậu và chất trồng, cũng vì vậy mà không làm trĩu nặng giàn lan và cũng khó bị bệnh hơn!

Khuyết điểm duy nhất của cách trồng này là khi đem đi trưng bày thì cây trơ trụi, không chậu, có phần kém thẩm mỹ.

4. Trồng cây lan thành băng bằng xơ dừa

Cách trồng này áp dụng cho lan cắt cành như dendrobium, oncidium …

Chọn xơ dừa của những trái già khô, xẻ ra từng mảnh to bằng bàn tay (mỗi trái chia ra khoảng 4-5 mảnh)

Sắp các mảnh xơ dừa sát nhau, thành băng dài trên sạp gỗ hay tre, bề lưng quay xuống, bề ruột lõm quay lên trên. Giữ chặt chúng bằng 2 hàng nẹp tre ở hai bên.

Hoặc xếp các miếng xơ dừa theo chiều đứng thành từng hàng khoảng 30 x 50cm

Dùng các cọc tre có chuốt nhọn một đầu cắm thẳng vào giữa miếng xơ dừa để làm cọc ty tơ.

Buộc cây lan vào cọc ty tơ, gốc lan sát với xơ dừa

Tưới nước ít hơn so với trồng bằng than trong chậu. Để tránh úng nước có thể đục thủng một lỗ nhỏ ở giữa miếng xơ dừa trước khi trờng

Trồng lại sau 2 – 3 năm, khi xơ dừa đã hư mục.

Cách trồng này cũng giảm được chi phí vật tư vì xơ dừa là vật liệu dễ kiếm lại rẻ tiền mà phát triển vẫn tốt, nhảy chồi nhanh.

5. Trồng cây lan thành luống

Trong trường hợp của Vanda lá hình trụ, Renanthera, Mokara … chúng phát triển rất cao lớn nên trồng treo trong chậu không thuận tiện, hơn nữa, ta cần trồng nhiều để cắt cành hoa. Trong trường hợp này, ta phải trồng thành luống ở đất như cách trồng đậu đũa, đậu ve vậy.

a. Chuẩn bị luống:

Để tránh úng nước, cần phải đắp luống cao khoảng 15-20 cm, rộng khoảng 1 mét, chiều dài thì tuỳ theo vườn, nhưng không nên dài quá 10m vì sẽ khó chăm sóc từ luống này qua luống khác. Đất ở luống có thể cuốc lên thành từng cục càng lớn càng tốt, sao cho có nhiều lỗ hổng giữa các cục đất để được thoáng, các rễ lan sẽ chui vào đó mà lấy thức ăn. Vì vậy không đập vụn đất ra. Ở vùng đất sét, đất phèn, có thể đắp luống bằng cách dùng cát hoặc trấu đổ lấp trên mặt đất cho dày khoảng 10 – 15 cm. Dùng gỗ hay gạch đóng hay xây thành một khung hình chữ nhật chung quanh luống để giữ cho cát và trấu khỏi chảy tuột vì nước tưới hay vì mưa.

Hai bên luống dựng hai hàng cọc đứng bằng gỗ hay bằng xi măng có nẹp theo chiều ngang để đỡ cậy lan (nhiệm vụ như cọc ty tơ) Hai hàng cọc này đừng quá cao, làm khó cắt cành hoa sau này, thường chỉ cao khoảng 1 – 1,5m. Khoản gca1ch giữa hai hàng chừng 30 – 50cm.

Nơi chọn làm luống phải trống thoáng, nhiều nắng, không bị ngập nước.

b. Tiến hành trồng:

Buộc đứng các cây lan vào các nẹp, cành này cách cành kia khoảng 20cm. Gốc cành lan không chạm hay chôn vào đất. Các cành lan dài khoảng 40-50cm càng nhiều tầng rễ càng tốt, chúng thường có 2-3 tầng rễ.

Dùng gạch, chậu bể, gáo dừa, than … khoả lên mặt luống cho chạm đến gốc lan, trên cùng dùng xơ dừa đã ngâm ướt phủ lên nhưng không đè nén lại mà để nhẹ nhàng cho xốp, sắp xếp cho đều và đẹp mắt. Tính từ mặt đất lên đến xơ dừa cao khoảng 20cm, không phủ gốc lan.

Che nắng cho lan khi mới trồng bằng các phên tre hay bằng các tàu lá dừa hoặc lưới che để có khoảng 50-60% ánh sáng. Gỡ bỏ dần giàn che đi khi cây lại sự phát triển, khi có lá che chở cho nhau thì không cần che chắn gì cả. Thật ra để cây tươi tốt, phát triển nhanh, ra cành nhánh nhiều cho mục đích nhân giống thì có thể phải che một lớp lưới thưa cho có độ nắng cỡ 60-80%. Muốn ra hoa nhiều thì tăng nắng lên bằng cách gỡ bỏ lưới hay che lưới thưa hơn. Lá có thể hơi ngả vàng nhưng cây mạnh, ra hoa nhiều!

Làm cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với lan và thường xuyên bón phân hữu cơ như phân bò ở gốc lan. Có thể trét phân bò, phân heo lên trên các nẹp tre, thân lan.

Trồng lại sau khoảng 3-4 năm.

Nguồn Internet