Nhộn nhịp ‘chợ’ lan rừng lớn nhất Huế

Ở Huế, giới chơi phong lan vẫn rỉ tai nhau về một phiên chợ bán lan rừng. Ở đó, những tay chơi lan khó tính nhất cũng phải hài lòng về sự phong phú của các loại lan.

Một người bạn của tôi rất yêu và đam mê chơi phong lan ở Huế cho biết, phiên chợ ấy chỉ diễn ra vào 2 ngày cuối tuần là thứ 7 và chủ nhật. Lần theo hướng dẫn của anh bạn này, chúng tôi có mặt tại công viên Thương Bạc (TP Huế). Không khó để nhận ra cảnh tượng tương đối nhộn nhịp được tạo ra bởi những chủ bán lan và người mua lan ở đây.

Trong khi những người bán lan đang nhiệt tình cầm tờ “ca-ta-lô” giới thiệu từng loại lan về tên gọi, nguồn gốc, cách chăm sóc, thế lan… thì những khách hàng lại tỉ mẩn xem xét, ngắm nghía từng nhánh, chùm lan rồi hỏi về giá, sắc hoa… Họ cùng nhau bàn luận về tương lai của những nhánh lan, nghe rất rôm rả.

Quang cảnh nhộn nhịp của phiên ‘chợ’ lan rừng ở một góc công viên Thương Bạc (TP Huế).

Một người bán lan ở đây nhiệt tình giới thiệu với tôi đủ loại lan rừng phong phú về chủng loại và đa dạng về màu sắc. Đó là nghinh xuân, tai trâu, đuôi chồn, đuôi cáo, quế tím, quế vàng, các loại lan hồ điệp, kim tuyến, kim điệp, vũ nữ, đoản kiếm, ô lôi… Tất cả chúng được những người chủ này khẳng định là phong lan hái từ rừng 100%.

Ở đây, có đủ loại lan rừng được bày bán phong phú về chủng loại, đa dạng về màu sắc.

Người mua tha hồ lựa chọn các loại lan.

Tại khu chợ này, một số người bán lan mặc trang phục dân tộc thiểu số và nói tiếng Kinh còn chưa rõ. Một người bán lan cho biết, nhóm của họ là người dân tộc Vân Kiều ở trên Khe Sanh, Hướng Hóa (Quảng Trị). Những nhánh lan rừng họ bày bán ở đây được người thân của họ khai thác từ những cánh rừng tận biên giới giáp nước bạn Lào. Vào mỗi dịp cận Tết hoặc đầu năm, do thấy nhiều khách hàng thích mua lan về chưng và chăm sóc, họ bắt xe vào Huế bày bán lan ở góc công viên Thương Bạc này để kiếm thêm thu nhập.

Người bán thường là những người dân tộc thiểu số ở trên các vùng miền núi Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị.

Giá cả của những loại lan ở đây được mua bán theo phương thức “thuận mua vừa bán”, nghĩa là không có một giá cố định. Bởi, có những nhánh lan trong mắt người này rất đỗi bình thường nhưng trong mắt người khác lại là cả một vẻ đẹp đầy mê hoặc. Cho nên, giá cả từ đó mà cũng được bán cao hay thấp.

Giỏ lan ô lôi gắn với thân cây và có hoa này được định giá 400 nghìn.

Trong khi đó, có một số loại lan được bán theo cân từ 150 nghìn – 300 nghìn/kg nhưng cũng có loại được bán theo nhánh, chùm, giá tùy vào độ quý hiếm và vẻ đẹp của hoa khi bung nở.

Địa lan được bán 100 nghìn/cây.

Khi đến đây, người chơi lan không cần mất nhiều thời gian cũng có thể chọn cho mình nhiều loại lan rừng ưng ý về sở thích, lẫn giá cả.

Ông Đặng Văn Vinh, trú ở phường Thuận Hòa (TP Huế), một người có nhiều kinh nghiệm chơi lan cho biết, những loại lan bày bán ở công viên Thương Bạc rất được người chơi lan ưa thích vì chúng có vẻ đẹp hoang dã đặc trưng của núi rừng tự nhiên. Tuy nhiên, càng sau này những nhánh lan quý hiếm được bày bán ở đấy càng ít dần đi, lâu lâu mới bắt gặp.

Vẻ đẹp của một khóm lan rừng được một tay chơi lan ở Huế chăm sóc sau khi mua ở phiên chợ này về.

“Hiện, nhiều người thấy hoa lan đẹp là mua về trồng chứ không có kiến thức chăm sóc gì hết, dẫn đến nhiều nhánh lan rừng bị chết rất uổng. Trong khi đó, bà con dân tộc thiểu số trên vùng cao thì đua nhau vào rừng hái lan. Nếu không cân bằng giữa thú chơi tao nhã này với cách khai thác lan rừng đúng cách thì mai đây vẻ đẹp của những nhánh phong lan sẽ không còn thấy ở các cánh rừng tự nhiên nữa đâu”, ông Vinh tỏ ra lo lắng.

Theo Kông Thành ( báo Người Đưa Tin).