Nhân giống hoa lan bằng phương pháp gieo hạt

KONICA MINOLTA DIGITAL CAMERA

Việc nhân giống hoa lan ngày nay trở nên đa dạng hơn trước rất nhiều, bạn có thể chọn nhân giống hoa lan bằng gieo hạt, thân giả, tách nhánh, cấy mô… sao cho phù hợp với điều kiện và tình trạng vườn lan của mình nhất. Bước đầu Vuonlan.net sẽ hướng dẫn các bạn Nhân giống hoa lan bằng phương pháp gieo hạt.

Trong thực tế hoa lan ít khi nhân giống hữu tính, bởi vì hạt của hoa lan rất nhỏ, kỹ thuật gieo ươm phức tạp, tỷ lệ nẩy mầm thấp và tính phân ly lớn khi trồng hoa lan bằng hạt, khó duy trì được đặc tính tốt của cây mẹ. Nhưng cũng chính vì mang tính di truyền phức tạp, phân ly lớn cho nên là cơ hội tốt cho các nhà nhân giống hoa lan và đông đảo người trồng hoa lan tuyển chọn được những giống hoa lan quý. Bởi vậy nhân giống hoa lan bằng hạt cũng là một trong những khâu quan trọng trong việc tạo ra giống lan.

– Các phương pháp nhân giống hoa lan bằng gieo hạt: Có hai cách nhân giống hoa lan bằng hạt là vô khuẩn và hữu khuẩn.

+ Phương pháp hữu khuẩn là đem hạt gieo hat hoa lan vào giá thể của rễ lan trồng trong chậu, trước khi gieo hạt phủ rêu lên mặt chậu rồi hãy gieo hạt lên trên. Hạt giống sẽ nẩy mầm nhờ sức tác của thực khuẩn của rễ hoặc lấy thực khuẩn từ rễ cây hoa lan đem trộn với hạt rồi đem gieo thẳng xuống giá thể. Nhưng dù là phương pháp nào đi nữa thì tỷ lệ nẩy mầm cũng rất thấp.

+ Phương pháp gieo hạt hoa lan vô khuẩn được tổ nghiên cứu Gasmolin phát hiện từ những năm 20-30 của thế kỷ 20, bằng cách sử dụng dung dịch dinh dưỡng vô cơ, có thể làm cho hạt hoa lan nẩy mầm và chứng minh kỹ thuật nhân giống hoa lan hiệu quả cao được xác lập trên cơ sở trong điều kiện vô khuẩn. Cây hoa lan giống mọc từ hạt có thể sinh trưởng khoẻ mạnh cho đến khi ra hoa, đã được các nước trên thế giới ứng dụng rộng rãi.

– Môi trường gieo hạt hoa lan

Chất dinh dưỡng dùng cho gieo hạt vô khuẩn được phối chế theo môi trường MS (Muzashige and Skoog, 1962) hoặc KC (Kunsun c, 1946) nhưng tùy giống loài hoa lan mà tăng thêm than và nước dừa.

– Diệt khuẩn khử trùng hạt giống hoa lan

Hái lấy quả sắp chín (80-90%) hoặc chưa chín, dùng bông tẩm cồn lau sạch bề ngoài, dùng dao tách quả để lấy hạt, dùng vải trắng gói lại, làm ướt hạt hoa lan bằng nước vô trùng, dùng giấy lọc thấm nước, đưa vào ngâm 5-10 phút đầu trong dung dịch KOH, vớt ra rửa sạch bằng nước vô trùng 3 lần, dùng giấy lọc thấm hết nước lại đưa vào ngâm trong dung dịch nước tẩy trùng (H2O2, HgCl…) để diệt khuẩn 10-20 phút rồi vớt ra rửa bằng nước vô trùng vài lần là có thể dùng được.

– Nuôi dưỡng gieo hạt hoa lan vô trùng

Dùng que bạch kim, ống hút hoặc bơm tiêm hút lấy hạt hoa lan đã qua xử lý trên bàn siêu sạch, gieo vào bình hoặc ống nghiệm, dán nhãn sau đó đưa vào phòng cấy mô nơi có ánh sáng tán xạ với nhiệt độ 20-26°C. Sau khi phôi lớn, cho chiếu sáng 2.000-3.000 Lux mỗi ngày 10-18 tiếng. Lượng giống trong bình sao cho các hạt giống hoa lan đều được tiếp xúc với dung dịch là được. Hạt giống được phân đều trên bề mặt của dung dịch, không được chùm xuống dưới để tránh bị ngạt, thời gian nẩy mầm của hạt giống hoa lan tuỳ theo giống. Khi nẩy mầm phôi phình to, mầu vàng nhạt, rồi dần dần chuyển sang màu xanh vàng cho đến màu xanh và từ phôi xuất hiện thân hình cầu, từ thân hình cầu mọc thành mầm. Sau khi gieo hạt 1-2 tuần phôi phình to, 4-6 tuần hạt có màu xanh chứng tỏ diệp lục đã có trong phôi. Lá đầu tiên xuất hiện chính giữa đỉnh thân hình cầu. Sau khi gieo 2-3 tháng xuất hiện lá thứ 2-3 thân hình cầu dài ra và có sợi rễ đầu tiên. Có những giống khó mọc rễ cần thay dung dịch với liều lượng và chủng loại khác nhau, cho đến khi cây mọc vài cái rễ và lá mọc đều hãy đưa cây trồng vào giá thể trồng hoa lan. Những cây sinh trưởng yếu cần chuyển vào vị trí của những cây sinh trưởng khỏe tiếp tục nuôi dưỡng.

– Lấy cây thực sinh trong ống nghiệm

Đây là khâu rất quan trọng trong việc nhân giống hoa lan, nếu thao tác không cẩn thận hoặc không chu đáo có thể bị chết do không thích nghi với môi trường bên ngoài hoặc phí công của các công đoạn trước. Trước khi lấy cây hoa lan nên rời đến những nơi có môi trường tương tự để nó thích ứng với môi trường trồng lan tự nhiên và nhiệt độ trong phòng, khi cần thiết có thể bỏ nắp đậy 2-3 ngày, tiếp đó lấy cây hoa lan từ trong bình ra rửa sạch dung dịch dính vào cây, chú ý tránh tổn thương đến rễ, sau đó đem ngâm vào thuốc tím từ 5-10 phút, vớt lên đặt lên mặt báo cho ráo nước, cuối cùng đem cây hoa lan trồng vào giá thể phù hợp (hỗn hợp giữa than bùn, rêu, bã mía… với cát mịn). Đầu tiên nên đặt cây hoa lan ở chỗ độ ẩm cao, ánh sáng yếu 6-7 ngày sau đó hãy chuyển vào phòng có nhiệt độ 25°c và độ ẩm tương đối cao và ánh sáng tán xạ khá mạnh cho đến khi cây sống, mỗi ngày tưới nước cho hoa lan 1 lần và phun thuốc diệt khuẩn theo định kỳ, sau một tháng mới đem trồng vào nơi có ánh sáng tương đối. Tùy thuộc vào độ lớn của cây hoa lan mà thay chậu, thường thường sau hai năm, cây hoa lan sẽ ra hoa.

Hiện nay trên thế giới đã sử dụng phương pháp gieo hạt quả xanh:

Thường sau khi thụ tinh, một cây hoa lan cần thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để quả chín. Tuổi thành thục của địa lan ngắn hơn phong lan. Ví dụ loài lan Aspasia principissa là 400 ngày. Ngoài ra, để đảm bảo sự thành công trong tạo cây hoa lan con lai bằng kỹ thuật lai giống từ 2 loài lan có nhiễm sắc thể khác nhau, người ta đã dùng phương pháp gieo hạt hoa lan hoàn toàn mới đó là phương pháp gieo hạt xanh.

Phương pháp gieo hạt xanh được thực hiện trong phòng thí nghiệm tương tự phương pháp nảy mầm không cộng sinh nấm, nhưng có lợi là sử dụng hạt còn xanh nên những hạt bên trong không bị nhiễm các mầm bệnh như quả chín. Ngoài ra vỏ quả có thể được khử trùng với một dung dịch có cường độ mạnh nhưng hạt bên trong vẫn không bị ảnh hưởng, vỏ quả đã tách ra bằng một dụng cụ đã khử trùng trong tủ cây vô trùng, lúc này hạt hoa lan được gieo trực tiếp mà không phải khử trùng lần nữa.

Thời gian thu hoạch quả xanh của một số loài, sau khi hạt được hình thành như sau:

– Hoa lan Cattleya 2 lá: 90 ngày

– Hoa lan Cattlaya 1 lá: 120-135 ngày

– Hoa lan Dendro (Dendrobium) nobile lai: 90-100 ngày

– Các loại hoa lan Dendro (Dendrobium) khác: 60-75 ngày.

– Hoa lan vũ nữ (Oncidium): 60-75 ngày

– Hoa lan hồ điệp (Phalaenopsis): 90-100 ngày

– Hoa lan Vanda: 90-120 ngày

Những điều cần lưu ý khi gieo hạt xanh

– Cần gieo hạt hoa lan ngay khi đã lấy ra khỏi quả, hạt hoa lan không để lâu được vì dễ mất sức nẩy mầm.

– Cần rải hạt hoa lan đều trên môi trường gieo hạt, hạt dày quá, cây con lên sẽ yếu. Nếu các hạt hoa lan dính nhau trong ống nghiệm mà lắc không ra có thể cho vào 1 giọt aerosol để tách các hạt hoa lan ra.

Khi gieo hạt xong, cần đặt bình cấy vào môi trường mát mẻ, nhiệt độ và ánh sáng thích hợp cho hoa lan, ít biến đồi, thông thoáng. Ở vùng Đông Nam Á thì những hạt hoa lan Vanda hay cây lai của Ascocentrum, hynchostylis… thường nẩy mầm tốt ở nhiệt độ 27°c và nhiệt độ ổn định là yếu tố quan trọng cho hạt hoa lan nẩy mầm.

– Sau khi hạt nảy mầm, thấy xuất hiện lá thì nên cấy chuyển sang giai đoạn 2 ngay, sau khi cấy chuyển nếu môi trường trồng lan phù hợp cây sẽ sinh trưởng rất nhanh, sau 6-8 tháng có thể mang cây hoa lan con ra khỏi chai trồng ở bên ngoài để trồng. Khi cấy chuyển phải hết sức cẩn thận, tránh sự lây nhiễm khuẩn và nấm.

Khi cây hoa lan con đã lớn khoảng 5-12 tháng sau cấy chúng có thể được chuyển ra ngoài trồng, từ khi trồng đến khi cây có hoa dài, ngắn tùy giống có thể từ 2-7 năm, thời gian này có thể rút ngắn nếu môi trường nuôi cấy và có chế độ chăm sóc đặc biệt.

Chúc các bạn thành công với phương pháp nhân giống hoa lan bằng cách gieo hạt!