Nguyên nhân và cách xử lý Lan hồ điệp bị thối lá, thối rễ

Lan hồ điệp là loài hoa lan đem lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Tuy nhiên để có được một vườn lan chất lượng cũng đòi hỏi nhiều công sức, đặc biệt là người trồng lan phải nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng bệnh. Một trong những vấn đề hay gặp phải là bệnh thối lá, thối rễ trên lan hồ điệp. Vậy nguyên nhân và cách xử lý căn bệnh này ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây!

 

I. Biểu hiện bệnh thối lá, thối rễ trên lan Hồ Điệp

Bệnh thối lá, thối rễ hay còn gọi là bệnh thối nhũn là căn bệnh rất dễ gặp ở các loại lan đơn thân nói chung và lan hồ điệp nói riêng. Biểu hiện của bệnh như sau:

  • Ở giai đoạn đầu mới nhiễm bệnh, trên lá cây sẽ xuất hiện một số nốt chấm vàng nấu như vết bỏng.
  • Ở giai đoạn tiếp theo, những đốm nhỏ này sẽ lan rộng ra, vết thối bắt đầu hình thành, khi động vào có cảm giác nhớt và mùi khó chịu.
  • Bệnh nặng hơn có thể lan sang phần ngọn, rễ cây chuyển sang màu vàng nâu và thối đen dần.

II. Nguyên nhân gây bệnh

Căn bệnh thối lá, thối rễ rất dễ hình thành ở những cây lán có lá to, mọng nước. Nhiều người lầm tưởng rằng nguyên nhân gây bệnh là do cây thừa nước, úng nước. Tuy nhiên đây là bệnh do vi khuẩn Erwinia Carotovora gây ra.

Vi khuẩn xâm nhập vào cây thông qua các vết thương, vết trầy xước ở cây, gặp điều kiện độ ẩm cao sẽ nhanh chóng lây lan và hình thành bệnh. Như vậy độ ẩm cao chỉ là môi trường, chất xúc tác thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh. Do đó lan Hồ Điệp sau khi vận chuyển, cây dễ bị dập nát sẽ rất dễ mắc bệnh.

III. Cách điều trị bệnh thối lá, thối rễ trên lan hồ điệp

Khi phát hiện các biểu hiện của bệnh, cần làm các bước sau:

  1. Trước hết dừng ngay việc tưới nước cho cây và tháo cây ra khỏi giá thể hoặc tháo bỏ toàn bộ dớn hay chất trồng.
  2. Sau đó dùng kéo sạch để cắt bỏ phần rễ và lá bị thối rồi bôi thuốc liền sẹo cho lan hoặc sơn móng tay vào những vết cắt.
  3. Treo ngược cây lan ở nơi râm mát, thoáng gió, tránh ánh nắng và tránh nước 1 ngày để các vết vừa cách được se lành lại.
  4. Tiếp theo cần sử dụng thuốc điều trị thối nhũn cho lan. Một số loại thuốc tiêu biểu cho hiệu quả điều trị cao như Physan 20 SL, Starner 20WP, Ridomil Gold 68WG, Poner 40TB. Pha thuốc theo tỉ lệ in trên bao bì vào chậu nước sau đó ngâm cây lan trong chậu thuốc khoảng 15 phút sau đó treo trở lại khoảng 2 – 3 ngày cho thuốc khô. Sau 2 ngày tiếp tục thực hiện phun thuốc thối nhũn lần 2 nhưng với tỉ lệ bằng ½ so với lần 1 ngâm cây.
  5. Sau vài ngày sẽ thấy vết bệnh khô và cây cứng cáp trở lại thì tưới vitamin B1 để kích thích ra rễ mới. Rễ nhú ra là thời điểm thích hợp để ghép cây trở lại giá thể hoặc chậu trồng.

IV. Cách phòng bệnh thối lá, rễ trên lan hồ điệp

Bệnh thối lá, thối rễ có thể phòng tránh như sau:

  • Không tưới cây vào buổi trưa nắng vì lúc này nhiệt độ của nước cao sẽ làm tổn thương cho cây, nhất là phần lá và rễ. Điều này tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
  • Tưới đủ nước – “ẩm nhưng không ướt”. Lan ưa ẩm nhưng không phải lúc nào, ngày nào cũng tưới nước. Cần chú ý quan sát để tưới vừa đủ và độ ẩm thích hợp, tránh cây bị úng.
  • Lựa chọn giá thể trồng lan phù hợp, thông thoáng, thoát nước và trao đổi khí tốt. Với lan hồ điệp tốt nhất nên trồng trên giá thể gỗ, lũa hoặc xơ dừa và mùn cưa.

Trên đây là nguyên nhân, cách xử lý khi lan Hồ Điệp bị thối lá, thối rễ. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn yêu lan luôn có được cây lan khoẻ mạnh và tuyệt đẹp.