Ngất ngây với vườn lan rừng 3 tỷ ở Lâm Đồng

Ngay từ khi vào vùng kinh tế mới Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), anh Ðặng Văn Oanh, thôn Ðam Pao, xã Ðạ Ðờn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đến với nghề trồng lan rừng kinh doanh thật tình cờ. Vậy mà anh đã có thu nhập cao từ nghề tưởng chừng như “làm chơi ăn thật” này. Từ đó, anh không chỉ có nguồn kinh tế trang trải cho cuộc sống mà còn có điều kiện nuôi dưỡng đam mê.

Anh Đặng Văn Oanh sinh ra và lớn ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ, nay là TP. Hà Nội. Ngay từ nhỏ, anh Oanh đã yêu thích phong lan nên tập tành chơi lan. Ở quê không có điều kiện nên anh chỉ biết kiếm vài nhánh về trồng. Đến năm 1993, khi anh vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng để lập nghiệp, thấy rừng núi ở đây nhiều giống lan đẹp, từ đó, anh được thỏa niềm đam mê từ nhỏ của mình là sưu tập và tìm hiểu về lan rừng.

Lan rừng đem lại thu nhập kinh tế cao cho anh Đặng Văn Oanh.

Anh Oanh đã thực hiện việc sưu tập phong lan của mình ở nhiều cánh rừng Việt Nam từ Bắc đến Nam, thậm chí sang các nước láng giềng Lào, Campuchia để tìm những loại lan rừng quý hiếm. Những ngày đầu chơi lan, anh Oanh sở hữu 1 giàn với gần 800 giò phong lan do anh cất công tìm mua và trao đổi cũng như chiết tách được.

Ban đầu anh Đặng Văn Oanh chỉ sưu tầm chơi như một thú vui, đến năm 2014, thấy nhu cầu thị trường ngày càng cao trong khi bộ sưu tập của mình lại có nhiều giống lan quý hiếm, vậy là ý tưởng kinh doanh của anh bắt đầu từ đấy. Bước đầu, việc trồng và kinh doanh lan rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Anh Oanh chia sẻ: “Nếu quen rồi thì chăm sóc lan rừng không khó, chỉ cần hiểu đặc tính của loài thì có thể thuần chuẩn và trồng cây phát triển tốt. Hoa lan được nuôi dưỡng và chăm sóc cẩn thận thông qua nhà lưới, hệ thống phun sương giống hầu như hoàn toàn với điều kiện trong rừng. Mỗi loại cây lan có điều kiện chăm sóc khác nhau nên tôi chia ra theo vùng, mỗi vùng sẽ có độ ẩm và nhiệt độ khác nhau để phù hợp với điều kiện sống của chúng. Đặc biệt, phải làm sao mô phỏng được điều kiện sống tự nhiên của lan rừng để cây phát triển tốt và ra hoa…”.
Để có được những giò lan đẹp và ưng ý, người trồng lan phải biết cách phân biệt, thuần dưỡng và chăm sóc. Anh Oanh cho biết, khu vườn rộng 900 m2 có 4 giàn treo gần 4.000 giò lan với hơn 70-80 loài (chủ yếu là lan rừng) là “gia tài” hơn 3 tỷ đồng mà anh tích lũy từ ngày tập tành chơi lan đến nay.

Từ niềm đam mê, anh đã mạnh dạn đầu tư vốn, công sức để gây dựng một vườn lan rừng ngày càng phát triển với hàng nghìn giò lan như hiện nay. Trong đó, có những giống lan rừng quý hiếm Giả Hạt trắng Di Linh trị giá lên đến 50 triệu đồng/giò.

Lan anh Oanh trồng thường có giá dao động từ 3 – 5 triệu đồng/giò. Giá 1 giò lan rừng phụ thuộc vào độ quý hiếm và vẻ đẹp của loài hoa này. Anh còn bán cả những cây con chiết tách được nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Nhờ các yếu tố chăm sóc hợp lý, phong lan phát triển và ra hoa tự nhiên, không phá vỡ cấu trúc của cây, nhờ vậy vườn hoa phong lan của anh được giới chơi lan trả giá rất cao.

Thu nhập bình quân một năm từ kinh doanh hoa lan rừng của anh Oanh vào khoảng 300 triệu đồng. Khách hàng mà anh Oanh hướng đến là những người thật sự yêu lan và hiểu giá trị thật của lan. Hiện nay, vườn lan của anh Oanh là địa chỉ quen thuộc trên mạng xã hội của những người yêu, chơi lan và muốn tìm mua lan rừng.
Anh Oanh cho biết, lan rừng rất cuốn hút. Trong hàng ngàn loài hoa anh có, mỗi loài một vẻ đẹp riêng. Để thỏa niềm đam mê, với hơn 40 người cùng chơi lan rừng trong huyện, anh có ý tưởng là thành lập CLB lan rừng Lâm Hà để trao đổi kinh nghiệm, chỉ nhau cách chăm sóc và trao đổi những giống lan quý.

Ông Nguyễn Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẳng định, mô hình thuần dưỡng lan rừng của gia đình anh Đặng Văn Oanh ở thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn là một mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả kinh tế, là hướng đi mới mà nhiều nông dân cần học hỏi. Anh Oanh tiêu biểu cho lớp nông dân quyết tâm làm giàu từ niềm đam mê.

******** Các bạn có thể đặt hàng mua lan rừng đẹp tại đây: SHOP BÁN LAN RỪNG

(Theo Báo Lâm Đồng)