Nét duyên ngầm khó cưỡng mang tên Hoàng Phi Hạc

Hoàng Phi Hạc không mang nét đẹp nổi trội sặc sỡ như Giả Hạc, không mang mùi thơm ngào ngạt như Trầm, cũng không thướt tha yểu điệu một suối hoa như Long Tu, nhưng nàng mang theo một nét duyên thầm, càng ngắm lâu mới càng yêu vì nét đẹp rất giản dị và nhẹ nhàng, hương thơm thoang thoảng nhưng quyến luyến. Khi nàng khoe sắc, không thấy có gì nổi bật, nhưng nếu cảm nhận một cách sâu sắc sẽ thấy nàng giống như một người thiếu nữ nông thôn rất bình dị nhưng hết sức mạnh mẽ, có vóc dáng và sức khỏe dẻo dai nhưng không thô kệch xấu xí mà rất đáng yêu. Nàng không yếu đuối nhạy cảm như nàng công chúa Ý Ngọc, không dễ dàng chết yểu như mấy cô nàng đỏng đảnh lông đen (Kim Điệp Nhựa, Nhất Điểm Hồng, Bạch Hỏa Hoàng…), không kén cá chọn canh như mấy em U Lồi hay Kèn và đặc biệt nói về độ mắn đẻ thì nếu nàng tự nhận mình thứ nhì, thì khó tìm được số 1.

CÁCH TRỒNG

Bước 1: Xử lý giống

– Thời điểm trồng tốt nhất là trước khi mầm gốc nảy hoặc trước khi mầm gốc mọc rễ. Không nhất định là tháng mấy nhưng giao động từ tháng 12 năm cũ cho tới tháng 4 năm sau (âm lịch). Thực ra thì thời điểm nào cũng có thể trồng được, nhưng nếu mầm đã có rễ thì hơi khó và dễ làm mầm bị chột.

– Giống mua về cắt tỉa sạch sẽ rễ của những giả hành trên 10 tháng tuổi, vặt bỏ lá vàng dập nát (hàng theo kg mua về có thể lá bị vàng chút cũng không sao)

– Tách từng cặp giả hành hoặc 3 giả hành liền nhau làm 1 khóm để tiết kiệm giống và có được nhiều mầm.

– Ngâm chìm giống trong dung dịch Physan 20 (liều 1cc pha 1 lít nước) hoặc Benkona (liều 2cc pha 1 lít nước) hoặc Nano Bạc (liều như bao bì) trong thời gian 10 phút.

– Vớt lên để ráo sau đó ngâm trong dung dịch chế phẩm Hùng Nguyễn (liều 1cc pha 1 lít nước) trong thời gian 30-60 phút.

Bước 2: Xử lý giá thể

Bạn có thể trồng trên lũa, gỗ cứng, dớn vụn, dớn bảng, dớn trụ, vỏ thông…. Tuy nhiên nên chọn giá thể có độ bền trên 5 năm vì bộ rễ có tuổi thọ khá cao.

Trồng trên gỗ hoặc lũa thì nhìn thấy ngay giá trị nghệ thuật nhưng năm đầu tiên cây lên khá yếu ớt, khó cố định vào giá thể và rất mất công tưới.

Giải pháp tốt nhất vẫn nên trồng trong chậu với dớn vụn hoặc vỏ thông. Nên chọn chậu với chất liệu gỗ càng bền càng tốt.

Tất cả các loại giá thể đều nên ngâm qua nước vôi từ 2-24 giờ, sau đó rửa lại bằng nước sạch mới đem giống ghép vào.

CÁCH CHĂM SÓC

Hoàng Phi Hạc có khả năng thích nghi với mọi vùng miền ở Việt Nam, thực sự nếu trồng Hoàng Phi Hạc không được thì có lẽ không thể trồng được cây lan gì khác vì lan này rất dễ thuần.

Tối ưu nhất vẫn là treo giò lan dưới 1 lớp lưới Thái che đi 60-70% ánh nắng tùy theo vùng nắng nhiều hay nắng ít. Nếu quá ít nắng thì lan dễ bệnh, nếu quá nhiều nắng thì lá vàng nhìn không đẹp mắt.

Tùy độ giữ ẩm của giá thể và độ ẩm của giàn lan mà tưới nước ngày 1 hay 2 hay 3 lần. Nếu là lũa thì nên tưới ngày 3 lần, nếu là chậu vỏ thông cỡ lớn thì ngày tưới 2 lần, nếu dớn vụn hoặc dớn cù lần xay thì ngày tưới 1 lần.

CÁCH BÓN PHÂN

– 7-15 ngày phun hỗn hợp Chế Phẩm Hùng Nguyễn (1cc pha 1 lít nước) + NPK Te 20-20-20Te một lần cho tới khi bộ rễ của mầm con dài 5-10cm.

– Sau khi rễ mầm con đã đâm hoặc bám vào giá thể thì bỏ vào chậu hoặc gắn 1 túi lưới đựng phân tan chậm của Nhật 14-13-13 hoặc phân tan chậm 5-5-5Te. Nhớ bỏ phân sát thành chậu, cách xa đầu rễ 1 chút.
Khi đã có phân tan chậm thì cứ 7-15 ngày phun Chế Phẩm Hùng Nguyễn + Phân bón lá Trung Vi Lượng + Nano đồng (nếu có) một lần. Phun công thức như trên cho tới khi giả hành thắt ngọn được 1 tháng thì dừng.

– Sau khi giả hành thắt ngọn được 1 tháng thì chuyển sang phân NPK 6-30-30Te (nói chung là phân có hàm lượng lân và kali nhiều). Phun 3 lần, tuần 1 lần.

– Sau đó là chờ mùa hoa rồi lại tiếp tục quay lại quy trình như ban đầu. Nếu quá trình chờ hoa giảm tưới còn 1/2 hoặc 1/3 lượng nước thì sẽ nhiều hoa hơn 1 chút, tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi cũng không cần thiết lắm. Giả hành vẫn còn lá và có cả hoa dù sao tôi thấy vẫn đẹp hơn.

THUỐC PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH

– Mùa mưa thì 10-20 ngày 1 lần Nano bạc (liều theo bao bì) hoặc Agrifos400 (liều 3cc pha 1 lít nước) hoặc Benkona (liều 2cc 1 lít nước) (có thể là luôn phiên nhau) để phòng nấm và khuẩn. Nên phun thuốc vào buổi sáng, ướt đẫm hai mặt lá, giá thể và nền vườn.

Mùa khô có thể giãn thời gian phun phòng bệnh thành 1 tháng 1 lần.

Nội dung trong bài hoàn toàn có thể áp dụng cho Hoàng Thảo Xoắn, Đùi Gà, Kiều các loại…

Chế độ phân thuốc bạn hoàn toàn có thể thay đổi theo điều kiện thị trường nơi bạn sống, không nhất thiết phải đóng khung tư duy vào phân hay thuốc như trong bài tôi đã đề cập.

Mong rằng bài viết sẽ hợp duyên được với nhiều người. Hy vọng mùa xuân sang năm, bạn có thể thưởng lãm được những bông hoa Hoàng Phi Hạc tại nhà mình.

Nếu thấy hữu ích cho bản thân và cộng đồng cũng như để thuận tiện sau này tra cứu tìm kiếm, hãy CHIA SẺ trên trang cá nhân của bạn.

(Trích Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng)