Một số sai lầm cơ bản của người mới chơi lan

Tôi đã nhiều năm lần mò trồng lan mà không có thầy dạy bảo. Phạm phải rất nhiều sai lầm và trả giá cho những sai lầm đó rất nhiều. Nay tôi chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm xương máu mà tôi đã đúc kết ra được và học hỏi từ các nghệ nhân trong ngành, hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn.

Ghép sai, phân thuốc sai. Vừa đọc vừa ngẫm, đừng đọc lướt phí thời gian. Hình minh họa cụ thể nhé các bạn!

I. CÁCH TRỒNG SAI

1. Trồng lan quá CHẶT: Khi trồng lan vào chậu, vì sợ cây lan đổ, ngả nghiêng nên ta cố gắng nhét thật nhiều chất trồng vào chậu và nèn gốc lan thật chặt. Hậu quả là lan chết úng, rễ không phát triển được, mầm không đâm lên được.

Khắc phục: Làm thêm vài thanh tre hoặc gỗ cắm vào chất trồng và cột 1 đầu vào sợi móc treo, sau đó cố định giả hành hoặc cây lan vào thanh tre.

2. Trồng lan quá SÂU trong chậu. Bỏ chất trồng ngập hết mắt ở gốc giả hành hoặc cây lan sẽ làm lan khó nảy mầm hoặc nghiêm trọng hơn là thối mắt ngủ tại gốc. Cách trồng đúng chỉ đơn giản là bạn ĐẶT gốc lan nhẹ nhàng lên trên giá thể trong chậu, sau đó cố định vào que như trên hoặc cố định vào dây móc, thành chậu.

3. Không xử lý giá thể. Sai lầm này thường gặp nhất, bạn quá chủ quan vì cho rằng không cần xử lý vẫn ổn. Ví dụ lũa không rửa sạch và không dùng bàn chải sắt đánh sạch sẽ làm rễ lan bám không chắc hoặc không bám được, hoặc cục lũa quá khô mà bạn không ngâm nước 1-2 ngày mà ghép ngay, giả hành hoặc cây lan của bạn sẽ bị mất nước do chính cục lũa mà bạn ghép. Hoặc dớn không ngâm vôi trung hòa acid hay luộc thì sau này cỏ dại sẽ mọc lên rất nhiều, bên cạnh đó còn mầm bệnh, côn trùng phá hoại, ốc sên… trong giá thể sẽ phá hoại bộ rễ lan và mầm non của bạn…..

4. Dùng quá nhiều kim loại để ghép lan như cột bằng dây thép, bắn quá nhiều ghim, đóng đinh to… sẽ làm đụt đầu rễ cây lan khi rễ bò tới chạm vào kim loại, kim loại sẽ làm xước thân lan hoặc giả hành tạo cơ hội cho nấm khuẩn xâm nhập.

5. Không cắt tỉa rễ cũ: Khi ghép lan, vì thấy rễ giả hành mẹ, bà hoặc rễ cây lan còn tươi mà bạn giữ lại quá nhiều hoặc thậm chí không cắt tỉa mà ghép luôn. Lan của bạn sẽ rất khó để bám được vào giá thể hoặc ra rễ mới. Đằng nào thì mấy cái rễ này cũng sẽ khô và chết đi, vì thế bạn nên cắt tỉa hết đi rồi hãy ghép. Có 1 nguyên tắc nữa là phải giữ gốc lan không bị lung lay xê dịch khi tưới hoặc có gió, làm như vậy lan mới mau ra rễ và bám vào giá thể.

6. Ghép quá dày với nhiều cây lan um tùm trên 1 giá thể nhỏ để tạo sự hoành tráng vào đẳng cấp. Đối với nghệ thuật Bonsai yêu cầu Cổ – Kỳ – Mỹ, thì với Lan cũng yêu cầu tương tự. Khi cây trên cùng bị bệnh, sẽ chảy nước nhiễm bệnh xuống kéo theo cả giò bệnh. Khi cây trong cùng ra hoa, cây ngoài lấp mất vòi hoa sẽ không thưởng lãm được. Khi cây trên ra rễ, rễ phủ qua ngọn cây dưới làm ngọn và lá cây dưới con queo… Vậy nên bạn nên ghép THOÁNG và tính toán trước đường đi của rễ và hướng vòi hoa để bố trí cho hợp lý.

7. Ghép các cây lan không cùng tuổi, không cùng kích thước vào 1 giò. Ấn tượng đầu tiên là thấy sự lô nhô mất cân đối hài hòa, không có giá trị thẩm mỹ, sau đó là hoa trên 1 giò sẽ nở KHÔNG CÙNG THỜI ĐIỂM (đây cũng là lý do vì sao lan bán nguyên 1 giề (bụi) lại mắc hơn là rời rạc, vì giề lan bao giờ nở cũng đều hơn, khỏe hơn). Tôi ghép lan bao  giờ cũng phân loại đẹp ghép riêng, xấu riêng, lớn và dài ghép chung 1 giò, bé và ngắn ghép chung 1 giò..

8. Gắn tã cho lan mà lấp gốc, và mắt ngủ của các giống lan đa thân. Nên gắn tã cách gốc ít nhất 1cm. Bạn nên cắt gọt tã cho thật đẹp rồi mới gắn vào, vì có nhiều giò lan đang rất thẩm mĩ, gắn tã vào trở thành rất xấu. Theo tôi, chơi lan không chỉ chơi hoa mà còn là chơi cả giá thể (chậu hoặc lũa…), bộ rễ, bộ lá, giả hành hay cả thân cây lan.

9. Ghép sai giá thể: giống cần ẩm nhiều thì ghép lũa, cây không ưa ẩm thì phủ dớn trắng. Bạn cần tìm hiểu đặc tính sinh lý của từng giống lan trước khi bạn chọn 1 giá thể cho phù hợp. Ví dụ các giống lan có lông (Nhất Điểm Hồng, Thanh Hạc…) hoặc các giống lá mỏng (Ý Ngọc, Đơn Cam, Hoàng Thảo Kèn…) bạn nên trồng bảng dớn hoặc lũa hoặc gỗ hay chậu với vỏ thông, nếu bạn trồng với dớn trắng hoặc rêu rừng thì tỉ lệ sống rất thấp.

10. Treo lan trong vườn lộn xộn, không chia khu cho loại lan, tuổi lan nên hiệu quả chăm bón giảm nhiều. Ví dụ giống lan cần nhiều nắng như Dendro, Giả Hạc thì treo tầng dưới, Ngọc Điểm treo tầng trên, hoặc treo lẫn lộn cùng nhau đều là sai lầm thường gặp.

II. BÓN PHÂN VÀ PHUN THUỐC

1. Bón phân quá nhiều. Thừa phân lan sẽ chết! Vậy thà thiếu hoặc không bón thì còn hơn.

2. Bón phân chuồng mà không ủ sẽ mang mầm mống bệnh, côn trùng và cỏ dại cho giò lan. Không ủ hoặc ủ sai cách thì cũng không có bao nhiêu chất dinh dưỡng cả. Về vấn đề bón phân cho lan, tôi sẽ đề cập ở 1 bài viết khác.

3. Trộn nhiều loại phân khác tên mà cùng thành phần với nhau.Lãng phí, dư thừa và hại cho lan. Vậy nên các bạn phải học cách ĐỌC THÀNH PHẦN trên bao bì. Tên sản phẩm có khi khác nhau, nhưng thành phần thì giống nhau ví dụ chai thì ghi là THIAMINE, chai thì ghi là Vitamin B1. Thật ra 2 cái này là 1.

4. Trộn phân và thuốc nấm, vi khuẩn rồi xịt. Theo nguyên tắc, LAN BỆNH THÌ NGƯNG BÓN PHÂN. Nếu lan không bệnh thì cũng nên phun riêng để tránh quá tải cho cây và phân thuốc trung hòa lẫn nhau làm giảm hiệu quả. Cách nhau tốt nhất là cách nhau trên 2 ngày.

5. Pha phân thuốc nhiều loại 1 lần nhưng phun không hết cất đi mấy hôm sau phun tiếp, thuốc sẽ biến chất và gây hại cho cây, hoặc thấy còn dư thì phun lại cho lan lần nữa (nguyên tắc phun phân chỉ đi 1 lượt không đc quay lại trong 1 lần phun).

6. Trộn thuốc có cùng thành phần ví dụ trộn thuốc diệt nấm Ridomil Gold với thuốc Metalaxyl M (cũng trị nấm) rồi xịt phòng và trị nấm. Nhưng bạn nên nhớ rằng Ridomilgold có 2 thành phần là Mancozed và Metalaxy, vậy chẳng phải là bị thừa Metalaxyl?

Và có những loại thuốc trộn với nhau sẽ gây kết tủa hoặc trung hòa mất hoạt tính, vậy nên bạn hãy hỏi người bán trước khi pha trộn thuốc với nhau.

7. Dùng sai thuốc khi chữa bệnh cho lan. Lan bị thối nhũn do vi khuẩn mà xịt thuốc nấm và ngược lại.

Theo kinh nghiệm của tôi, bạn nên tìm các loại thuốc phòng bệnh phổ rộng và an toàn cho người và gia súc để phun phòng bệnh định kỳ, thay vì chờ tới lan bị bệnh rồi tìm cách chữa trị. Tôi thường dùng các loại thuốc an toàn như Nano Bạc, Agrifos 400, Benkona phun định kỳ nửa tháng 1 lần.

8. Xịt phân và thuốc lúc trưa NẮNG, NÓNG sẽ làm phân giải mất chất cần cho cây, hoặc bị acid hóa làm cháy lá lan. Nên phun khi trời mát, tốt nhất là 7h sáng và 16h chiều. Xịt sau cơn mưa 1 tiếng khi lá đã khô và trước cơn mưa ít nhất 2 tiếng. Nếu bạn phun phân buổi sáng, thì tốt nhất sau 11h bạn nên tưới rửa lại lá lan 1 lần.

9. Gắn phân tan chậm quá gần gốc hoặc gắn quá sớm khi lan chưa ra rễ gây lãng phí.

Lời kết: Trồng lan chính là một nghệ thuật, trước khi trở thành nghệ nhân thì bạn cần phải làm nạn nhân một thời gian. Vì vậy nếu có phát hiện ra sai lầm, thì xin chúc mừng bạn, vì bạn đang đi đúng hướng để trở thành một nghệ nhân.

Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng.