Miệt mài sáng tạo không ngừng nghỉ

Không chỉ giỏi chuyên môn, những đảng viên này còn đi đầu trong phong trào sáng kiến, sáng tạo, mang lại cho đơn vị và cộng đồng nhiều sản phẩm giá trị tiền tỉ.

Mỗi khi lai tạo, nhân giống thành công những loại hoa, rau mới với năng suất, chất lượng cao để chuyển giao, cung ứng cho nông dân, ThS Phan Diễm Quỳnh, Trưởng Phòng Thực nghiệm cây trồng – Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM (Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn TP HCM), vui đến mấy ngày liền.

Bạn của nhà nông

Quá trình nghiên cứu, lai tạo ra một giống mới thường mất thời gian rất dài, có khi lên đến hàng chục năm. Đó cũng là lý do trong suốt 13 năm công tác tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, đảng viên Phan Diễm Quỳnh luôn miệt mài sáng tạo không ngừng nghỉ.

ThS Phan Diễm Quỳnh bên giống hoa lan do mình lai tạo

Chị Quỳnh đã lấy cây hoa lan làm đề tài nghiên cứu chính. Theo chị, hoa lan là một loại cây trồng không chiếm diện tích đất, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện ở đô thị. Mặt khác, cây hoa lan đã được ngành nông nghiệp TP HCM xác định là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có khả năng ứng dụng công nghệ cao, đóng góp không nhỏ cho kinh tế nông nghiệp của thành phố.

Giải pháp “Chọn tạo thành công và bảo hộ bản quyền 2 dòng lan lai (Dendrobium) BCH 424-1, BCH 424-3 đưa vào sản xuất tại khu vực phía Nam” của chị Quỳnh đã góp phần khắc phục tình trạng phụ thuộc nguồn giống nhập khẩu, hạn chế việc thiếu hụt cây giống, chủ động triển khai sản xuất đúng thời vụ.

Anh Huỳnh Thanh Vũ (phải) hướng dẫn công nhân trong xí nghiệp thực hiện các thao tác an toàn

Công việc nghiên cứu, chọn tạo các dòng lan lai mới có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nóng, ẩm, ít bị nhiễm bệnh, siêng ra hoa, dễ tiêu thụ đã đáp ứng được mục tiêu của chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao trên địa bàn TP HCM. Mặt khác, giải pháp của chị Quỳnh đã giải quyết những hạn chế của các giống lan Dendrobium nhập khẩu, như: cây thường có giả hành ngắn, đường kính thân nhỏ, dễ rụng lá, chỉ đạt 8 – 12 hoa/cành, tuổi thọ của hoa chỉ 20 – 28 ngày và thông thường mỗi cây lan chỉ ra 2-3 cành hoa/giả hành/năm, sau đó ngừng phát triển, chuyển sang già cỗi rất nhanh, dễ bị nhiễm nấm bệnh.

Từ năm 2018 đến 2020, cả 2 dòng lan mà chị Quỳnh nghiên cứu đã được đưa vào danh sách cung cấp cây giống cho 2 hợp tác xã và 10 hộ sản xuất tại các xã Hưng Long, Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh) và Trung lập Thượng (huyện Củ Chi, TP HCM) thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới. Mỗi dòng lan cung cấp trên 700 cây cho mỗi mô hình. Tỉ lệ sống của cây giống bảo đảm đạt trên 95%, lan không nhiễm sâu bệnh. Với giá bán mỗi cây có hoa thương phẩm tại vườn là 35.000 – 50.000 đồng, nông dân có thể thu về lợi nhuận khoảng 130 – 300 triệu đồng/1.000 m2/năm – cao hơn so với giống nhập khẩu khoảng 77-240 triệu đồng/1.000 m2/năm.

Nói về những điều mình mang lại cho nông dân, ThS Phan Diễm Quỳnh bày tỏ: “Tôi xuất thân từ gia đình nông dân nên hiểu nỗi cơ cực, vất vả của bà con. Vì thế, khi chọn ngành nông nghiệp, tôi nguyện đem hết sức mình để bà con không chỉ sống được mà còn làm giàu từ nghề nông”.

Bí thư đoàn trẻ, giỏi

Tại Xí nghiệp Bao bì Liksin (Tổng Công ty Liksin), đảng viên Huỳnh Thanh Vũ, nhân viên Xưởng Cơ điện xí nghiệp, được biết đến như một “cây sáng kiến”.

Là bí thư Đoàn thanh niên của xí nghiệp, Vũ luôn đi đầu trong tất cả hoạt động. Để tạo mảng xanh nơi làm việc, xí nghiệp trồng rất nhiều cây xanh và hoa nhưng mùa nóng thiếu nước, cây thiếu sức sống, không ra hoa. Để khắc phục tình trạng này, Vũ tự thiết kế hệ thống tưới nước tự động. Thực hiện chiến dịch Kỳ nghỉ hồng, anh tận dụng sắt dư của xí nghiệp thiết kế xích đu, tự tay sơn mới để tặng các em trường mẫu giáo tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp…

Trong đợt cao điểm dịch Covid-19, khi TP HCM thực hiện giãn cách, Vũ là người xung phong đầu tiên làm “3 tại chỗ” ở xí nghiệp gần 2 tháng. “Lúc ấy cao điểm dịch Covid-19, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều anh chị có con nhỏ hay cha mẹ già không thể tham gia “3 tại chỗ”. Là người độc thân, tôi xung phong ở lại để chia sẻ cùng các anh chị. Khi tham gia rồi, nhiều anh chị cũng hoang mang, lo lắng vì sợ bị lây bệnh, lo cho người thân ở nhà. Tôi phải động viên, an ủi và tổ chức các hoạt động phong trào, thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe, bữa ăn để họ an tâm sản xuất” – anh nhớ lại.

Với tinh thần nhiệt huyết, Vũ từng đoạt giải Người trẻ Liksin, Người thợ trẻ giỏi toàn quốc, giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi, giải thưởng Tôn Đức Thắng… Không chỉ thế, anh còn kiên trì phát động phong trào sáng kiến tại xí nghiệp, hướng dẫn từng đồng nghiệp làm hồ sơ, viết sáng kiến. Từ hướng dẫn của anh, nhiều người trong tổ cũng đạt được các danh hiệu xuất sắc cấp tổng công ty, cấp thành phố và cấp trung ương.

“Anh Vũ là người vô cùng xông xáo, nhiệt huyết. Đặc biệt, anh không ngại khó khăn”. “Bất cứ anh chị em nào chỉ cần có ý tưởng, anh Vũ đều hướng dẫn tận tình để phát triển thành sáng kiến, đề tài”. Đó là nhận xét của nhiều người tại Xí nghiệp Bao bì Liksin về anh Huỳnh Thanh Vũ khi trao đổi với chúng tôi.

Hiệu quả kinh tế cao

Bà Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, nhận xét: “Với tinh thần làm việc hăng say, chịu khó, tìm tòi học hỏi, luôn bám sát các hoạt động của trung tâm, đảng viên Phan Diễm Quỳnh đã cùng tập thể thực hiện nhiều nghiên cứu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Quỳnh là người tiên phong nắm bắt nhu cầu của nông dân và các đơn vị, tổ chức để nghiên cứu ra những giống mới, đáp ứng nguồn cung nội địa. Từ năm 2016 đến nay, các sản phẩm hoa lan, hoa nền, kiểng lá, dưa lưới, hạt giống cung cấp cho người dân và các đơn vị mà Phan Diễm Quỳnh và nhóm nghiên cứu thực hiện có tổng giá trị lên đến hàng chục tỉ đồng”.

XEM THÊM: Chăm sóc lan tháng 6: Tăng cường dưỡng chất để cây bứt tốc

Theo Người lao động