Lan Ngọc Điểm: Phân loại, chọn giống, trồng và chăm sóc nở hoa dịp tết

Lan Ngọc Điểm được giới chơi lan đánh giá là loài hoa phong lan cao cấp nhất của dòng đơn thân. Đây là loài hoa rất được ưa chuộng hiện nay bởi vẻ đẹp và mùa vụ nở hoa thường trùng với tết Nguyên Đán. Là một dòng hoa phong lan đẹp, tuy nhiên cách trồng và chăm sóc lại không hề đơn giản. Hãy cùng Vuonlan tìm hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc loài lan này giúp chúng phát triển tốt và nở hoa đẹp.

Lan Ngọc Điểm là loài lan đẹp và rất quý hiếm

  1. Lan Ngọc Điểm là lan gì?

Lan Ngọc Điểm có rất nhiều tên gọi như Nghinh Xuân, Đai Châu, một số nơi khác còn gọi là lan Lưỡi Bò hay lan Me. Tuy nhiên, tên được mọi người gọi nhiều nhất là Nghinh Xuân hoặc Ngọc Điểm. Tên Nghinh Xuân đúng với đặc tính của dòng lan này, đó là chúng ra hoa vào đúng dịp tết Nguyên Đán.

Ngọc Điểm được xếp vào dòng đơn thân, rễ của chúng là rễ gió lấy dinh dưỡng từ môi trường tự nhiên. Nên việc trồng và chăm sóc lan Ngọc Điểm rất đơn giản. Chúng sẽ vẫn giữ được những nét đẹp của tự nhiên, mang hơi hướng của rừng núi.

  1. Phân loại lan Ngọc Điểm

Trên thị trường hiện nay, lan Ngọc Điểm có hai loại chính là: Ngọc Điểm rừng và Ngọc Điểm Thái.

2.1. Ngọc Điểm rừng

Hoa của loài phong lan này không được phong phú, chỉ có một màu trắng chấm tím.

Lan ngọc điểm

Hoa của lan Ngọc Điểm rừng chỉ có màu trắng chấm tím

2.2. Ngọc Điểm Thái

Ngọc Điểm Thái được lai tạo nên hoa có rất nhiều màu sắc khác nhau như: Trắng, hồng cánh sen, đỏ, tím, vàng…

Lan ngọc điểm

Lan Nghinh Xuân Thái rất đa dạng về màu sắc

2.3. Phân biệt Ngọc Điểm rừng và Thái

Điểm chung:

– Lan Ngọc Điểm rừng và Thái là đều cho hoa vào đúng dịp tết Nguyên Đán. Ngọc Điểm Thái dù được lai tạo để cho ra hoa nhiều màu sắc tuy nhiên vẫn giữ được đặc tính ra hoa đúng vụ vào dịp tết. Đây có thể coi là một trong những điểm giúp loài lan này được yêu quý.

– Lan Ngọc Điểm rừng và Thái đều phát triển rất mạnh, cây khỏe. Do đó, người chơi hoàn toàn yên tâm trồng và thưởng thức loài lan cực đẹp này.

Khác biệt:

Hai loài lan này có sự khác biệt lớn nhất là màu sắc của hoa. Hoa của Ngọc Điểm rừng chỉ có một màu là trắng chấm tím, còn đối với Ngọc Điểm Thái thì màu sắc hoa rất đa dạng. Do đó, nếu ai đã chơi Ngọc Điểm thì nên tạo cho mình một bộ sưu tập các màu hoa, thì khi đó chúng ta mới thấy được sự hấp dẫn của chúng.

Lan ngọc điểm

  1. Chọn giống lan Ngọc Điểm

Việc chọn giống rất quan trọng cho quá trình nuôi lan sau này. Hãy cùng tìm hiểu về cách lựa chọn giống đúng khoa học nhé!

3.1. Lan Ngọc Điểm rừng

Đối với dòng Ngọc Điểm rừng trên thị trường có 2 loại: Nghinh Xuân bóc rừng và Nghinh Xuân bóc trụ.

– Nghinh Xuân bóc rừng: Nghĩa là lan được bóc trực tiếp ở trên rừng sau đó được bán cho anh em về trồng và chăm sóc. Dòng Ngọc Điểm bóc rừng nhìn không được đẹp và trọn vẹn vì khi khai thác cây trong rừng qua rất nhiều khâu như tách lan, vận chuyển … Nên khi đến tay chúng ta không thể tránh được tình trạng bị lỗi lá, giập lá… trông rất xấu.

– Nghinh Xuân bóc trụ: Dòng này được các nhà vườn mua Nghinh Xuân rừng về làm giống sau đó ghép vào trụ chăm sóc cho lan phát triển. Đến một thời điểm nào đó, đến vụ thu hoạch thì nhà vườn tiến hành bóc ra khỏi trụ và bán cho anh em. Nghinh Xuân (Ngọc Điểm) bóc trụ trông rất đẹp mã, các lá căng, tròn, dài. Khác hoàn toàn so với dòng Nghinh Xuân bóc rừng.

Vậy trong hai dòng lan này thì bạn nên chọn dòng lan nào để mua về trồng. Với những người chơi lan lâu năm thường sẽ chọn loại bóc rừng chứ ít khi loại bóc trụ. Vì sao?

Vì cơ chế chăm sóc của nhà vườn khác với cơ chế chăm sóc của chúng ta. Do đó, khi mua những cây lan bóc trụ về trồng sẽ không tránh được sự thay đổi về cơ chế chăm sóc, về tiểu khí hậu ở khu vực của mình so với nhà vườn. Dẫn đến cây lan có thể bị mất sức và sẽ lụi đi.

Còn Ngọc Điểm bóc rừng được khai thác trực tiếp ở trong rừng. Khi được trồng ở nhà có điều kiện chăm sóc thì quá trình phát triển của cây lan bóc rừng rất nhanh. Làm cho cây Ngọc Điểm bóc rừng ngày một phát triển và đẹp hơn cây bóc trụ.

Chốt lại, nếu bạn có điều kiện và chế độ chăm sóc tốt thì bạn vẫn có thể mua loại lan bóc trụ về trồng. Còn nếu bạn không chăm sóc được như điều kiện trong các nhà vườn thì nên chọn loại bóc rừng về trồng sẽ an toàn hơn.

3.2. Lan Ngọc Điểm Thái

Đối với Ngọc Điểm Thái thường mua những dòng cây giống đã tách và được cấy trong cốc nhỏ, đã có rễ. Hiện nay, trên thị trường, lan Ngọc Điểm Thái giống có giá khoảng 30.000 VNĐ. Chúng ta có thể mua và tiến hành cấy ghép loài lan này rất đơn giản.

  1. Đặc tính của lan Ngọc Điểm

Khi trồng bất cứ loài cây nào, chúng ta nên quan tâm tới đặc tính của nó thì chúng ta mới có cách chăm sóc chuẩn nhất. Vậy lan Ngọc Điểm có đặc tính gì?

4.1. Thời tiết

Đối với dòng lan Ngọc Điểm, do được khai thác chủ yếu ở rừng Việt Nam, Lào, Campuchia do đó điều kiện nhiệt độ tương đối giống nhau. Nhiệt độ thích hợp cho lan Ngọc Điểm ( Nghinh Xuân) là từ 26-30 độ C. Với yêu cầu nhiệt độ này thì lan Ngọc Điểm phù hợp với mọi vùng miền nước ta.

4.2. Độ ẩm

Độ ẩm thích hợp với lan Ngọc Điểm là từ 40 – 70%. Biên độ ẩm của cây khá rộng, nên khi trồng chúng ta chỉ cần để cây ở những chỗ thoáng mát, tưới thêm chút ít là cây sẽ phát triển tốt.

4.3. Thời gian phát triển

Đối với mỗi dòng phong lan thì bao giờ cũng có hai cơ chế là mùa phát triển và mùa nghỉ.

– Đối với lan Ngọc Điểm, mùa nghỉ rơi vào từ tháng 2 đến tháng 4. Do đó, nếu bạn muốn mua để ghép thì nên tránh thời gian này. Bởi, thời gian này bạn có ghép vào thì cây cũng không phát triển được.

  • Có rất nhiều người chơi Ngọc Điểm đã gửi thư về cho chúng tôi hỏi: “Vì sao ghép lan đến mấy tháng mà không thấy Ngọc Điểm ra rễ hay phát triển gì?” Nguyên nhân chính là do các bạn ghép cây sai mùa.

– Mùa phát triển của lan Ngọc Điểm là từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Đây là thời gian tốt nhất để tiến hành ghép cây. Thời điểm này giúp kích thích bộ rễ phát triển, hấp thụ dinh dưỡng tốt. Do đó cây được ghép vào thời gian này rất nhanh phục hồi và không bị mất sức.

Lan ngọc điểm

Mùa ghép lan từ tháng 6 đến tháng 11

  1. Trồng và ghép lan Ngọc Điểm

Đối với dòng lan Ngọc Điểm, trong quá trình trồng và ghép chúng ta chỉ cần chú ý tới các đặc tính của chúng. Loài lan này tốt nhất nên ghép vào giá thể gỗ lũa như nhãn, vú sữa…

Bước 1: Tiến hành chọn giống và sử lý cây giống. Khi mới mua về, bạn nên để chúng ở nơi thoáng mát để chúng quen với môi trường và khí hậu. Giúp cây hồi phục một cách từ từ. Sau đó bạn tiến hành cắt các rễ hỏng và các lá bị hỏng.

Tiếp theo, bạn cho cây giống vào ngâm với dung dịch kích rễ với N3M kết hợp với B1. Sau khi ngâm 3 tiếng bạn bỏ ra và treo ngược gốc lan lên để cho bộ rễ phát triển.

Câu hỏi: Tại sao khi ngâm dung dịch kích rễ xong lại phải treo ngược gốc lan Ngọc Điểm lên? Quá trình treo ngược này có hai tác dụng:

  • Tránh trường hợp chúng ta tưới nước làm nước đọng trong thân cây, kẽ lá làm cho lá bị thối. Do đó chúng ta treo ngược sẽ giúp nước thoát nhanh hơn.
  • Khi chúng ta treo ngược gốc lên thì bỗ rễ sẽ mọc theo chiều hướng thẳng lên theo hướng ánh sáng giúp kích thích bộ rễ mọc nhanh hơn. Và khi chúng ta ghép theo chiều hướng ngược lại thì phần rễ sẽ dễ dàng tìm được giá thể.

Bước 2: Lựa chọn giá thể và tiến hành xử lý giá thể bằng cách ngâm nước vôi trong. Nếu bạn chưa biết cách chọn và xử lý giá thể hãy tham khảo ngay bài viết giá thể trồng lan nhé!

Bước 3: Đục một lỗ trên giá thể gỗ lũa rồi cố định gốc lan Ngọc Điểm vào thật chắc chắn. Làm sao cho gốc không bị lung lay, không ảnh hưởng tới phần rễ khi chúng bám vào giá thể. Có thể cho thêm một chút rêu rừng hay xơ dừa vào gốc để giữ ẩm cho lan.

Bước 4: Tiến hành cố định giá thể vào một vị trí nhất định, đảm bảo ánh sáng, độ ẩm thích hợp cho cây.

Bước 5: Sau khi ghép xong bạn cần có một chế độ chăm sóc hợp lý. Bạn có thể xem lại các đặc tính của chúng ở phần trên để chăm sóc tốt nhất.

Các bước ghép lan Ngọc Điểm đơn giản tại nhà 

  1. Quá trình chăm sóc lan Ngọc Điểm

Một trong những điều không thể thiếu của người chơi lan là kỹ năng quan sát. Chúng ta luôn phải thực hiện việc quan sát, theo dõi xem lan có bị bệnh gì không? Cây đang bị thiếu gì để chúng ta có biện pháp kịp thời bổ sung và chăm sóc cây tốt nhất. Trong quá trình chơi lan Ngọc Điểm, chúng ta cần chú ý những vấn đề sau:

– Quan sát phần lá:

  • Nếu lá cây có màu xanh, đầy đặn, có độ dày căng thì chứng tỏ lan đang phát triển tốt, cây đủ nước, độ ẩm, ánh sáng.
  • Nếu lá nhăn và bị co vào nghĩa là cây đang bị thiếu nước. Chúng ta cần chuyển lan vào vị trí thoáng mát, có độ ẩm cao thì cây sẽ hồi phục lại rất nhanh.

– Quan sát bộ rễ: Do Ngọc Điểm là dòng dễ gió, nên dinh dưỡng chủ yếu từ môi trường không khí xung quanh.

  • Nếu cây phát triển bình thường sẽ có rễ màu trắng, đầu rễ màu xanh. Rễ to hay nhỏ phụ thuộc vào cây có lâu năm không.
  • Nếu rễ không có đầu màu xanh mà thấy màu đen thì cây đang có vấn đề và rễ này không thể lấy dinh dưỡng được.

Để Lan Ngọc Điểm sinh trưởng và phát triển tốt, trong quá trình trồng chúng ta cần phải theo dõi để có những điều chỉnh kịp thời cho cây.

Cùng ngắm giỏ hoa Nghinh Xuân nở hoa rực rỡ đúng dịp tết đến xuân về 

  1. Cách chăm sóc lan nở hoa đúng dịp tết

Một trong những câu hỏi được rất nhiều người chơi hoa lan Ngọc Điểm là: “Khi nào chúng ta nên cắt nước và kích hoa để hoa nở đúng dịp tết?”

Lan Ngọc điểm là loại lan đơn thân. Chúng được gọi với cái tên là Nghinh xuân, tức là nở trước tết, đón tết, đón xuân. Như vậy, sẽ sảy ra trường hợp là một số giỏ sẽ nở đúng tết, một số nở trước tết và một số sẽ nở sau tết nhưng cơ bản sẽ nở trước tết.

 

7.1. Cơ chế ra hoa của lan Ngọc Điểm

Cơ chế nở hoa tự nhiên của cây lan Ngọc Điểm là khi có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khoảng từ 3-8 độ. Tức là nhiệt độ ban ngày cao hơn ban đêm từ 3-8 độ, tất cả các cây Nghinh Xuân đều sẽ có mầm hoa. Có thể thấy, loài hoa này ra hoa theo cơ chế nhiệt độ ngày và đêm.

– Điều này có nghĩa là ở một số khu vực có biên độ nhiệt cao như Tây Nguyên. Nhiệt độ ban ngày nắng nóng, ban đêm thì xuống thấp. Nên bắt đầu vào tháng 10-11 dương lịch thì bắt đầu lan Ngọc Điểm đã có hiện tượng xuất hiện cựa hoa.

– Ở thành phố Hồ chí Minh, nếu năm nào không có nhiệt độ chênh lệnh như vậy làm cho cây Nghinh Xuân nở ít hoặc có thể là không nở hoa.

Tuy nhiên, rất may mắn là phần lớn các cây Nghinh xuân ( Ngọc điểm) đã được thuần hóa với điều kiện ở trong nước. Nên chỉ cần bạn chăm sóc và kích hoa đúng cách thì tất cả các cây đều sẽ ra hoa. Vậy cách chăm sóc như thế nào để chúng ra hoa đẹp và nở đúng vào dịp tết Nguyên đán. Chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu nhé!

Ngọc Điểm nở hoa đúng dịp tết

7.2. Kích hoa bằng biện pháp hóa học

  • Khi chúng ta thấy có cựa hoa ở các ngách lá, chúng ta nên bổ sung một loại phân bón giàu hàm lượng Lân (L) và Kali (K). Bón phân giúp đẩy nhanh quá trình phân hóa cựa trong ngách lá rất nhanh.
  • Phân này được pha với hàm lượng 6x30x30 hoặc 10x20x20. 1gam pha với 4-6 lít nước, phun định kỳ 5-7 ngày/ lần cho tới khi cựa hoa dài.

7.3. Kích hoa bằng biện pháp sinh học

  • Khi thời tiết chuyển lạnh, chúng ta sẽ thấy ngách lá có cựa nhú ra. Lúc này ta có thể sử dụng dịch chuối chín (dịch từ quả chuối chín) phun liên tục, cứ 2 ngày 1 lần. Phun dịch chuối chín giúp Ngọc Điểm ra hoa rất sai và đẹp.

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về cách chọn giống, trồng và chăm sóc loài lan Ngọc Điểm quý hiến này. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn trồng và chăm sóc được những gốc lan đẹp và có giá trị cao. Chúc các bạn thành công!

Nguồn: camnangnuoitrong.com