Làm giàu từ tình yêu với hoa lan

Không dừng lại ở thú chơi tao nhã, tinh tế, giàu tính nghệ thuật; hoạt động sinh vật cảnh (SVC) ngày càng trở nên đẳng cấp, có giá trị kinh tế rất cao và giúp hội viên từ niềm đam mê SVC có thể trở thành những hộ điển hình sản xuất giỏi, làm giàu tại chính quê hương Lâm Đồng. 
Ông Trịnh Văn Sỹ bên vườn lan nhà mình
• Ông Trịnh Văn Sĩ – Phó Chủ tịch Hội SVC thành phố Bảo Lộc: “Thỏa đam mê, nâng cao thu nhập”
Từ chỗ yêu thích, đam mê lan, đến nay ông Sĩ đã gắn bó với nghề trồng và chăm sóc hoa lan được hơn 20 năm. “Tôi mang ơn địa lan Hạc Đỉnh – vì nó giúp tôi phát triển và làm giàu chính đáng” chủ vườn lan Văn Sĩ ở Tổ 18 – phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc chia sẻ. Hiện, vườn nhà có hơn 100 loại hoa lan khác nhau, nhưng ông Sĩ tâm nguyện lưu giữ và phát triển, nuôi trồng, bảo tồn những loài hoa lan quý hiếm của Lâm Đồng như lan hoàng thảo vôi, lan kim điệp, thủy tiên, long tu, hoàng phi hạc… Đặc biệt, hiện nay, ông nghiên cứu, tìm tòi và phát triển được loại hoa lan giả hạc trầm có lá biên vàng đột biến, địa lan hạc đỉnh – đặc chủng của Bảo Lộc.
Cơ sở vườn lan của ông Sĩ hiện giải quyết việc làm cho khoảng 10-15 lao động dịp cao điểm tết, lễ, ngày thường giao động khoảng 6 nhân công với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Cũng chính từ hoa lan, hiện nay cho gia đình ông doanh thu bình quân từ 1,2-1,5 tỷ đồng/năm. Với vai trò Phó Chủ tịch Hội SVC Bảo Lộc ông cũng rất tâm huyết, trách nhiệm và vận động, hướng dẫn các hội viên cùng tham gia phát triển ngành nghề nuôi trồng, kinh doanh lan cho giá trị kinh tế rất cao.
Bà Vũ Thị Thu đang giới thiệu sản phẩm đặc trưng cho đại diện Hội Sinh vật cảnh biết

Bà Vũ Thị Thu – Chủ Cơ sở cây cảnh Quốc Việt: “Tạo sự khác biệt từ những sáng kiến mới”

“Sản phẩm chậu cảnh, tiểu cảnh mang thương hiệu Quốc Việt có điểm rất “riêng” và sáng tạo. Đây là sản phẩm “độc quyền”, được bán rộng rãi ở thị trường trong và ngoài tỉnh;đặc biệt, sản phẩm này cũng “có mặt” ở các siêu thị, cửa hàng cây cảnh trong nước. Bà Vũ Thị Thu – chủ cơ sở cây cảnh Quốc Việt tại 147 thôn Đồng Lạc, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh chia sẻ: “2 vợ chồng tôi cũng từ tình yêu thiên nhiên, qua tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo ra sản phẩm cây cảnh mini để bàn, trang trí nội thất với nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú được người tiêu dùng khắp cả nước yêu chuộng như: có từ 50-70 loại cây tài lộc bon sai mi ni để bàn, cây ngũ gia bì, thiết mộc lan, cau tiểu châm… Đặc biệt, anh chị đã có sáng kiến tạo sự khác biệt hoàn toàn so với những cơ sở khác đó là tạo ra nền cỏ từ hạt trái thanh Long rất đẹp, xanh mướt và bền. Từ đây, Cơ sở Quốc Việt cũng liên kết tiêu thụ hàng tháng từ 2,5-3 tấn thanh Long của tỉnh Bình Thuận. Với doanh thu bình quân mỗi tháng từ 1,2-1,5 tỷ đồng, Cơ sở cây cảnh Quốc Việt còn tạo việc làm cho từ 20-30 lao động, thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng. Anh Phạm Quốc Việt (chồng chị Thu) đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được công nhận sản phẩm OCOP về cây cảnh trang trí nội thất 4 sao cấp quốc gia.
Ông Đinh Công Bình bên bộ sưu tập đá cảnh, gỗ lũa tự nhiên vô cùng quý giá

Ông Đinh Công Bình – Chủ tịch Hội SVC Di Linh: “Muốn lưu giữ, bảo tồn món quà nghệ thuật vô giá thiên nhiên ban tặng”

Khác với các nghệ nhân chơi lan, cây cảnh, ông Bình lại có thú đam mê sưu tầm chế tác các tác phẩm nghệ thuật từ gỗ lũa, đá cảnh tự nhiên. Anh theo đuổi thú chơi này đã hơn 20 năm. Ông Bình chia sẻ: Thiên nhiêu ưu đãi ban tặng cho chúng ta nguồn đá tự nhiên, gỗ lũa tự nhiên rất quý giá. Từ đam mê, tôi đã dành cả hơn 20 năm đi và sưu tầm các tác phẩm quý này.
Đến nay, bộ sưu tập của ông đã lên tới hàng trăm cổ vật đá, gỗ các loại. Ông đã tham gia trưng bày tại các kỳ Festival Hoa Đà Lạt, Ngàn năm Thăng Long Hà Nội với mong muốn lớp trẻ nghiên cứu, tìm hiểu, bảo tồn lưu giữ cho các thế hệ sau này. Bộ sưu tập gỗ, đá tự nhiên của ông từng tham dự nhiều giải ở khắp cả nước và đều đạt giải cao, được nghệ nhân khắp cả nước yêu chuộng, thán phục vì giá trị nghệ thuật đặc sắc được ông sưu tầm, lưu giữ.
Với vai trò Chủ tịch Hội SVC huyện, nhiều năm qua, ông Bình đã vận động thu hút được 300 hội viên ở rất nhiều lĩnh vực tham gia. Tại địa phương, nhiều cơ sở SVC lớn đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động.
Theo Báo Lâm Đồng