Kỹ thuật trồng lan đuôi chồn Rhynchostylis retusa

Lan đuôi chồn (Rhynchostylis retusa) cùng họ với ngọc điểm (Rhynchostylis), thuộc loài đơn thân, sống lưu niên. Lan đuôi chồn có tên khác là lan sóc ta. Cùng vuonlan.net tìm hiểu chúng nào !

1. Cách chọn mua lan đuôi chồn

Trạng thái: cũng giống với lan đai châu khi mua ta cần chọn các ngọn lan tươi, xanh thẫm bánh tẻ chưa ra lá mới ở ngọn, lá cứng cáp là tốt nhất. Do cây không có khả năng tích trữ nhiều dinh dưỡng, nếu chọn các ngọn quá non, thì dễ bị sốc môi trường, không ra rễ dẫn đến chết và còi cọc, mặt khác chọn ngọn quá già sẽ lâu ra rễ nhưng nhanh lụi tàn, do già hóa.

Màu sắc: lá cây phải có màu xanh đậm, các rễ trên thân phải có màu khoảng 20 % là rễ màu trắng bạc. Không chọn các ngọn héo, vàng, úa hay rụng lá. Nếu các cây bị cắt trụi rễ nhưng nếu để ý thấy có các đầu rễ mới bắt đầu xuất hiện thì cũng nên lấy vì cây đã qua giai đoạn nghỉ khi bị thu hái trên rừng về.

Lan khi chọn cần phải được khô ráo, không bị ướt hay bị ẩm, nếu bị ẩm hay ướt sẽ gây thối lan và mầm bệnh. Tuổi ngọn đối với các loài giáng hương tương đối quan trọng, khi ta chọn các cây có tuổi ngọn lớn, nghĩa là thân to, lá mở, dài nhiều thìa lìa cũ trên thân, thân dài, thì cây sẽ sinh trưởng chậm hơn so với cây con, tuy nhiên cây lan trẻ chiều dài thân ngắn, có sức sống mạnh hơn, nhưng do chưa thuần thục ra hoa có thể không ra hoa được trong các năm đầu. Vì vậy lựa chọn các cây bánh tẻ là tốt nhất, các cây bánh tẻ có đặc điểm là gốc rất nhỏ, thân chỉ đạt khoảng 5-10cm ít bẹ lá trên thân, phía dưới gốc các rễ có nhiều rễ nhỏ, các rễ trên ngọn lớn hơn rễ ở phía gốc. Các cành này sẽ cho khả năng sống và ra hoa là cao nhất.

Cách chọn mua lan đuôi chồn
Lan đuôi chồn, sóc ta cùng họ với lan đai châu, nên trên lá cũng có các sọc sọc theo lá như trên lan đai châu

2. Tìm hiểu lan

Đặc tính loài: loài lan Đuôi chồn là một loài lan ưa bóng, thích hợp nơi thoáng mát, mọc dưới tán của cây rừng. Do sống ở môi trường dưới tán, nên cây cần độ ẩm rất cao, nhu cầu nước lớn. Nhu cầu về dinh dưỡng của cây lớn, cây lớn nhanh mạnh vào khoảng mùa xuân và mùa hè. Cây bắt đầu có nụ từ đầu mùa xuân, ra hoa vào khoảng tháng 4-6.

>>>>> Xem nhiều hơn về lan đai châu ở đây

3. Chuẩn bị vật liệu, chất trồng

Vật liệu thích hợp nhất được quyết định bởi các đặc tính của cây trong tự nhiên. Đối với loài đuôi chồn là thân cây gỗ được bóc vỏ hoàn toàn, sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nước, rất thoáng cho rễ lan. Xử lý vật liệu: vật liệu thân cây gỗ được bóc vỏ hoàn toàn, ngâm nước 7 ngày, để cho gỗ thấm đầy đủ nước, tránh hiện tượng gỗ hút ẩm của cây lan khi ghép vào.

4. Cắt tỉa vệ sinh

Khi lan mua về cần được cắt loại bỏ rễ khô và đã chết, cắt rễ chỉ để còn 10-15cm, việc cắt rễ nhằm loại bỏ phần rễ đã bị tổn thương nhiều, đồng thời loại bỏ nấm bệnh trú ngụ trong rễ. Thời điểm: cần cắt tỉa sớm, tốt nhất là ngay sau khi mua về.

5. Xử lý thuốc và treo ngược

Xử lý thuốc, lan cần được xử lý thuốc để loại bỏ mầm bệnh, kích thích sinh trưởng và chống sốc môi trường cho lan. Lan được xử lý với hỗn hợp thuốc là: B1 + N3M + Ridomil gold + Alitte + Regan. Pha theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc, lan được ngâm ngập trong hỗn hợp thuốc trong 5 phút. Vớt ra treo ngược trong khoảng từ 15-20 ngày.

Cách chọn môi trường thuần hóa giúp lan đuôi chồn ra hoa: Đối với loài lan Đuôi chồn thì môi trường tốt cho thuần hóa là môi trường thoáng gió, độ ẩm cao > 80% . Ánh sáng tốt nhất là ánh sáng tán xạ, 50-60% ánh sáng tự nhiên.

6. Cách thức trồng và ghép lan từ rừng về

Cách thức trồng và ghép lan đuôi chồn từ rừng về

Đối với Đuôi chồn chúng ta ghép lên gỗ bằng cách sử dụng dây thép bọc nhựa, buộc chắc chắn vào thân gỗ, hay có thể xử dụng các đinh bằng tre hay gỗ đóng vào vị trí ghép ở thân cây, buộc cây lan vào đinh tre bằng dây nilon, chú ý không buộc vào thân cây. Để đảm bảo cho cây lan có tỷ lệ sống cao nhất, ít bị chết do bệnh thối nhũn ta nên buộc cây lan trúc đầu xuống đất hay song song với mặt đất, việc làm này tránh được hoàn toàn hiện tượng ứ đọng sương, nước ở ngọn cây, gây thối bệnh cho cây, đồng thời khi cây sinh trưởng  sẽ hướng động lên phía trên, tạo vẻ đẹp tự nhiên. Sau đó, bỏ khô không tưới trong 3-7 ngày đầu tiên. Nhằm giúp vết thương, khi thao tác ghép được lành miệng.

 

7. Chăm sóc sau khi ghép

Tưới nước: 3 -7 ngày đầu sau ghép, không tưới nước. Đặt cây ở môi trường thoáng gió, nền phía dưới luôn phải duy trì ẩm để làm mát cho cây, tưới ướt nền 2 lần/ ngày. Khi hết thời gian 3-7 ngày, ta thực hiện tưới, do đặc tính cây ưa nước, tưới 2 lần/ ngày, tưới cố định vào khoảng 5-6h, tưới lại nền tưới ướt lan và mặt giá thể,17h tưới lại nền cho ướt đẫm,  tưới lan tưới đi tưới lại cây 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 phút, tưới cho ướt toàn bộ cả cây và giá thể. Việc tưới như này nhằm mô phỏng hiện tượng xuất hiện sương về đêm trong tự nhiên, giúp cây đủ nước và sinh trưởng nhanh mạnh hơn. Từ tháng 9 giảm lượng nước xuống thấp 3 ngày/lần, tưới ướt bề mặt. Tháng 10 – 3 năm sau, không tưới nước.

Bón phân: đối với các loài giáng hương thì nhu cầu phân bón là khá cao, tuy nhiên chỉ bón phân khi cây đã ra rễ. Trong thời gian cây chưa ra rễ, chỉ phun Vitamin B1 Grow more, định kì 3 ngày/ lần nồng độ 1-2ml/2.5 l nước. Sau khi cây đã ra được rễ mới, ta thực hiện bón phân  30-10-10 + TE grow more, liều lượng 1g/ 4 lít nước, phun ướt, cả 2 mặt lá, từ tháng 4-10. Đồng thời vẫn duy trì phun B1. Trong tháng 9 thực hiện phun phân bón  6-30-30+TE grow more, nồng độ 1g/4lit. Từ tháng 10 trở đi, không bón và để cây chịu hoàn toàn điều kiện tự nhiên.

Phòng bệnh: do trong môi trường luôn có bệnh hại cây lan vì vậy cần phun phòng định kỳ. Phun hỗn hợp Ridomil gold+ Alitte+ regan, định kỳ 15 ngày/ lần. Từ tháng 10-3 năm sau, không phun phòng dịch. Do thời kỳ này điều kiện khắc nghiệt nên tương đối ít bệnh hại.

8. Điều khiển để lan đuôi chồn ra hoa

Chế độ ánh sáng: đưa cây ra ngoài để cây chịu 80% ánh sáng tự nhiên. Chế độ tưới nước: giảm nước tưới trong mùa đông. Chế độ phân bón: không bón phân trong mùa đông. Môi trường yêu cầu: môi trường phải hanh, khô, nhiều gió, ánh sáng là 80% ánh sáng tự nhiên.