Kỹ thuật nhân giống và chăm sóc hoa lan

Hoa Lan là giống cây có nguồn gốc từ rừng sâu. Tùy vào điều kiện môi trường rừng khác nhau mà các loại lan có sự thích nghi khác nhau. Để nhân giống và chăm sóc các loại lan nói chung được khỏe mạnh và ra hoa nở to đẹp bạn cần đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Với các yếu tố quan trọng nhất được nêu như ánh sáng, tưới nước, giá thể trồng, độ ẩm và chế độ bón phần cho cây.

Kỹ thuật nhân giống hoa lan

– Giao phấn:

Giao phấn trong tự nhiên là một hiện tượng thông thường gần như bắt buộc với với đa phần các loại lan. Chính vì điều này mà hoa lan có sự phong phú về chủng loại như thế. Giao phấn thường tạo ra những giống mới, qua chọn lọc, những cây con có đặc tính hơn hẳn cây bố mẹ.

– Chiết tách cây con:

Khi chậu lan quá đầy thì người ra dùng phương pháp này để tách cành làm tăng số lượng cây mới. Khi tách, chỉ tách những giả hành già khi hoa tàn và có tuổi từ 2 – 3 năm.

Sau khi tách, giả hành được ươm lại trên giá thể ẩm để tạo chồi con. Các chồi con này được nuôi cùng với giả hành cho đến khi mọc rễ mới, đủ sức phát triển ổn định mới tiến hành tách lần 2.

Với một giả hành già như thế có thể cho 1 – 2 cây con/ đợt.

Khi áp dụng phương pháp chiết tách này, tuy nó sẽ đảm bảo được tính di truyền của cây bố mẹ song thế hệ cây con lại sinh trưởng không đồng đều. Trong trường hợp cần phục vụ cho nuôi trồng quy mô lớn là rất khó.

Cách chăm sóc hoa lan

– Ánh sáng:

Hoa lan ưa bóng râm, ở nơi mát mẻ thì cây sẽ giữ được độ xanh tươi, hoa luôn tươi tắn và duy trì sự sống lâu hơn. Tránh đặt hay treo chậu lan ở những nơi có ánh sáng trực tiếp và gay gắt, như vậy lá cây sẽ bị cháy và cây cũng không sống lâu được.

Lưu ý là không nên thay đổi vị trí của chậu lan thường xuyên, như vậy thì hoa sẽ không thể thích nghi kịp thời với hướng sáng và độ ẩm, làm cho hoa nhanh bị rụng hơn.

Đối với cách trồng hoa lan trong chậu, không nên thay đổi vị trí của chậu quá nhiều lần.

Các loại lan khác nhau thì nhu cầu về độ chiếu sáng cũng sẽ khác nhau, ví dụ như lan hồ điệp có thể chịu được ít nắng (30%), lan Cattleya chịu tốt hơn một chút (50%), lan Dendrobium và Vanda lá hẹp chịu được mức ánh sáng khá tốt (70%), còn lan Vanda lá dài và bò cạp thì lại chịu được lượng ánh sáng rất tốt (100%).

– Nhiệt độ:

Hoa lan không phải là loài ưa nóng những cũng không hề ưa lạnh. Hãy luôn đảm bảo về nhiệt độ cho cây, nếu người trồng cảm thấy thoải mái ở mức nhiệt độ nào thì hoa lan cũng sẽ cảm thấy thoải mái. Nhất là độ ẩm cũng cần được giữ đủ.

– Tưới nước:

Trong quá trình sinh trưởng của hoa lan rất cần nước, nhưng không nên tưới nhiều, mỗi tuần chỉ cần tưới 1 – 2 lần với lượng nước vừa phải là được. Kết hợp sử dụng những loại giá thể có khả năng giữ ẩm tốt như rêu, xơ dừa phủ quanh gốc cây.

– Cắt tỉa:

Khi lan ra hoa, không nên để cành hoa trên cây quá lâu vì cây sẽ mất lượng lớn dinh dưỡng để nuôi hoa. Tốt nhất, khi thấy hoa ở ngọn đã tàn và cành chỉ còn lác đác vài bông thì nên cắt bỏ đi để tập trung dinh dưỡng nuôi cây.

– Phân bón:

Thời kì chăm bón, phục hồi sức sống cho chậu lan bắt đầu từ khi cắt bỏ cành hoa. Tưới phân hóa học NPK 20 – 20 – 20, kết hợp các loại phân hữu cơ khác như phân cá, bánh dầu,….

Khoảng 3 – 4 tháng sau đó, cây đã tươi tốt và khỏe mạnh trở lại thì tiến hành xử lý cho cây tiếp tục ra hoa. Có thể áp dụng phân bón NPK tỉ lệ 6 – 30 – 30 hoặc 10 – 52 – 17 cho đến khi chậu lan nở hoa. Khi xuất hiện cành hoa mới thì lại trở về chế độ phân NPK 20 – 20 – 20 hoặc xen kẽ chế độ 10 – 30 – 30.

– Phòng bệnh

Muốn cành lan luôn xanh tốt, bên cạnh một chế độ chăm sóc đặc biệt thì cần phải chú ý xịt thuốc phòng bệnh cho lan. Đối với bệnh do nấm thì có thể dùng thuốc Benomeyl, Captan, Aliette….

Bệnh do vi khuẩn thì xịt các loại thuốc Kasimin, Physan 20, Nacossan…Trường hợp bệnh do nhện đổ thì dùng Kelthane; do côn trùng hay rệp thì dùng Supracide, Mipcin… Hay nên dùng thuốc Methaldehyde cho lan khi có ốc sên gây hại.

Định kỳ xịt thuốc cho cây 7 – 10 ngày/ lần vào mùa mưa và 15 – 20 ngày/ lần vào mùa nắng để hạn chế tối đa nguy cơ cây bị bệnh.