Kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan Giã Hạc (Phi Điệp)

Lan Phi Điệp còn có tên gọi khác như Hoàng thảo đùi gà, Hoàng thảo cẳng gà, Hoàng thảo dẹt, Huỳnh thảo, Co vàng sào (Thái), lan Phi điệp, Phi điệp kép, lan Giã Hạc. Cây được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là Thạch hộc hay Kẹp thảo

Tên Việt: Giã hạc, Lưỡng điểm hạc, Phi điệp.

Mô tả: Phong lan, thân buông thõng dài tới 1.5 m. Lá rụng vào mùa Thu. Hoa mọc ở các đốt 4-6 chiếc to 6-10 cm, thơm ngát nở vào mùa Xuân. Ngoài sắc tím hồng thông thường còn có mầu trắng (Den. anosmum var. alba) hay cánh mầu trắng, họng tím (Den. anosmum var. huttonii).

Nơi mọc: Lào Cai, Hà Giang, Bắc Cạn, Đô Lương, Vinh, Krong Pha, Đà Lạt, Đắc Lắk, Sông Bé, Lộc Ninh.

Đây là một giống phong lan thông thường thân cao chừng 40-60 cm có khi tới 2 m, có giống rụng lá vào mùa Thu và có giống xanh tốt quanh năm. Hoa có nhiều mầu, phần đông tím trắng, nhạt hay thẫm. Hoa mọc ở các đốt gần ngọn 2-4 chiếc to khoảng 7 cm lâu tàn và thơm. Một khóm lan có thể có tới 100 hoa là chuyện thường.

Có thể nói giống lan này thường được trồng nhiều nhất vì nó tương đối dễ trồng, khả năng chịu nóng, lạnh tương dối tốt. Cây dễ trồng và cho nhiều hoa, hoa của phi diệp to, từ khảng 3- 5cm, hương thơm nồng nàn.

Cách trồng:

Ánh sáng
Lan cần nhiều ánh sáng gần như có thể để ở ngoài trời, nhưng cần phải có lưới che phòng khi lá non bị cháy nắng. Khi thấy cây quặt quẹo, đó là dấu hiệu thiếu nắng. Hãy đưa cây ra chỗ có nhiều nắng hơn. Nhất là vào mùa đông, nếu thiếu nắng cây khó lòng ra hoa.

Nhiệt độ
Lan cần nuôi trong nhiệt độ từ 40-80°F hay 8-25°C. Tuy nhiên lan có thể chịu nóng tới 100°F hay 38°C và có thể chịu lạnh tới 38°F hay 3.3°C. Ngoài ra nếu vào mùa đông không lạnh dưới 50°F hay 15.6°C trong vòng 4-6 tuần lan sẽ khó lòng ra nụ.

Ẩm độ và thoáng gió
Lan mọc mạnh nếu ẩm độ cần phải từ 60-70%. Nếu quá thấp cây non sẽ không lớn được và bị teo đi.

Cây cũng không mọc mạnh nếu không thoáng gió và trong thời kỳ lan ra nụ nếu không thoáng gió nụ sẽ ít đi.

Vật liệu trồng
Nên trồng với những vật liệu lâu mục và dễ thoát nước như vỏ thông, vỏ dừa, đá v.v…

Chậu
Lan ưa trồng trong chậu chật hẹp cho nên đừng dùng chậu quá lớn.

Tưới nước
Vào mùa hè khi lan ra mầm non và mọc mạnh, tưới 2-3 lần một tuần. Vào mùa thu, khi cây đã ngừng tăng trưởng, nên tưới nước thưa đi. Mỗi tuần chỉ cần tưới 1 lần cho thân cây khỏi bị teo lại. Vào mùa đông, đây là thời gian lan chuẩn bị để ra hoa, ngưng hẳn việc tưới nước. Nếu ẩm độ quá thấp nên phun sương mỗi tháng 1-2 lần.

Bón phân
Lan không ưa phân bón có nhiễu chất Nitrogen cho nên bón với phân 15-15-15 cho đến tháng 9, từ tháng 9-10 và 11 bón với phân 10-30-10. Từ tháng 12 cho đến hết tháng giêng ngưng hẳn việc bón phân. Nếu tiếp tục bón hoặc phân bón có nhiều chất Nitrogen quá, cây sẽ ra cây con (keiki) thay vì ra nụ.

Thay chậu, tách nhánh
Thời gian thay chậu thuận tiện nhất là vào mùa xuân, khi cây non đã mọc cao chừng 10-15 cm. Nếu muốn tách nhánh, cây phải có chừng 7-8 cành. Nếu chỉ có 4-5 cành, cây non mới mọc sẽ yếu ớt và không ra hoa.

Những cây lan lai giống này được thừa hưởng các đặc tính của cây Den. nobile là dễ trồng, nhiều hoa và chịu được lạnh.

Theo hoalancaycanh.com