Kinh nghiệm chọn mua lan rừng tùy giống lan

Kinh nghiệm chọn mua lan rừng

Lan rừng sở hữu vẻ đẹp và sức quyến rũ khó cưỡng. Tuy nhiên, để lựa chọn được những giò lan rừng ưng ý, đòi hỏi bạn phải là người có kiến thức và sự kiên nhẫn. Dưới đây là kinh nghiệm chọn mua lan rừng.

Lan rừng

1. Những lưu ý chung
Với lan rừng, bạn nên chọn một bụi thay vì các nhánh lẻ tẻ. Và bụi được chọn không cần nhiều rễ, chỉ cần nhiều giả hành non là được. Đừng quá tham lam, chọn bụi to vì trên đó toàn những cây già, khi mang về trồng chỉ có tác dụng trữ nước, rất khó để ra hoa lần nữa (vì trước đó đã ra hoa rồi).

2. Kinh nghiệm chọn mua lan rừng
– Với những giống lan rừng thân dài, rễ nhỏ, mọc chùm như Phi điệp, Long tu, Ý thảo, Phật bà,… nên chú ý đến mắt ngủ ở gốc, đảm bảo chúng không bị khô, hư hay thối.

– Với những giống lan rừng đơn thân, rễ to như Ngọc điểm, Đuôi chồn, Hải yến, Hòa hoàng,… nên chú ý đến những lá non, nếu xuất hiện các đốm đỏ, chấm đen hay úng thối thì không nên chọn vì cây rất dễ chết trong quá trình trồng. Bên cạnh đó,dùng 2 ngón tay xoay nhẹ lên thân cây, nếu thân và lá không bị rung lắc hay rời rạc thì chứng tỏ cây khỏe mạnh, ngược lại là cây đang yếu ớt, thiếu dinh dưỡng.

– Với những giống lan rừng như Sừng, Vạch đỏ, Trinh bạch, Ngọc trúc,… tốt nhất nên từng cụm, không mua rời rạc 2 – 3 nhánh. Quan sát thật kỹ gốc và rễ xem có xuất hiện đốm đen, xỉn vàng hay không. Ngoài ra, lá phải xanh mướt, không bị vàng úa.

– Với những giống lan rừng có thân nhỏ, rễ chùm, mọc thành từng chùm như Đại bạch hạc, Bạch hỏa hoàng, Kim điệp thơm, Kim điệp thường, Đơn cam,… thường rất khó trồng, vì vậy, khi chọn mua cần quan sát kỹ thân phải cứng, tươi, không bị dập; rễ nhiều, không bị gãy đứt; lá tươi xanh, không rách,…

– Với những giống lan thủy tiên, vì dễ trồng, khỏe mạnh nên quá trình chọn mua chỉ cần lưu ý đến mắt ngủ. Nếu mắt ngủ tốt và khỏe thì chọn, nếu cẩn thận hơn thì có thể chọn những cây có thân tròn mập và rễ không bị gãy gập.

– Địa lan và lan hài là những giống lan dễ trồng, vì thế, quá trình chọn mua chỉ cần để ý gốc và rễ tốt, lá xanh và non là được.

– Đối với lan lọng, tục đoạn, thanh đạm,… lựa chọn những cây càng nhiều giả hành càng tốt.

– Những giống lan vảy rồng, vảy rắn, trứng bướm,… là những giống lan sống bám trên thân cây, cây gỗ khác nên tốt nhất là chọn mua từng mảng, từng cụm và có giả hành khỏe mạnh.

– Những giống lan thân mảnh như trúc mai, trúc mành,… cần đặc biệt lưu ý đến đốt thân, nếu bị tét, trầy, gẫy gập thì không nên mua vì sau này sẽ rất khó chăm sóc.

Nhìn chung, để trồng và thuần dưỡng được lan rừng, trước hết phải chọn mua được những cây khỏe mạnh, có sức sống. Tùy thuộc vào từng giống lan mà có cách lựa chọn phù hợp, không chỉ thuận tiện cho quá trình chăm sóc sau này mà còn ra hoa đẹp, thỏa mãn yêu cầu của người trồng lan nhất.

Lan rừng