Kiến thức cơ bản về chăm sóc và phòng bệnh cho hoa lan

Phong lan rừng Việt Nam là một loài cây có sức đề kháng, sức sống mãnh liệt, trong điều kiện rừng nhiệt đới có mùa mưa liên miên, có giai đoạn thời tiết khô hanh nhưng cây lan vẫn sống khỏe và không bị bệnh. Khi người chơi sưu tầm về trồng tại vườn nhà rất có thể các cây lan này sẽ bị nhiễm các bệnh gây hại vì do thay đổi vùng khí hậu cây chưa thể thích nghi hoặc do được chăm sóc quá mức cần thiết. Để chăm sóc cho phong lan sinh trưởng và phát triển tốt chúng ta cần hiểu rõ cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cho lan. Hoalanchinhtruong.vn giới thiệu kiến thức cơ bản về chăm sóc và tổng hợp các loại sâu bệnh gây hại cho cây hoa lan và cách phòng trừ để bạn đọc tham khảo.

Thiết kế giàn trồng lan

– Thiết kế giàn lan đảm bảo an ninh, an toàn, luôn được thông thoáng, tạo không gian thoáng đãng là tạo điều kiện bất lợi cho bệnh hại lây lan và phát triển. Ngày nay người chơi thường thiết kế giàn bằng sắt, có mái che mưa bằng nilon hoặc tấm nhựa thông minh, có lưới cản nắng giảm ánh sáng, có hệ thống quạt gió (đối với vườn ít gió tự nhiên) có hệ thống tưới bù độ ẩm. Trên thị trường có bán sẵn các thiết bị đo ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và các bạn hoàn toàn có thể mua để lắp đặt.

Một khu trồng lan tại Resort

Chăm sóc cây

Bón phân cho cây: Trên thị trường có bán đa dạng các loại phân bón theo từng chu kỳ phát triển của cây như: Giai đoạn phát triển thân lá, giai đoạn hình thành chồi, chuẩn bị ra hoa, giai đoạn ra hoa các bạn có thể tự tìm hiểu và bón phù hợp. Tuy nhiên cần lưu ý:

– Nên pha lượng phân bón thấp hơn 30% quy định của nhà sản xuất (nhạt) và tưới bón dầy lượt hơn. Tránh tưới phân khi trời nắng nóng, trước khi tưới phân 30 phút nên tưới nước cho cây lan sẽ giúp cây hấp thụ dinh dưỡng từ phân tốt hơn. Tránh tưới khi trời nắng và ban đêm. Sau khi tưới phân khoảng 60 phút nên tưới nước lã để tránh khi nắng to cây bị hại lá do lượng phân dư bám trên mặt lá

– Với cây lan, bộ phận quan trọng quyết định sự sinh trưởng của cây là bộ rễ. Bộ rễ có phát triển nhiều, to, khỏe thì cây mới hấp thu tốt dinh dưỡng để nuôi cây. Để giúp bộ rễ to khỏe, mập mạp bạn có thể áp dụng công thức phân bón gồm chất điều hòa sinh trưởng Litosen (1ml) + NPK 20-20-20 hoặc 19-31-17 (0,5g) + phân bón tảo biển Seasol (1ml) pha với 1 lít nước sạch rồi phun đều lên cây. Seasol với hàm lượng đạm hữu cơ cao kết hợp với NPK có hàm lượng lân cao giúp cây lan hấp thu đạm một cách hữu hiệu hơn, đồng thời Litosen sẽ giúp phân bố dinh dưỡng đồng đều để cây hấp thu một cách tốt nhất. Tại Resort chúng tôi thường dùng bổ sung thêm thuốc kích rễ Bio root. Các bạn cũng có thể tự tìm hiểu để pha chế GE Gừng cũng rất hiệu quả mà giá thành rất thấp.

Phòng ngừa bệnh cây

– Khi mua lan về trồng, cần phải kiểm tra nếu cây khoẻ mạnh không bị sâu bệnh thì mới tiến hành trồng chung với những cây khác.

– Thường xuyên dọn vệ sinh vườn lan sạch sẽ, thông thoáng. Không nên trồng nhiều tầng  vì nguồn bệnh cây treo ở trên bị bệnh sẽ lây xuống cây dưới thông qua việc tưới nước hay phân.

– Khi giá thể trồng đã hư mục thì tiến hành thay kịp thời, mặt chậu bị rêu mốc thì nên vệ sinh hoặc xối mặt chậu tùy theo bộ rễ khỏe hay yếu.

– Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, côn trùng định kỳ cho lan. Trên thị trường có bán nhiều loại giá thành thấp mà hiệu quả rất cao, các bạn chọn những shop vật tư hoa lan uy tín lâu năm để được tư vấn cụ thể. Kịp thời và chịu khó kiểm tra để phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh

Thuốc trị rầy, muỗi kiến thông dụng

Một số bệnh hại trên lan thường gặp

Bệnh đen thân cây lan: Do nấm Fusarium sp. gây nên. Phòng trị: Nên tách những cây bị bệnh để riêng và dùng thuốc phòng trừ hay nhúng cả cây vào thuốc trị nấm. Nếu cây lớn hơn thì cắt bỏ phần thối rồi phun thuốc diệt nấm như Carbenzim, Zin, Zineb 3/2000, Benlat 1/2000, Bendazol.

Bệnh đốm lá: Do nấm Cercospora sp. gây nên. Bệnh thường phát sinh mạnh trên cây lan Dendrobium sp., gây hại trong mùa mưa ở những vườn lan có độ ẩm cao. Phun thuốc trừ nấm (như trên) Carbenzim + Dipamate: hỗn hợp thuốc hiệu quả cao hay Cadilac.

Bệnh thán thư: Do nấm Colletotricum sp. gây ra. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa nên phải phòng trừ trước. Thường cắt bỏ lá vàng rồi phun thuốc diệt nấm 5 – 7 ngày/phun 1 lần: Thio-M, Cabenzim, Bendazol.

Bệnh thối mềm vi khuẩn: Do vi khuẩn Pseudomonas gladioli gây ra. Vết bệnh có hình dạng bất định, ủng nước, màu trắng đục, thường lan rộng theo chiều rộng của lá. Gặp thời tiết ẩm ướt mô bệnh bị thối úng, thời tiết khô hanh mô bệnh khô tóp có màu trắng xám.

Bệnh thối nâu vi khuẩn:

Do vi khuẩn Erwnia carotovora gây ra. Ban đầu vết bệnh có màu nâu nhạt, hình tròn mọng nước về sau chuyển thành màu nâu đen. Bệnh hại cả thân, lá, mầm làm các bộ phận trên bị thối. Sử dụng Kasumin, dùng 1 trong những hỗn hợp: Saipan + Mexyl; Saipan + Alpine; Mexyl + Alpine để phun phòng trị.

Sâu hại lan

Rệp vảy: rệp thường bám trên các thân giả hành còn non. Phòng trị bằng cách: Dùng bàn chải chà xát rồi nhúng cây lan vào dung dịch thuốc Malathion 50 pha loãng, Sagosuper 20EC.

Bọ trĩ: gây hại chủ yếu trong mùa nắng. Dùng Malathion 5 mg/bình 4 lít nước, phun 1 tuần/lần, phun liên tiếp liên tục trong 3 tuần, Dragon (5cc) + SK99 (20cc)/bình 8 lít./.

Kiến và sên: Phát hiện trên chậu có kiến thì nên mua thuốc diệt muỗi, kiến để phun trị vì có kiến sẽ sinh ra rệp hại cây (Kiến chăn rệp, rệp hút nhựa cây tạo dịch ngọt cho kiến hút); phát hiện có sên vỏ cứng hoặc sên nhớt cần đặt bả, mồi hoặc soi đèn bắt thủ công vào ban đêm.

Chúc các bạn chăm cây thật tốt.

Theo Hoalanchinhtruong.vn

>>> XEM THÊM: Cách trồng lan vảy rồng- loài lan đẹp mang sác vàng của nắng sai hoa, đậm màu nhất