Khu vực phân bố, đặc điểm và cách chăm sóc phong lan đùi gà

Cũng giống như lan phi điệp Phong lan đùi gà thuộc chi hoàng thảo, được người chơi ưu ái đặt cho nhiều tên gọi khác nhau như: Hoàng phi hạc, kim hoa thạch hộc, phi điệp kép,hoàng thảo đùi gà,… Có tên khoa học là: Dendrobium nobile. Lan đùi gà thường nở hoa vào mùa xuân, hoa to, có hương thơm đặc trưng, cũng là một trong những loài phong lan được tìm kiếm nhiều hiện nay.

Lan đùi gà

1, Khu vực phân bố.

Hoàng thảo đùi gà phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Campuchia, Lào, tại Việt Nam chúng hiện diện ở các tỉnh như: Lâm Đồng, Đồng Nai, Quảng Nam, Hà Tây, Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa,….

2, Đặc điểm.

Chúng có hai loại chính là: Lan đùi gà dẹt và tròn.

a, Lan đùi gà tròn.

Thân dài từ 35 – 60cm, nếu được nuôi trồng trong điều kiện tốt chúng có thể dài đến 80cm, trên thân có các rãnh dọc, mập mạp. Thân tròn hoặc hình elip chính vì lẽ đó chúng được gọi với tên là phong lan đùi gà tròn. Thân của loại lan đùi gà này, thường có màu xanh vàng, bẹ lá màu xám nhạt. Hoa của loài lan này dày, hoa rất thơm.

b, Lan đùi gà dẹt

Đúng như tên gọi của chúng, loài lan này có thân dẹt, kích thước thân cây ngắn hơn so với lan đùi gà tròn chỉ từ 25 – 40cm, thân có nhiều rãnh dọc, khúc khủy. Lá của loại lan này dài khoảng 7 – 10cm, đầu lá chia thành 2 thùy, ở trên có các thân tơ. Hoa có kích thước nhỏ và không có hương thơm như đùi gà tròn.

Cả hai loại lan: Đùi gà dẹt và tròn đều có mùa hoa từ tháng 1 – 4 dương lịch, hoa nhanh tàn chỉ kéo dài từ 2 – 3 tuần, hoa dạng chùm, cần mọc ra ngay ở mắt thân cây. Tùy vào nơi sống chúng cũng có màu sắc khá trái ngược nhau, có cây hoa màu trắng, chỉ đốm hồng hoặc tím ở đầu cánh hoa; có cây hoa chỉ có màu hồng nhạt, hồng đậm hoặc tím. Tuy nhiên, mỗi loại có một nét đẹp riêng, tùy vào sở thích mỗi người mà chúng được lựa chọn làm cây cảnh trong gia đình. Chúng thường được ghép vào mùa xuân, lá của lan đã rụng hết, lan đang trong mùa nghỉ, và thời tiết thì độ ẩm cao đây là thời điểm thích hợp nhất giúp lan không bị “sốc”.

3, Cách chăm sóc phong lan đùi gà

Lan đùi gà
a. Không khí và độ ẩm.

Vì là loài ưa khô nên khi lan đã ra rễ và phát triển chúng ta không nên tưới nhiều nước cho cây, trung bình 1 – 2 lần/tuần tưới nước vào giá thể để tạo ẩm cho rễ cây. Nếu tưới liên tục, giá thể và chậu không kịp thoát nước, cây sẽ bị úng và thối rữa. Trường hợp vừa mới trồng xong, cách 5 ngày người trồng tiến hành tưới nước dạng phun sương và phun kích rễ cho cây 1 lần. Và đặc biệt khi cây sắp ra hoa, muốn cây cho hoa đúng thời điểm ta nên cắt nước, để lá lan rụng hết như vậy cây mới có thể ngâm nụ và bung nụ. Chú ý không nên xối mạnh nước vào thân lan, sẽ khiến lá và thân cây bị dập nát.

Nên treo lan đùi gà ở nơi thông thoáng, nhiệt độ trung bình từ 20 – 27oC, nếu ở vườn lan nên có phương pháp che chắn tránh mưa và ánh nắng trực tiếp hắt vào cây. Mỗi ngày chỉ nên đặt cây ra nơi có ánh nắng mặt trời từ 1 – 2 giờ đồng hồ khi nhiệt độ ngoài trời mát mẻ. Cuối mùa đông, để cây phát triển tốt và đón mùa hoa năm sau như ý người trồng nên mang cây ra nơi thoáng gió giúp cây hấp thụ ánh sáng và quang hợp.

b. Phân bón và dinh dưỡng.

Thời điểm bón phân cho là khi bộ rễ của lan đã phát triển tốt mọc từ 3 -4 cm và vào mùa phát triển mạnh về lá và thân, giúp lan tích đủ chất dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến thời điểm phun thuốc phòng trừ bệnh cho lan, để lan hấp thụ thuốc tốt nhất cũng như không làm cháy lá lan, người trồng nên phun thuốc vào buổi chiều mát. Định kỳ phun 1 lần/ tháng. Khi đã mắc bệnh, để cây nhanh khỏi cứ 15 ngày phun 1 lần cho đến khi cây khỏi hẳn. Thuốc được pha theo tỉ lệ 1 thìa cà phê pha với 4 lít nước.

Trên đây là những thông tin cơ bản về đặc điểm, khu vực phân bố, cách chăm sóc lan đùi gà. Hi vọng sẽ hữu ích với người trồng và những người đang tìm hiểu về loại lan này.

Nguồn Sưu tầm