Giao dịch lan đột biến tiền tỷ: Chuyện nực cười từng ‘đột tử’ vì sao lại được ‘hồi sinh’ tạo sóng?

Giao dịch lan đột biến 20 tỷ lại gây ồn ào, phải chăng là chiêu tạo sóng, thổi giá mới?. Trong khi trước đó, nhiều người từng tán gia bại sản vì loại cây này.

Lại thổi giá, tạo sóng cho lan đột biến để “lùa gà”?

Ngày 31/8, hàng loạt hình ảnh, clip về cuộc giao dịch đổi nhà vườn lấy lan trị giá 20 tỷ được tổ chức tại một nhà hàng sang trọng ở Bắc Ninh xôn xao mạng xã hội.

Sự kiện này thu hút hàng trăm người tham gia với sân khấu hoành tráng có sự dẫn dắt của người dẫn chương trình và màn tung hứng của những người tham gia.

Lan đột biến giao dịch 20 tỷ đồng đang gây xôn xao cộng đồng mạng (Ảnh: Facebook).

Việc này sẽ chẳng mấy ồn ào, nhưng dưới bàn tay “ảo thuật” có thể là làm trò và thổi giá của giới chơi lan đã nhanh chóng thu hút nhiều người quan tâm.

Câu chuyện lan “đột biến trở lại” đã thành đề tài nóng… Cuộc giao dịch với tên gọi: “Đổi nhà vườn lấy lan trị giá 20 tỷ” tuy không mới về mặt hình thức nhưng đã được giới chơi lan “nâng cấp”, “biến tấu” thành cuộc giao dịch đổi chác huyễn hoặc mang quy mô lớn với nghi vấn để thăm dò, tạo sóng ảo cho lan đột biến trở lại.

Nếu như trước đây, lan đột biến được đem ra để tung hứng, làm giá, nâng giá ảo mơi người chơi “đốt tiền” đã trở thành cách làm cũ thì cuộc giao dịch này để lại hoài nghi hơn về một cuộc đánh bóng, tạo sóng, thu gom để đưa cây lan đột biến trở lại với cơn sóng ảo nhằm tạo cuộc lướt sóng mới vào dịp cuối năm khi thị trường cây cảnh sốt trở lại.

Cơn sóng ảo lan đột biến đến nhanh và chết cũng nhanh đã từng xảy ra vào giai đoạn trước năm 2019 và kết thúc vào năm 2022. Đó là cơn sốt khủng khiếp và hệ quả nhãn tiền của cơn sốt ảo loại hoa này khiến nhiều người choáng váng.

Sau gần 2 năm lan đột biến “đột tử”, đến năm 2024, cơn sốt ảo loại hoa này nhen nhóm trở lại với màn gom lan của các “tay chơi” xảy ra vào hồi đầu năm.

Tuy nhiên, giá trị ảo “lên ngôi” và cũng dễ tan biến, chẳng mấy ai nhắc tới lan đột biến. Chỉ đến khi sự kiện giao dịch lan 20 tỷ ở Bắc Ninh diễn ra, lan đột biến như “trỗi dậy”. Giao dịch này đã trở thành sự kiện ồn ào trên mạng xã hội. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Phải chăng là chiêu “lùa gà” mới của dân chơi, khi kết hợp đổi nhà vườn lấy lan 20 tỷ?

Cộng đồng mạng đã chán với kiểu kẻ tung – người hứng và màn “ảo thuật” của giới chơi lan. Trong khi đó, giá trị thật của lan đột biến đã bị “lật tẩy” từ nhiều năm trước với hàng loạt hệ lụy để lại với nhiều người phải tán gia bại sản hoặc vướng vòng lao lý.

Cẩn trọng với “vòng xoáy” cây đột biến

Vào năm 2022, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Quách Văn Hải (30 tuổi) 12 năm tù, Trần Hữu Sỹ (35 tuổi) và Trịnh Hải Nam (20 tuổi) mỗi bị cáo 10 năm tù, Đỗ Văn Chung (35 tuổi) 6 năm cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nhiều người tán gia bại sản, đi tù vì lan đột biến. Trong ảnh là phiên tòa ở Hà Nội xét xử: Hải, Sỹ, Nam, Chung lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến lan đột biến (Ảnh: Báo Lao Động).

Nhóm Hải lập các tài khoản facebook ảo hoặc facebook tên Hải Hoa Lan, Vườn Lan Quang Trung, Thành Chung để đăng bán lan đột biến. Bằng thủ đoạn lừa bán lan đột biến, nhóm của Hải lừa 7 bị hại, chiếm đoạt hơn 2,5 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2022, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phi Long (31 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) 7 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Tang vật là hai chậu hoa lan đột biến gien 5 cánh trắng có giá trị thời điểm phạm tội là 750 triệu đồng.

Hàng loạt vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và những cuộc chơi “đốt tiền” để rồi tán gia bại sản, mang tù tội vì lan đột biến là những bài học cảnh tỉnh với nhiều người.

Thế nhưng, cơn sóng ảo lan và nhiều loại cây cảnh khác cứ lặp đi lặp lại nó không còn là cuộc chơi đơn thuần mang tính giải trí, mà ở đó có thể nó đã biến tướng thành các cuộc làm màu, trao đổi “ngầm” với mục đích thổi giá để tạo sóng cây cảnh?

Trao đổi với Báo Công Thương, một luật sư cho biết, những giao dịch kiểu “mập mờ” có dấu hiệu quay trở lại, cần các cơ quan chức năng vào cuộc để rộng đường dư luận.

Luật sư cho hay: “Giả sử các quan hệ hoán đổi như đã nêu trên là có thật thì căn cứ nào khẳng định có sự hoán đổi đó. Các quan hệ trao đổi này cần phải minh bạch, thực hiện nghiêm túc các quyền lợi và nghĩa vụ trong quan hệ giao dịch của mỗi bên”.

Nếu các giao dịch trên là không có thật, nhưng việc tạo ra các quan hệ giao dịch để mọi người theo dõi trên mạng xã hội nhầm lẫn là có thật, các cơ quan chức năng như: Công an, cơ quan thuế, quản lý thị trường…(nếu hoa lan đó được nhập khẩu) cần sớm vào cuộc để thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình mà pháp luật cho phép.

 

Bởi, việc này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn trong các quan hệ giao dịch dân sự và hệ lụy đến sự ổn định trật tự chính trị địa phương.

Theo luật sư, để hạn chế thấp nhất những cạm bẫy thông qua việc hoán đổi một loài hoa được ghép với hai từ đột biến, cần sớm có những quy định cụ thể về những loại giao dịch mà tài sản giao dịch được ẩn nấp dưới cái tên kiểu như lan đột biến để có căn cứ tính giá, xuất xứ, hình thức thanh toán, mức thuế phải nộp…

Việc hoán đổi nhà vườn và cây như trường hợp trên, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để tính thuế (việc chuyển tên cho người đổi lan lấy nhà vườn)…

Luật sư cho biết thêm, chỉ khi nào người có lan đột biến đứng tên nhà vườn đó thì quan hệ hoán đổi trên mới thực sự là có thật. Cần sớm có biện pháp ngăn ngừa hay các chế tài xử phạt nếu có căn cứ cho rằng việc thực hiện các giao dịch là không có thật…dù có thể chưa có hậu quả pháp lý xảy ra…

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ có hay không tình trạng thổi giá, tạo sóng ảo, lũng đoạn thị trường cây cảnh… thông qua các giao dịch “mập mờ” để tránh hệ lụy tiềm ẩn như trước đó đã khiến nhiều người tán gia bại sản, vướng vòng lao lý.

>>> XEM THÊM: 9X Lâm Đồng lãi 2 tỷ/năm nhờ bán hoa lan đột biến, tham vọng làm khu bảo tồn lan rừng quý hiếm

Nguồn: Báo Công Thương