Giá thể trồng lan hài và những ưu nhược điểm của chúng

Hài lông (còn gọi là hài vệ nữ): Là loài Lan hài quý, có giá trị làm cảnh vì thân, lá đẹp, hoa to cỡ 10 cm; đẹp bởi màu xanh của lá đài, màu tía và tím của cánh hoa và màu tía nâu của môi.

Hiện nay, có nhiều người mới chơi lan hài nhưng lại không biết giá thể trồng lan hài phù hợp ra sao. Tuy nhiên, giá thể trồng lan hài hiện nay cũng vô cùng đa dạng. Mỗi loại giá thể trồng lan hài đều có những ưu nhược điểm riêng, cùng tìm hiểu những đặc điểm này nhé!

Lan hài là một trong loài lan có thể nói là quý tộc nhất đối với người chơi lan. Nếu để phân biệt người chơi lan để thưởng thức và người chơi lan theo độ sâu, độ chơi thì có thể dễ nhận thấy: Người chơi lan hài thường là những người có tầm, có hiểu biết khá rộng về các loài lan. Đặc biệt, lan hài rất kén người chơi bởi không ai có thể hiểu hết được vẻ đẹp của nó. Lan hài có thể nói là khá kén người chơi. Hầu như tôi thấy những ai chơi hài lâu năm đều đã trải qua những quãng thời gian chơi phong lan khá lâu. Tất nhiên đây chỉ là đối với những người chơi nhiều hài, nhiều loại chứ không chỉ là một hai loại đâu. Lan hài khá đắt so sới những loại phong lan khác. Một chậu hài có giá dao động có thể từ vài trăm nghìn đến vài triệu, vài chục triệu cũng có; tất nhiên đây chỉ là những loại lan bình thường không đột biến gì nhé!

Hài lông (còn gọi là hài vệ nữ): Là loài Lan hài quý, có giá trị làm cảnh vì thân, lá đẹp, hoa to cỡ 10 cm; đẹp bởi màu xanh của lá đài, màu tía và tím của cánh hoa và màu tía nâu của môi.

Lan hài có thể là một giống lan quý đối với người chơi nhận thấy vẻ đẹp và cái tầm của nó. Hiện nay trên thế giới giá lan hài khá đắt so với giá ở Việt Nam. Mỗi chậu lan hài có thể dao động từ vài chục đến vài trăm đô trên thị trường thế giới. Ở những nước khác, người ta coi lan hài là một loài lan quý. Ở Việt Nam, có lẽ chẳng có nhiều người chơi lan hài là mấy.

Giá thể trồng lan hài

Ban đầu mới trồng hài, tôi cũng như các bạn chẳng biết nên trồng lan hài bằng gì. Ở thiên nhiên chúng mọc đủ kiểu, lúc thì trên cây (hài kim) lúc lại ở vách đá, bờ suối, đỉnh núi,… Giá thể trồng lan hài cực kì đa dạng.

Không ai trồng hài chỉ dùng một loại giá thể nhất định. Mỗi loại giá thể có một ưu điểm, nhược điểm riêng. Chính vì thế, nếu bạn khéo léo trộn các loại giá thể với nhau có thể tạo ra được một loại giá thể phù hợp cho chậu lan hài của bạn để đảm bảo chúng đủ thoáng mà vẫn giữ được ẩm cho cây.

Bài viết không hướng dẫn bạn chọn giá thể nào phù hợp nhất bởi việc lựa chọn giá thể phù hợp đối với từng loại lan hài, từng điều kiện tự nhiên, nhiệt độ và độ ẩm của từng vùng, tiểu khí hậu vườn nhà. Bạn có thể tham khảo để đưa ra được chất trồng phù hợp nhất đất với lan hài.
Ưu nhược điểm của những loại giá thể trồng lan hài phổ biến

Vỏ cây:

Vỏ cây được rất nhiều người ưa chuộng, có rất nhiều loại vỏ cây được sử dụng như vỏ me, vỏ thông, vỏ sao, vỏ vú sữa, … Tuy nhiên được sử dụng rộng rãi nhất là vỏ thông vì vỏ thông cực dễ kiếm, giá thành rẻ, khai thác dễ dàng, vỏ thông có tinh dầu nên có đặc tính kháng nấm tốt. Vỏ sao thì rất chắc chắn, rất lâu mục vì lớp bần rất dày. Vỏ cây nói chung có ưu và nhược điểm sau:

+ Ưu điểm của vỏ cây: giữ ẩm tốt, ít đóng rêu, đặc biệt là rêu nhớt, nhẹ, rất thích hợp cho hài, đặc biệt vỏ thông có tính sát khuẩn cao nên không lo rêu mốc.

+ Nhược điểm: vỏ cây dễ lên nấm nếu môi trường không thuận lợi, nhanh mục trong 2-3 năm, riêng vỏ sao rất bền (loại vỏ già), có một số loài côn trùng thích trú ẩn ở vỏ cây.

+ Lưu ý trước khi trồng lan nên luộc chín để vỏ ngấm nước và nên chọn vỏ thông để đảm bảo tính kháng nấm bệnh cho cây, ngoài ra chúng ta cần lựa chọn sắp xếp kích thước vỏ cây cho hợp lý, vỏ to cho xuống dưới vỏ nhỏ lên trên để đảm báo tính thoáng khí, giữ ẩm cho chậu cây.
Giá thể gỗ:

Có thể là gỗ me, gỗ vú sữa, gỗ sao, gỗ thông …., nhưng tốt hơn cả là gỗ thông đỏ (trừ nấm men trắng). Về ưu và nhược điểm cả gỗ cũng tương tự như vỏ cây.

Dớn cọng (rễ dương xỉ ):

+ Ưu điểm của dớn cọng: mau khô, thoáng, khá bền, nhẹ, giữ ẩm tốt, rễ lan ưa thích

+ Nhược điểm: dễ mọc nấm trong điều kiện môi trường không thuận lợi, dễ gây bí nếu chất trồng quá vụn.

+ Lưu ý: dớn cụng dễ bị mục hơn khi để dớn quá khô
Giá thể vỏ dừa, xơ dừa:

+ Ưu điểm: mau ngấm nước, giữ ẩm tốt, thích hợp với nhiều loại lan, giữ phân bón tốt, dễ điều khiển độ ẩm.

+ Nhược điểm: dễ gây bí nếu chất trồng quá vụn và lớp chất trồng dày, dễ mọc rêu, dễ gây úng, mau mục, có nhiều chất muối có sẵn bên trong, nhiều loại côn trùng thích ẩn nấp trong xơ dừa.

+ Lưu ý: ngâm kĩ trước khi trồng để xả bớt muối.

Rễ bèo lục bình:

+ Ưu điểm: có khả năng hút và giữ ẩm cao, có nhiều đạm giúp cây ra rễ và tăng trưởng mạnh trong thời gian đầu

+ Nhược điểm: dễ mục rã, dễ làm hầm nóng rễ lan

Dớn tổ quạ (dớn ổ phụng):

+ Ưu điểm: giữ ẩm rất tốt, lan khá ưa thích, khá lâu bền, giữ phân bón tốt

+ Nhược điểm: dễ làm hầm nóng rễ lan, nhiều loại côn trùng thích trú ẩn bên trong.

Rêu nước: (Sphagnum moss)

+ Ưu điểm: giữ ẩm rất tốt, hút rất nhiều nước, thích hợp những loài lan ưa ẩm cao như lan hài, giữ phân bón tốt, ít bị nấm mốc

+ Nhược điểm: do giữ nước nhiều nên cây sẽ dễ bệnh vào mùa mưa, giữ muối, mau mục.

Than đá:

+ Ưu điểm : rẻ, nhẹ, giữ ẩm tốt, thoáng, ít mầm bệnh, sạch sẽ, lâu mục, giữ được phân bón, rễ lan khá ưa thích.

+ Nhược điểm: dễ lan nấm mốc trắng nếu gặp môi trường không tốt, giữ muối

Than xỉ tổ ong đã đốt:

+ Ưu điểm: rẻ, giữ ẩm tốt, thoáng, lâu hư chất trồng

+ Nhược điểm: bản thân than xỉ đã chứa rất nhiều muối dễ làm nóng rễ lan, dễ mọc rêu, chất trồng quá vụn làm bí rễ, rễ lan không ưa lắm, nặng.

+ Lưu ý: ngâm kĩ xả muối trước khi trồng và phải xả muối hàng tháng.

Đá núi lửa: (lava rock)

+ Ưu điểm: dễ ngấm nước, không mục, thoáng, không quá nặng, giữ ẩm tốt, không có mầm bệnh

+ Nhược điểm: dễ đọng muối, sên không vỏ ưa trú ngụ trong này

Đá xốp: (Pumice rock)

+ Ưu điểm : giữ ẩm tốt, khá nhẹ, không mục

+ Nhược điểm: giữ muối

Đá bọt: (perlite)

+ Ưu điểm: nhẹ và thấm nước, giữ ẩm tốt, thích hợp dùng để trộn chất trồng, thích hợp cho các loài có rễ nhỏ

+ Nhược điểm: giữ muối

Gạch non:

+ Ưu điểm: thoáng, thấm nước tốt, mau thoát nước

+ Nhược điểm: nặng, giữ muối, dễ đóng rêu

Đá xanh:

+ Ưu điểm: thoáng, làm mát rễ lan, cân bằng nhiệt độ trong chậu

+ Nhược điểm: nặng, ít giữ ẩm

Đá vôi:

+ Ưu điểm: thoáng, làm mát rễ lan, cung cấp thành phần Ca cho lan

+ Nhược điểm: mau khô, nặng

Đá san hô:

+ Ưu điểm: thoáng, giữ ẩm tốt, cung cấp thành phần Ca cho lan

+ Nhược điểm: nặng, đọng muối

Vỏ đậu phộng: (vỏ lạc)

+ Ưu điểm: nhẹ, dễ tìm, rễ lan khá ưa thích, giữ ẩm tốt, ít bị nấm

+ Nhược điểm: có chất dầu, tạp chất

+ Lưu ý: nên ngâm xả trước khi trồng

Xốp:

+ Ưu điểm: nhẹ, rất thích hợp lót đáy chậu hoặc trộn tạo độ thoáng cho chất trồng

+ Nhược điểm: không thấm nước

Vỏ trấu:

+ Ưu điểm: thoáng, giữ ẩm tốt

+ Nhược điểm: dễ ủ bệnh

Mùn cưa:

+ Ưu điểm: giữ ẩm tốt, nhẹ

+ Nhược điểm: mau mục, dễ ủ bệnh

Đất:

+ Ưu điểm: giữ ẩm tốt, cung cấp nhiều chất khoáng cho cây

+ Nhược điểm: dễ gây bí, dễ mang mầm bệnh

Leca: (viên đất nung)

+ Ưu điểm: thoáng, không bị mục, giữ ẩm tốt, giữ được phân bón

+ Nhược điểm: khá nặng, giữ muối

Lá cây khô – mục:

+ Ưu điểm: giữ ẩm tốt, cung cấp các dưỡng chất cho cây trồng

+ Nhược điểm: dễ ủ bệnh

Trên đây là một số các ưu nhược điểm của những giá thể trồng lan hài phổ biến nhất. Bạn hãy tự chọn cho mình những loại giá thể phù hợp với từng loại hài và khí hậu vườn nhà nhé. Chúc các bạn sở hữu những chậu lan hài ưng ý nhất.