“Cơn sốt” lan rừng quét qua đại ngàn

Sau cơn sốt chơi chim ở Tây Nguyên và nhiều nơi trên cả nước thì cơn sốt lan rừng tràn khắp các ngõ ngách. Khi trên đường phố tràn ngập đủ loại lan rừng thì nhiều cánh rừng đã “trắng” phong lan trong sự bất lực, xót xa của những người tâm huyết. Giờ đây, những cánh rừng Tây Nguyên gần như bị khai thác kiệt quệ và để phục vụ nhu cầu người chơi, giới đầu nậu lan còn đặt hàng từ những cánh rừng bên kia biên giới.

Lan rừng không ở… rừng

Có lẽ ít loài hoa nào mang đến hấp lực đối với nhiều người như hoa phong lan. Sự mảnh mai, đa sắc màu, hương thơm thoang thoảng của những cánh phong lan ẩn giấu vẻ đẹp huyền bí, kiêu sa khiến người chơi săn lùng tận những cánh rừng già, thâm sâu để đưa những cành lan rừng về phố. Chỉ cần dạo quanh những con phố trên các địa bàn TP Kon Tum, TP Pleiku (Gia Lai) sẽ bắt gặp những điểm bán phong lan tràn ra các vỉa hè, chưa kể các quầy hàng bán cây cảnh, phong lan lâu năm. Thậm chí, cả trên facebook cũng hình thành các trang mua, bán lan rừng sôi động hơn bao giờ hết! Tại các điểm bán hàng, lan được treo trên giò với các giá thể bằng gỗ, thậm chí cả những nhánh lan được bày bán từng mớ như mớ rau ở ngoài chợ. Giá cả thì đủ loại, từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng để phục vụ người chơi đủ thành phần. Dạo quanh một vòng các điểm bán lan, chúng tôi chứng kiến người mua, kẻ bán tấp nập. Lan ở đây chủ yếu các loài như Long Tu, Đai Châu, Thủy Tiên… với giá từ 200-1,5 triệu đồng/giò, còn những loài hiếm và đang “hot” như Hoàng Nhạn tháng Tám, Giả Hạc thì giá vài triệu đồng/kg hoặc giò. Trước đây, giá của những loại lan này cũng chỉ vài trăm nghìn nhưng từ khi thú chơi lan trở nên “hot” hơn bao giờ hết, giá được đẩy lên chóng mặt. Ở những điểm bán này, chủ hàng luôn có sẵn những phụ kiện trồng lan như gỗ vú sữa, gỗ nhãn, giò đất nung…

Chỉ còn các đại ngàn ít người đặt chân đến mới tồn tại những nhánh lan rừng ngoài tự nhiên như thế này.

H. – một gã chuyên “săn” phong lan rừng ở H. Chư Păh (Gia Lai) từ nhiều năm nay kể về những chuyến lấy lan rừng tận các vùng núi cao. Những tưởng mang về cứ vào giò, chăm sóc nước tưới, phân bón đầy đủ chúng sẽ sống, thế nhưng chỉ được thời gian đầu, sau 1-2 năm chúng cứ lụi dần rồi chết. “Nhiều cánh rừng ở Tây Nguyên, thậm chí cả ngoại biên tôi đã đặt chân tới, lan rừng giờ gần như bị “cạo trọc” rồi. Lan rừng càng ngày càng hiếm, chỉ có những vùng núi thâm u, hoặc rừng đặc dụng, vườn quốc gia thì chả ai dám đặt chân vào thôi! Chứ giờ đỏ mắt kiếm loại giả hạc, trầm, hoàng nhạn trong rừng có cả tháng cũng không ra”, H. kể. Khi nghe tôi nói về việc lan rừng bày bán tràn ở ngoài phố, H. cười khẩy: “Tại các điểm bán lan ở ngoài phố, chỉ có 10% là lan rừng thôi ông ơi! Rừng Tây Nguyên mà người đi lấy lan càn qua thì lan quý chả còn nữa đâu, giờ chỉ còn họa hoằn sót lại vài loại lan ít giá trị, ít người chơi thôi. Hầu hết những loại lan đang bày bán ở Tây Nguyên được đưa từ rừng Lào, Campuchia, Trung Quốc đưa sang cả đấy”.

Nguy cơ tuyệt chủng lan rừng

Phong trào chơi lan ngày càng bùng phát hơn khi những giò lan ở các tỉnh, thành trong cả nước được giao dịch với giá từ vài trăm triệu đến cả vài tỷ đồng đối với những dòng lan đột biến. Cũng từ đây, nhiều người chơi lan theo phong trào cũng đổ xô đi mua lan với khao khát tạo cho mình một bộ sưu tập về lan rừng. Trong số đó, không ít người đã trả “học phí” là những vườn lan chết vì không biết cách chăm sóc hoặc không chịu trổ bông vì điều kiện chăm sóc không đủ. Thế nên, lan rừng ngày càng hiếm và lên giá.

Anh Võ Văn Công, không chỉ là một người có tiếng trong giới chơi lan bởi bộ sưu tập lan rừng đồ sộ mà còn là người đã tìm ra loại lan quý mới mang tên hoàng thảo Võ Công (tên khoa học là Dedrobium Congianum), bày tỏ: “Việt Nam là nước nhiệt đới với nhiều vùng tiểu khí hậu nên có rất nhiều lan rừng. Theo tôi tìm hiểu thì có hơn 1.100 giống lan. Thế nên, chơi và thuần dưỡng lan rừng là một vấn đề cực kỳ khó, nhất là với những người mới tập tành chơi lan. Chơi lan phải hiểu được đặc tính vùng tiểu khí hậu mà nó sống, có cây lan phân bố rất cao, từ  1.600m trở lên, khi đem về nhà thì không thể nào sống được. Thế nên, người chơi lan phải tìm hiểu kỹ trước khi “hại” một cây lan”. Những năm trước, cũng từng là người đặt chân khắp các cánh rừng để tìm các loài lan quý, giờ đây, anh Công cũng chính là người mang các hạt giống lan quý quay trở lại gieo ở các cánh rừng khi lan rừng đang đứng trước nguy cơ sụt giảm. “Sự suy giảm của lan rừng ở khu vực Tây Nguyên với hệ số sụt giảm cực lớn. Thứ nhất, tình trạng khai thác quá nhiều, đến mức tuyệt chủng ở một số dòng. Một số dòng như: Giả Hạc, Nghinh Xuân, Hoàng Nhạn tháng Tám trước đây vùng Ia Mơr (xã biên giới Ia Mơr, H. Chư Prông, Gia Lai) rất nhiều nhưng hiện không còn một cây nào”, anh Công chia sẻ.

Những nhánh lan rừng được bày bán như mớ rau dọc các đường phố tại các tỉnh Tây Nguyên.

Cũng theo nhiều người tìm lan thì họ phải đi xa hơn vào rừng sâu, những vùng rừng ít người đặt chân tới với sự bất chấp nguy hiểm bởi miếng cơm manh áo. Cứ thế, những cánh rừng lan rừng cũng bị “cạo trọc”! Trong khi đó, việc xử lý người dân vào rừng tầm lan cũng rất khó khăn. Chưa kể, nạn phá rừng vẫn đang là vấn đề nhức nhối khiến môi trường sống của các loài lan quý bị đe dọa. Theo các cơ quan chức năng, hiện theo quy định pháp luật chỉ cấm khai thác, mua bán: lan kim tuyến và lan hài Việt Nam, thế nhưng việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn. Thế nên, nạn “chảy máu” lan rừng và nguy cơ mất đi các nguồn gene lan quý, hiếm, đặc chủng của Việt Nam vẫn khó có thể kiểm soát.

(Minh Tân/cand.com.vn)