Có một loài hoa mang tên Cẩm cù

Ngày ấy nhà tôi đã dọn về một khu tập thể ở ngoại vi Hà Nội đã một thời gian. So với căn nhà mặt tiền ở phố, căn hộ tập thể tuốt trên tầng 4 tuy có diện tính sử dụng nhiều hơn thật nhưng với một đứa trẻ thì nó thật chán, vì nó biệt lập quá. Tôi nhớ những cây bàng ở ngõ nhà cũ, nhớ khoảng đường trống thời đó là sân chơi của lũ trẻ hàng phố. Nơi ở mới cũng có vườn, có sân và những cây phượng, cây bằng lăng, nhưng là tận phía dưới nhà. Bù lại, nhà mới có một cái cửa sổ thật lớn nhìn ra khoảng trời và những ngọn cây. Có những buổi trưa chờ giờ đi học, nằm trên sàn nhà nhìn ra khỏang trời xanh và mây trắng cứ mong sao bao giờ những cây phượng kia lớn ngang tầm cửa sổ nhà mình, để có thể vươn tay ra hái những búp hoa phượng ngòn ngọt…

Loài hoa cẩm cù
Loài hoa cẩm cù

Rồi một ngày kia, mẹ mang về một cành cây khẳng khiu bé tí với những cái lá hình bầu dục, dầy và bóng như lá hoa đá, nhưng có màu xanh thẫm. Mẹ bảo đó là cây cẩm cù. Cây gì mà tên nghe lạ quá, quê mùa đến thế? Người cũng chẳng để ý nhiều đến cây, người mải đi làm, người mải đi học và người mải lớn. Đến một ngày kia, cũng vào một buổi trưa hè, chợt thấy nhú ra những cái gì trắng trắng từ đám lá đã xanh um và những cái dây leo vòng quanh cửa sổ từ khi nào không biết. Có một mùi thơm ngọt ngào khó định nghĩa tỏa ra từ đám lá đó, khiến người chẳng thể mải làm gì nữa. Một bông hoa trắng bé tí hình cầu. Mà không phải, nhiều bông hoa li ti gộp lại thành một bông hoa lớn. Cánh của nó trắng như sáp, mang màu của sữa, ở giữa mỗi bông li ti ấy lại là một ngôi sao năm cánh với một chấm lúc đỏ lúc tím. Cây cẩm cù của mẹ đã nở hoa.

Hình ảnh hoa cẩm cù
Hình ảnh hoa cẩm cù
Hình ảnh hoa cẩm cù
Hình ảnh hoa cẩm cù

Mãi sau này mới biết bông hoa có cái tên quê mùa ấy có tên là Hoya Bella (đặt theo tên nhà sinh vật học người Anh Thomas Hoy), người ta gọi nó là Wachsblume/Porzellanblume trong tiếng Đức và Hoya trong tiếng Anh. Giống cây leo ấy có một sức sống thật mạnh mẽ, chẳng cần chăm sóc gì nhiều, cũng không cần tưới lắm, cứ thế nó lớn lên lặng lẽ trên cái giàn thép bố bắc phía trên cửa sổ. Đám lá ngày một xanh um, rủ xuống những cái cành mềm mại và từ tháng 4 tới tháng 6 hàng năm không khi nào thiếu được những ngôi sao trắng đong đưa trên khung cửa sổ giữa trời. Mùi hương cẩm cù thấm đẫm không gian những đêm học thi đại học, theo vào những giấc mơ cùng những con số toán, lý khô khan, đã theo người suốt một thời hoa niên. Một mùa thơm ngọt ngào, đậm đặc không thể nào lẫn. Cùng với cây hoa nắng, cùng với bằng lăng tím gọi mùa, và hương hoa sữa vấn vương theo những vòng xe đạp tới trường, hương hoa cẩm cù luôn đưa người về với căn hộ giữa lung chừng trời ấy, ngay cả khi người đã đi xa. Về với một thời vất vả, nhưng đầy ắp tình yêu quê hương xứ sở.

Xem thêm:

Lan Cẩm Cù sự lựa chọn tuyệt vời cho ban công

Cách trồng và chăm sóc cây lan Cẩm Cù

Kỹ thuật trồng lan

Sắc màu tươi tắn và hương thơm dịu ngọt của hoa cầm cù
Sắc màu tươi tắn và hương thơm dịu ngọt của hoa cầm cù
Sắc màu tươi tắn và hương thơm dịu ngọt của hoa cầm cù
Sắc màu tươi tắn và hương thơm dịu ngọt của hoa cầm cù

Hôm nay nhìn thấy bông cẩm cù, sực nhớ trong vườn nhà mình cũng đã từng có một cây cẩm cù khuất trong góc vườn nhỏ, đã từng ra hoa và được nâng niu chăm bón. Lúc thiết kế khu vườn đã nhớ tới loài hoa dân dã ấy mà không tài nào nhớ tên, phải điện thoại hỏi mẹ. Nhưng đi khắp các vườn ươm Sài Gòn không ai biết đó là cây gì. Mãi mới xin được một nhánh từ người bạn. Trồng và đã ra bông. Bạn tới nhà cứ đi vòng quanh tìm xem hoa gì thơm thế, dù cái dây leo có lẽ không hợp đất, chỉ cho có hai cái bông. Hai bông cẩm cù đủ để đầy một trời thương nhớ. Nhưng người làm vườn, trong một lần dọn dẹp, vô tình đã nhổ nó đi, vì có lẽ không biết là đó cây gì mà cứ bám theo bờ tường mọc thành dây. Chắc họ sợ hại tường.

Cây đi mang theo cả hương thơm ngọt ngào xưa cũ….

Người ngẩn ngơ, và người nhớ. 

Có một cây cẩm cù, đã từng ra hoa.

(Trần Thùy Linh)