Chàng trai với gia sản 2.000 giò lan, có 20 loài lan giả hạc quý hiếm

Sau nhiều năm gắn bó với thú chơi lan rừng, anh Huấn đã có số “gia sản” kha khá gần 2.000 giò lan các loại, mà 70% trong số đó là lan rừng.

Với nhiều người, việc chơi lan đã không còn xa lạ, bởi sự phổ biến của loài hoa được xem là “trái tính, trái nết” này. Tuy nhiên, nhắc đến lan rừng thì đó là câu chuyện rất thú vị, mỗi người đam mê có một thế giới riêng để đồng cảm, thấu hiểu với loài hoa này.

Anh Huấn yêu quý, chăm chút từng giò lan

Lan rừng hiện nay cũng được cấy mô như lan “công nghiệp”. Tuy nhiên, yếu tố “rừng” của chúng vẫn được kế thừa từ tổ tiên mà đôi khi vì đột biến lại càng trở nên quý hiếm, bởi tố chất “có một không hai” về màu sắc, mùi hương và những chuẩn mực về “cái đẹp” trong giới chơi lan.

Bén duyên với “nghiệp” chơi lan từ khi là học sinh lớp 7, anh Nguyễn Đình Huấn (Chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa lan Châu Phú) chia sẻ rằng, niềm đam mê ấy đã sống trong anh cho đến tận bây giờ. Nói đến lan rừng, người ta không dừng lại ở vẻ đẹp màu sắc như lan “công nghiệp”, mà nó được nâng lên thành một thứ nghệ thuật như bon-sai. Nếu như lan “công nghiệp” chỉ lòng vòng mấy loại denro, hồ điệp, cattleya thì lan rừng lại có chủng loại vô cùng phong phú. Đặc biệt, với mỗi chủng loại có sự đột biến theo nhiều hướng khác nhau mà hiện nay giới chơi lan yêu thích nhất chính là giả hạc.

Hiện tại, anh sở hữu hơn 20 loại giả hạc đột biến khác nhau về màu sắc, mùi hương và “mắt”, “mũi” trên hoa, như: hồng yên thủy, 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hiển Oanh, 5 cánh trắng Hà Tĩnh, 5 cánh trắng mắt nai, 5 cánh trắng Bùi Việt, 5 cánh trắng Chư-yang-sing, 5 cánh trắng Chư-mo-ray, hồng Đăk-lăk, 5 cánh trắng Lâm Đồng, 5 cánh trắng Hải Dương, trắng Di Linh, trắng Hà Đông, trắng Vũ Tuấn Anh, trắng Thực Hà, 6 mắt Hòa Bình, 6 mắt Thái Bình, 6 mắt Khánh Hòa… Ngoài ra, còn có các loại lan kiếm rừng, như: kiếm Phan Trí lá lán, kiếm Phan Trí lá sần, vị hoàng hay thủy tiên trắng, bệt núi chúa…

Anh Huấn cho biết, nếu muốn chơi lan rừng thì phải làm quen với việc bỏ chi phí khá cao để sở hữu những giò lan như ý. Theo anh Huấn, một ky (chồi) lan rừng cao 1-2 tấc nhưng có gen đột biến đôi khi giá trị hàng chục triệu đồng, nhưng người đam mê thực sự sẵn sàng bỏ tiền ra để sở hữu chúng. Anh Huấn cũng từng bán 1 ky lan với giá hơn 70 triệu đồng cho người khác và cũng bỏ ra 50 triệu đồng để “săn” về 1 ky lan ưng ý về vườn của mình. Thực tế, con số này sẽ khiến cho người chưa tìm hiểu cảm thấy bất ngờ, nhưng giới chơi lan xem đó chuyện bình thường. bởi, người chơi có thể mua đến 10kg lan giả hạc với mức 1,2 triệu đồng/kg từ dân đi “săn” lan trên rừng, nhưng chỉ có 1 cây trong số đó đột biến nên giá của nó khá cao là chuyện đương nhiên.

Các tác giả tham gia Hội thi và trưng bày lan huyện Châu Phú mở rộng năm 2019

Về cách chơi lan rừng, những người như anh Huấn không quá đặt nặng việc phải có nhiều bông trên cây bởi chỉ cần có kinh nghiệm sử dụng phân bón, thuốc kích thích thì sẽ đạt mục đích. Anh Huấn chỉ cần 1 ky lan của mình có lá dày dặn, thân hình mập mạp, rễ đi đều là đã cảm thấy rất “sướng”. Đôi lúc, anh thương những giò lan của mình như con, chăm chút, nâng niu chúng mỗi ngày. Với dân sành nghề, sẽ rất tuyệt vời nếu cùng chơi một loại lan rừng nhưng nhiều người không thể giúp chúng trổ bông, trong khi chỉ có một cá nhân nào đó làm được mà thôi!

Tuy nhiên, những người yêu lan rừng không quá đặt nặng việc hơn thua, mà chủ yếu cùng chia sẻ để thưởng thức cái đẹp từ loài hoa này. Và hơn hết, lan rừng cũng giúp cho người chơi có thu nhập từ chúng để nối dài niềm đam mê qua nhiều năm tháng. bởi chơi lan là thú vui tao nhã nên mỗi giò lan được xem như một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Do đó, Câu lạc bộ hoa lan Châu Phú đã tổ chức Hội thi và trưng bày hoa lan mở rộng năm 2019, với sự tham dự của gần 180 tác phẩm đến từ mọi miền đất nước. Chính lan rừng đã kết nối những người đam mê cùng hội ngộ để giao lưu, chia sẻ cái đẹp cùng nhau.

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 này, anh Huấn sẽ chuẩn bị 1 giò giả hạc để ngắm và mang ra cho mọi người cùng thưởng thức. Bởi, lan rừng chỉ ra bông mỗi năm 1 lần nên người chơi muốn chúng đẹp nhất vào mùa xuân. Càng ý nghĩa hơn khi những cây lan rừng đột biến tỏa hương thoang thoảng khắp gian nhà để mùa xuân càng ấm cúng, nồng đượm hơn.

Với niềm đam mê còn cháy mãi, anh Huấn cùng các thành viên khác của Câu lạc bộ hoa lan Châu Phú như Võ Minh Thông, Đoàn Nam Việt, Nguyễn Trung Quốc… sẽ tiếp tục mang đến cho đời những giò lan đẹp, độc đáo phục vụ giới chơi lan gần xa. Với những người yêu lan rừng chân chính, niềm vui của họ chính là mang đươc vẻ đẹp của loài hoa này chan hòa vào cuộc sống của mọi người!

Năm 2019, Câu lạc bộ hoa lan Châu Phú đã bán đấu giá lan rừng để hỗ trợ xe đạp, sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh với tổng giá trị gần 50 triệu đồng. Năm 2020, anh Huấn cùng những thành viên của câu lạc bộ sẽ nỗ lực nâng cao giá trị hỗ trợ, cùng địa phương chăm lo tốt cho hoạt động khuyến học, khuyến tài trên cơ sở lấy cái đẹp của lan rừng để phục vụ cho đời.

(Theo Báo An Giang)