Cây hoa lan là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tp. Hồ Chí Minh

Nghệ nhân Phạm Quang Bình (tỉnh Lâm Đồng) với sản phẩm đạt giải nhất hội thi Hoa lan trong khuôn khổ Festival hoa lan 2019. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN

Điều kiện thời tiết khí hậu của Tp. Hồ Chí Minh rất thuận lợi cho trồng hoa lan nhiệt đới, không kén đất như những cây trồng khác.
Cây hoa lan đã được ngành nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh xác định là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có khả năng ứng dụng công nghệ cao, phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, tăng giá trị và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Chính vì vậy, tiềm năng của cây hoa lan vẫn còn rất lớn, để thúc đẩy tiềm năng này, cả người trồng lan và doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ hoa lan dang mong chờ sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách và ưu đãi vốn vay cho cây hoa lan phát triển.
*Dư địa tăng trưởng lớn
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh, tính đến hết năm 2018 diện tích hoa lan trên địa bàn thành phố đạt 375 ha (tăng 21% so với năm 2015); trong đó, chủ yếu là 2 loại lan Mokara cắt cành và Dendrobium, tập trung ở huyện Củ Chi (249 ha), huyện Bình Chánh(70 ha) và có một số ít tại quận 9.

Ước tính, diện tích này cung ứng khoảng hơn 134 triệu cành/năm, chủ yếu được tiêu thụ trong nước.
Theo ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, diện tích đất nông nghiệp của thành phố ngày càng thu hẹp để tiến hành phát triển đô thị.

Do đó, ngành trồng hoa lan được xác định có thể thay thế cho cây lúa bởi giá trị cây hoa lan mang lại cao hơn cây lúa nhiều lần. Hơn nữa, điều kiện thời tiết khí hậu của Tp. Hồ Chí Minh rất thuận lợi cho trồng hoa lan nhiệt đới, không kén đất như những cây trồng khác.
Theo thống kê của Trademap.org, đến tháng 4/2019, giá trị xuất khẩu hoa lan toàn cầu đạt hơn 217 triệu USD, tập trung ở các quốc gia Hà Lan, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, New Zealand.
Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng hoa lan Việt Nam đạt 4 triệu USD trong năm 2018, chủ yếu sang các thị trường Nhật Bản (72,5%) và Mỹ (11,3%). Nếu so với thị phần của các quốc gia khác, thì mặt hàng hoa lan xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỉ trọng rất nhỏ.
Với điều kiện phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh, ngành trồng hoa lan như “cá gặp nước”, đủ điều kiện vươn lên, khẳng định vị thế và tiềm năng của cây hoa lan.

Do đó, để phát triển sản phẩm hoa lan cho tiêu dùng nội địa, tạo lợi thế canh tranh trong xuất khẩu, tăng thị phần trên thị trường quốc tế cho sản phẩm hoa lan, việc sản xuất trồng lan thành cần phải có chiến lược đầu tư toàn diện về sản xuất giống chất lượng cao, đồng đều, giảm dần tỷ trọng nhập khẩu giống từ nước ngoài, nghiên cứu giải pháp phòng chống sâu bệnh, dịch hại.

Đồng thời, tăng cường sự liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà phân phối để phát triển hiệu quả mạng lưới phân phối, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm hoa lan.
Nói về tiềm năng và lợi thế lớn của cây hoa lan, bà Đặng Thị Thanh Thủy, chủ vườn lan Bến Sạn Tây tại quận 9, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, không riêng hai loại lan Mokara cắt cành và Dendrobium, điều kiện khí hậu của Tp. Hồ Chí Minh cũng phù hợp để sản xuất dòng lan hồ điệp trưởng thành.

Đây là nơi có thể phát triển thành vùng nguyên liệu lan hồ điệp để cung ứng ngược lại cho Đà Lạt và xuất khẩu ra thị trường lân cận. Từ đó, đa dạng hóa sản phẩm chất lượng cao cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước.
*Chờ vốn mở rộng đầu tư
Với đà phát triển và tiềm năng cạnh tranh của cây hoa lan khu vực Tp. Hồ Chí Minh, có thể thấy, cây hoa lan còn mang lại nhiều lợi ích khác ngoài mục đích phát triển kinh tế. Bà Đặng Thị Thanh Thủy nhận xét, so với 2 loại lan Mokara và Dendrobium, lan hồ điệp có màu sắc đa dạng, hoa bền và giá trị cao, nhưng khu vực Tp. Hồ Chí Minh lại chưa phát triển dòng lan đầy tiềm năng này.
Lan hồ điệp cũng chỉ phát triển mạnh tại Đà Lạt (Lâm Đồng), nhưng cũng chủ yếu nhập về cây trưởng thành cho hoa, không làm cây sinh trưởng trong nước. Vì vậy, phát triển cây lan hồ điệp cũng là một hướng đi giá trị kinh tế cao hơn so với các dòng lan khác.
Tuy nhiên, giá trị cây lan hồ điệp mang lại như vậy cũng cần một nguồn kinh phí đầu tư tương xứng. Để tăng năng lực sản xuất hoa lan chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí bảo vệ thực vật do thị trường nhập khẩu đưa ra, các vườn lan của Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh có sản xuất hoa lan nói chung cần đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ và quản lý tiêu thụ hiệu quả.

Một tiểu cảnh độc đáo từ hoa lan tại Festival hoa lan 2019. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN

Các vườn lan ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nhà kính phục vụ cho cây lan phát triển an toàn, phòng chống được dịch hại cần chi phí đầu tư rất lớn. Vì vậy, chủ vườn cùng các doanh nghiệp mong đợi sự hỗ trợ tích cực từ UBND Tp. Hồ Chí Minh để phát huy tiềm năng, thế mạnh của cây hoa lan trong sự phát triển nông nghiệp đô thị, bà Đặng Thị Thanh Thủy nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, ngoài tiềm năng kinh tế, các vườn lan tại Tp. Hồ Chí Minh có tiềm năng thu hút khách du lịch sinh thái. Đây là thế mạnh thứ 2 của hoa lan. Khi lan đồng loạt nở rộ, nhiều kiểu dáng, nhiều màu sắc khiến du khách thích thú.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức các tour du lịch sinh thái về các vườn lan trên địa bàn. Sở Nông nghiệp sẽ cập nhật thông tin vườn lan vào giai đoạn nở rộ để đưa du khách đến tham quan.

Thời gian giữ hoa của các loại hoa lan vốn dài, từ 30 ngày đến 45 ngày nên sự kết hợp hoạt động này vừa giúp nông dân vườn lan vừa kinh doanh dịch vụ du lịch, vừa tiêu thụ hoa lan tại vườn mà không mất chi phí vận chuyển.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ngành nông nghiệp công nghệ cao đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố tập trung đầu tư, xây dựng thương hiệu mạnh, lập quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong những năm tiếp theo.
Theo ông Phong, UBND Tp.Hồ chí Minh sẽ tạo điều kiện hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và những nhóm sản phẩm chủ lực sẽ trở thành thương hiệu mạnh ở trong nước và trên thị trường quốc tế./.

(Hồng Nhung/TTXVN)