Cách trồng và chăm sóc Hoàng thảo vôi

Hoàng thảo Vôi là loài hoa lan Hoàng thảo tuyệt đẹp, đặc biệt, cả hoa và thân cây đều có hương thơm và từ trước đến nay rất có giá trên thị trường về mặt giá cả. Vậy làm thế nào để trồng đúng cách. Hãy cùng tìm hiểu kỹ thuật trồng và cách chăm sóc hoàng thảo vôi này như thế nào nhé.

Tiến hành trồng Hoàng thảo vôi và chăm sóc từ khi ghép đến khi ra hoa

Hoàng thảo Vôi là loại phong lan dễ trồng, ưa nắng khoảng 70% (dưới 1 lớp lưới đen), thường người ta ghép vào bảng dớn hoặc gỗ khúc tuy nhiên trồng chậu với vỏ thông xơ dừa cũng tốt. Nên ghép vào mùa đông ở ngoài Bắc khi cây đang nghỉ, lá đã rụng nhiều, các mắt lúc này đang ngậm nụ bên trong đến khi chồi non chưa ra rễ (khoảng cuối tháng 11 đến tháng 4 dương lịch). Treo nắng dưới một lớp lưới từ khi bắt đầu ghép sẽ cho lứa cây con khỏe mạnh. Mua hàng cân về ghép trong mùa đông thì qua Tết âm gần nhất sẽ ra hoa, không cần can thiệp gì cả, cứ ghép xong treo vậy thôi.

Khoảng tháng 3 dương lịch, cây ra nụ cũng là lúc ở gốc các thân mẹ bật lên các chồi con. Đừng tưới quá nhiều nước cứ kệ mầm non ở gốc phát triển bình thường. Chưa cần bón các phân hóa học, thuốc kích thích hay treo phân chậm tan gì cả. Chỉ cần 2-3 ngày tưới nước vào gốc một lần, mầm non lúc đó vẫn ăn dinh dưỡng từ thân mẹ nên không lo mầm non bị thiếu nước hay phân gì cả.

Nếu tưới nhiều và cho phân sớm có thể bị hỏng mầm non. Khi nào cây phân nụ, nhìn thấy rõ ràng nụ mọc dài ra rồi thì tưới thoải mái toàn bộ cây hàng ngày, đủ độ ẩm để đảm bảo nụ không bị teo. Cơ bản là cây đủ dinh dưỡng trong mùa sinh trưởng, cắt nước đúng lúc vào mùa nghỉ và đảm bảo chế độ hưởng nắng thì sẽ phát triển tốt và có hoa

Sau kỳ hoa thì tới mùa sinh trưởng của các thân con. Khi nào mầm non ở gốc dài được 7-10 cm và rễ non ra dài 2-3 cm thì bắt đầu tưới phân để mầm non phát triển. Giai đoạn này chủ yếu bón phân giàu Đạm như NPK 30-10-10 hoặc 20-20-20 và B1 cho lan hàng tuần với liều lượng loãng hơn chỉ dẫn một chút cũng được (ví dụ đầu tuần phun NPK, giữa tuần phun B1), nếu không muốn tưới nhiều phân thì dùng phân chậm tan mua sẵn đựng trong các túi lưới, túi vải treo phía trên giò lan để khi tưới nước phân ngấm dẫn xuống.

Các bạn ở vùng nông thôn có thể dễ dàng tìm phân trâu, bò, dê trộn ít vôi bột đem phơi khô, đóng túi vải rồi treo trên giò lan hoặc đặt ở mặt chậu, thực tế cho thấy sức phát triển của lan rất mạnh. Chăm bón đủ dinh dưỡng trong mùa sinh trưởng giúp cho các thân con trở thành cây trưởng thành, to dài.

Hoàng thảo Vôi nghỉ khá sớm, sớm hơn Phi Điệp, Hạc Vỹ chút. Vào khoảng đầu tháng 10 dương lịch ta đã thấy bắt đầu có hiện tượng thắt ngọn, đầu ngọn tròn túm lại, lá ngọn bé chứ không phát triển to ra, ta tưới thưa đi 3-4 ngày mới tưới một lần để cây rụng lá dần, đồng thời phun 3-4 lần NPK 10-30-30, mỗi lần cách nhau một tuần để cây tích đủ Lân hình thành hoa. Đến đầu tháng 12 dương cây đã rụng lá gần hết, dừng tưới nước hoàn toàn cho cây nghỉ, treo cây ra chỗ nắng sáng giúp kích hoa.

Đến khoảng đầu tháng 2 dương lịch ta tưới nước một lần/ngày trở lại, chỉ tưới vào gốc, và mỗi tuần lại phun phân bón giàu Lân kích hoa (NPK 10-30-30) một lần theo chỉ dẫn trên nhãn, cỡ nửa tháng sau sẽ thấy nhú nụ. khi nụ bắt đầu nở thì dừng tưới để hoa lâu tàn hơn. Chơi hoa xong lại quay lại chu trình thời kỳ đã nêu bên trên để cây mẹ đã ra hoa lại đẻ lứa con mới. Đây là loại lan dễ trồng và rất đáng sưu tầm.

Một số hình ảnh đẹp về Hoàng thảo vôi

 

Hoàng thảo vôi đã xuống lá chờ hoa Tết, đang bán tại Yêu Hoa Lan, sđt liên hệ: 0932.550.312