Cách chăm sóc lan Ngọc Điểm sau Tết

Chăm lan ngọc điểm bắt đầu từ sau Tết, cắt hoa thì dưỡng cây luôn theo công thức dưới đây, như vậy thì mùa sau cây mới đủ hoa, không bị rớt lá chân.
Chứ đợi vàng lá mới cứu thì sợ không kịp.


GIẢI PHÁP HẠN CHẾ NGỌC ĐIỂM RỚT LÁ CHÂN
1. Trong suốt quá trình chăm sóc từ sau khi cây lan tàn hoa 1 tháng (sau khi hoa tàn, lan đơn thân thường có 1 tháng ngủ nghỉ) ta cố gắng chăm bón thật cân đối giữa các chất Đạm, Lân, Kali kết hợp các yếu tố Trung Lượng (Canxi, Magie, Lưu Huỳnh) và Vi Lượng (Sắt, Mangan, Kẽm, Đồng, Molypđen, Bo, Clo).
Ví dụ cụ thể như này (tính theo lịch âm):
✓ Ngọc điểm ngày 1/1 âm lịch nở hoa.
✓ Tạm tính là hoa nở 1 tháng bạn cắt hoa và chỉ tưới nước, không phân cho nó ngủ tới hết tháng 2.
✓ Từ 1/3 ta phun NPK+TE (20-20-20+TE) luân phiên với chế phẩm Hùng Nguyễn hoặc Chiết suất tảo biển,… cộng phân bón lá trung lượng.
✓ Cứ phun như vậy 7-15 ngày 1 lần và 2 tháng phun nước vôi trong 1 lần hoặc siêu canxi 1 lần.
✓ Tới giữa tháng 8 hoặc 1/9 ta sẽ chuyển hoàn toàn sang 6-30-30+Te hoặc 10-30-30+Te hoặc 6-31-31+Te (nói chung là lân và kali cao) tuần phun 1 lần. Kết hợp Nano kẽm hoặc Nano đồng 15-20 ngày 1 lần.
✓ Khi chưa có nụ thì ta phun ướt đẫm rễ, thân, lá. Bắt đầu từ giữa tháng 9 hoặc đầu tháng 10 nụ sẽ nhú ra (cây ngậm nụ 80-110 ngày tùy nhiệt độ, độ to của cây, độ sung của cây,…), bấy giờ ta hạn chế phun vào nụ mà chỉ nên phun vào lá và rễ.
✓ Giai đoạn tạo nụ và nuôi nụ là giai đoạn dễ mất lá chân nhất, bạn phải hiểu là em nó lúc này rất cần lân và kali, giống như bà bầu cần sắt vậy đó. Khi lá đã vàng rồi mới phun thì đã muộn, bạn nên có sự chuẩn bị trước.
✓ Tới tháng 12 thì ngừng phân luôn.
✓ Nếu bạn cứ thích chạy đua theo số lượng lá mọc mới mỗi năm, bón thật nhiều đạm vào (30-10-10 chẳng hạn), thì tới khi nó nhú nụ, khả năng tuột lá chân hơi cao đấy nhé!
✓ Đấy! Lý thuyết thật loằng ngoằng và phức tạp, chắc chỉ 2% người chơi làm được như thế. Phân có thể khác tên thương mại nhưng tỉ lệ chất thì nên như thế. Tóm lại là bạn muốn sau 10 năm có 1 cây ngọc điểm với 30 cặp lá không mất cái nào thì điều kiện cần là phải như thế (chưa đủ đâu nhé).
✓ Các giống lan khác cũng tương tự vậy thôi bạn. Chỉ khác 1 xíu ở chỗ Ngọc Điểm thì KHÔNG CẦN CẮT NƯỚC ĐỂ KÍCH HOA. Các giống như Sóc Lào, Đuôi Chồn, Sóc Ta,… thì khi cắt nước nhớ quan sát lá liên tục, đừng ép quá dưới trời nắng rớt hết lá.
2. Phun Siêu kẽm để lan chịu được nóng hoặc rét. Đặc biệt mùa đông cần phun kẽm và nano đồng vào mùa thu để mùa đông đến, lan không bị sốc.
3. Phun siêu lân (10-60-10+Te) và canxi để lan phát triển tối đa bộ rễ, làm rễ phân nhánh. 1 cây lan với 6 cái lá thì ít ra cũng phải có 3-6 cái rễ dài bằng cái lá mới tạm ổn.
4. Lan đơn thân RẤT GHÉT THAY GIÁ THỂ. Bạn nên ghép vào Lũa thật cứng hoặc Chậu Sành, chậu đất nung tráng men,… Bạn nghiên cứu làm sao mà không bao giờ cần thay giá thể là tốt nhất.
5. Khi độ ẩm không khí xuống thấp, hanh khô bạn nên hạ giò lan xuống sát mặt nước hoặc mặt đất, đào hào đổ đầy nước, che bớt gió và nói chung là vắt óc nghĩ cách làm thế nào để độ ẩm không khí cao lên cỡ 80-90%.

Chúc các bạn thành công!