Bỏ nghề sửa điện tử, trồng lan thu hàng trăm triệu

Từ niềm đam mê lan, ông Bùi Minh Ngọc (còn gọi là Tám Ngọc, ngụ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) đã tận dụng khoản đất nhỏ của mình trồng nhiều loại lan với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không những vậy, ông còn tận tụy truyền dạy nghề cho các nông dân khác để cùng nhau phát triển loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này.  

Khởi nghiệp từ nghề sửa điện tử

Nhắc đến ông Tám Ngọc, người trồng lan tại TP.HCM không còn xa lạ, bởi ông được xem là một trong những nghệ nhân có “kinh nghiệm đầy mình” ở trong nghề. Hơn 30 năm trong nghề trồng lan, ông đã nhân giống được nhiều giống lan quý, đồng thời truyền dạy nghề cho hàng trăm nông dân. Nhưng ít người biết được rằng xuất thân của ông không phải là nông dân và vườn lan của ông cũng không rộng lớn như những vườn lan khác tại đất Sài thành.


Nghệ nhân Tám Ngọc bên vườn lan của gia đình.  

Ông Tám Ngọc kể, trước đây ông làm nghề sửa điện tử nhưng rất thích trồng hoa, cây cỏ, nhất là đối với cây hoa lan. Cứ mỗi dịp vào trung tâm thành phố ông lại ghé vào khu vực công viên Hoàng Văn Thụ để mua vài chậu lan về trồng. Nghề trồng lan đến với ông chỉ là tình cờ, đó là vào năm 1983, trong một lần đi đám cưới ông thấy người ta dùng lan để trang trí nên nghĩ ngay đến việc trồng hoa lan để phục vụ cho những đôi uyên ương xây tổ ấm.

Nghĩ là làm, ông bắt đầu tìm kiếm tài liệu về trồng hoa để nghiên cứu, đồng thời ông cũng tìm gặp những người đi trước để học hỏi kinh nghiệm về nghề trồng lan. Những chậu hoa lan trong vườn, ông mua về trước đây được ông mày mò nhân giống thêm. Chính vì thế mà số lượng lan ở trong vườn không ngừng được gia tăng về số lượng. Nhờ được chăm sóc tỉ mỉ, công phu nên vườn lan nhà ông phát triển tươi tốt, cho ra hoa đẹp. Sau đó tiếng lành đồn xa, thương lái đến tận vườn ông thu mua sản phẩm. Từ đây ông quyết định bỏ nghề sửa điện tử chuyển qua trồng lan.

Mặc dù diện tích khu vườn chỉ 110m2 nhưng ông khéo léo sắp xếp thành nhiều tầng và trồng được khoảng 2.000 chậu lan. Do diện tích nhỏ nên tại khu vườn này ông chỉ trồng toàn những loài lan cao cấp, có giá trị kinh tế cao như cát lan gia, hồ điệp, vũ nữ, dendro… Ông Tám Ngọc cho biết, mỗi tháng ông thu về hàng chục triệu đồng từ việc bán cành và bán cây giống. Sản phẩm hoa lan của ông được khách chuộng nên không lo về đầu ra.

Tích cực hỗ trợ người trồng lan

Khi thành công với hoa lan, ông không giấu nghề mà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân khác. Bất cứ ai hỏi về kỹ thuật trồng lan đều được ông tận tình chỉ dẫn. Những năm qua vườn lan của gia đình ông vì thế trở thành nơi được nhiều nông dân trong và ngoài thành phố đến trao đổi học tập kinh nghiệm. Đến đây các nông dân được ông chỉ dẫn tận tình và thực hành ngay trên cây.

Ông còn thường xuyên hỗ trợ về khoa học kỹ thuật cho khoảng 150 nông dân trồng lan. Từ mô hình trồng lan của bản thân đã nhân rộng nhiều mô hình trồng lan khác trên địa bàn phường.

Bên cạnh đó ông tích cực tham gia giảng dạy trong các lớp dạy nghề miễn phí cho nông dân tại địa phương. Đặc biệt với những kinh nghiệm và thành quả đạt được trong nghề, nghệ nhân Tám Ngọc được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thành phố mời giảng dạy các lớp đào tạo nghề cho nông dân. Đến nay ông đã dạy được cho hàng chục lớp nghề trồng lan, từ các lớp dạy nghề này nhiều học viên đã thành công với nghề. Theo ông, nghề này giúp ông có cuộc sống ổn định, lại được giúp đỡ người khác đó là niềm vui.

Nghệ nhân Tám Ngọc cho biết nghề trồng lan phù hợp với xu hướng nông nghiệp đô thị của thành phố, những nhà có diện tích đất nhỏ vẫn có thể trồng được. Tuy nhiên bên cạnh kỹ thuật trồng, nông dân cũng cần chủ động lên mạng tìm kiếm, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo ông ngoài việc truyền dạy nghề, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu nhân giống các loại lan mới để cung cấp cho thị trường.

Theo Hội Nông dân TP.HCM, ông Bùi  Văn Ngọc là nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi cấp thành phố trong nhiều năm liền và có nhiều đóng góp giúp nông dân phát triển nghề trồng hoa lan. Bản thân ông từng nhận được nhiều bằng khen của Hội Sinh vật cảnh Trung ương, của UBND thành phố và các cấp Hội Nông dân.

(Dân Việt)