Bạn đã biết trồng lan đúng cách?

Trồng lan tưởng dễ mà khó, tưởng khó mà hóa dễ. Những người mới bắt đầu tập tành trồng lan thường sẽ dựa vào những kinh nghiệm trồng một loại lan áp dụng trồng cho tất cả loại lan. Đến khi trồng không sinh trưởng phát triển tốt lại tả hỏa khi biết rằng mình đang trả giá quá mắc khi vừa tốn công chăm sóc lại còn tốn cả một giò lan mình yêu quí. Vì vậy bài viết dưới đây sẽ tổng hợp lại những sai lầm mà mọi người đã mắc phải để chúng ta tránh phạm sai lầm.

Trồng lan

Những điều nên làm trước khi bắt đầu trồng một giò hay một vườn lan

Tìm hiểu thật kỹ về tên hay nguồn gốc: Điều này giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quan về hình thái của lan hay đặc điểm sinh thái để từ đó chúng ta tạo ra một môi trường gần như môi trường tự nhiên ở rừng hoặc nơi mà giống lan đó có thể sinh trưởng và phát triển tốt

 

Tìm hiểu thật kỹ về quá trình phát triển và các đặc điểm phát triển của cây để từ đó chúng ta biết thật rõ về loại cây mà chúng ta đangg chăm sóc. Từng giai đoạn phát triển, từng thời kỳ ngủ nghỉ hay cách để lan đó tạo ra những mầm hoa để chúng ta có thể chăm sóc chúng một cách tốt nhất vì mỗi loài lan đều có những đặc điểm riêng biệt

Trồng lan

Tìm hiểu kinh nghiệm từng những người đã trồng thành công loại giống đó để hạn chế rủi ro trong quá trình chúng ta chăm sóc

 

Tìm hiều về giá trị tinh thần cũng như kinh tế của loại lan đó mang lại

 

Trồng như thế nào là đúng cách

Trồng lan


Trồng lan quá CHẶT và quá sâu. Khi trồng lan vào chậu, vì sợ cây lan đổ, ngả nghiêng nên ta cố gắng nhét thật nhiều chất trồng vào chậu và nèn gốc lan thật chặt. Hậu quả là lan chết úng, rễ không phát triển được, mầm không đâm lên được. Khắc phục: Làm thêm vài thanh tre hoặc gỗ cắm vào chất trồng và cột 1 đầu vào sợi móc treo, sau đó cố định giả hành hoặc cây lan vào thanh tre.

 

Không xử lý giá thể. Sai lầm này thường gặp nhất, bạn quá chủ quan vì cho rằng không cần xử lý vẫn ổn. Ví dụ lũa không rửa sạch và không dùng bàn chải sắt đánh sạch sẽ làm rễ lan bám không chắc hoặc không bám được, hoặc cục lũa quá khô mà bạn không ngâm nước 1-2 ngày mà ghép ngay, giả hành hoặc cây lan của bạn sẽ bị mất nước do chính cục lũa mà bạn ghép. Hoặc dớn không ngâm vôi trung hòa acid hay luộc thì sau này cỏ dại sẽ mọc lên rất nhiều, bên cạnh đó còn mầm bệnh, côn trùng phá hoại, ốc sên… trong giá thể sẽ phá hoại bộ rễ lan và mầm non của bạn…..

Trồng lan

Dùng quá nhiều kim loại để ghép lan như cột bằng dây thép, bắn quá nhiều ghim, đóng đinh to… sẽ làm đụt đầu rễ cây lan khi rễ bò tới chạm vào kim loại, kim loại sẽ làm xước thân lan hoặc giả hành tạo cơ hội cho nấm khuẩn xâm nhập.

 

Khi ghép lan, vì thấy rễ giả hành mẹ, bà hoặc rễ cây lan còn tươi mà bạn giữ lại quá nhiều hoặc thậm chí không cắt tỉa mà ghép luôn. Lan của bạn sẽ rất khó để bám được vào giá thể hoặc ra rễ mới. Đằng nào thì mấy cái rễ này cũng sẽ khô và chết đi, vì thế bạn nên cắt tỉa hết đi rồi hãy ghép. Có 1 nguyên tắc nữa là phải giữ gốc lan không bị lung lay xê dịch khi tưới hoặc có gió, làm như vậy lan mới mau ra rễ và bám vào giá thể.

 

Ghép quá dày với nhiều cây lan um tùm trên 1 giá thể nhỏ để tạo sự hoành tráng vào đẳng cấp. Đối với nghệ thuật Bonsai yêu cầu Cổ – Kỳ – Mỹ, thì với Lan cũng yêu cầu tương tự. Khi cây trên cùng bị bệnh, sẽ chảy nước nhiễm bệnh xuống kéo theo cả giò bệnh. Khi cây trong cùng ra hoa, cây ngoài lấp mất vòi hoa sẽ không thưởng lãm được. Khi cây trên ra rễ, rễ phủ qua ngọn cây dưới làm ngọn và lá cây dưới con queo… Vậy nên bạn nên ghép THOÁNG và tính toán trước đường đi của rễ và hướng vòi hoa để bố trí cho hợp lý. Ghép các cây lan không cùng tuổi, không cùng kích thước vào 1 giò và ghép sai giá thể

 

Treo lan trong vườn lộn xộn, không chia khu cho loại lan, tuổi lan nên hiệu quả chăm bón giảm nhiều. Ví dụ giống lan cần nhiều nắng như Dendro, Giả Hạc thì treo tầng dưới, Ngọc Điểm treo tầng trên, hoặc treo lẫn lộn cùng nhau đều là sai lầm thường gặp.

Trồng lan

Bón phân và phun thuốc như thế nào cho lan là đúng?

Bón phân quá nhiều. Thừa phân lan sẽ chết! Vậy thà thiếu hoặc không bón thì còn hơn.

 

Bón phân chuồng mà không ủ sẽ mang mầm mống bệnh, côn trùng và cỏ dại cho giò lan

 

Trộn nhiều loại phân khác tên mà cùng thành phần với nhau. Lãng phí, dư thừa và hại cho lan. Vậy nên các bạn phải học cách đọc thành phần trên bao bì. Tên sản phẩm có khi khác nhau, nhưng thành phần thì giống nhau ví dụ chai thì ghi là THIAMINE, chai thì ghi là Vitamin B1. Thật ra 2 cái này là 1.

 

Trộn phân và thuốc nấm, vi khuẩn rồi phun. Theo nguyên tắc, lan bệnh thì ngưng bón phân. Nếu lan không bệnh thì cũng nên phun riêng để tránh quá tải cho cây và phân thuốc trung hòa lẫn nhau làm giảm hiệu quả. Cách nhau tốt nhất là cách nhau trên 2 ngày.

Pha phân thuốc nhiều loại 1 lần nhưng phun không hết cất đi mấy hôm sau phun tiếp, thuốc sẽ biến chất

và gây hại cho cây, hoặc thấy còn dư thì phun lại cho lan lần nữa (nguyên tắc phun phân chỉ đi 1 lượt không đc quay lại trong 1 lần phun). Và có những loại thuốc trộn với nhau sẽ gây kết tủa hoặc trung hòa mất hoạt tính, vậy nên bạn hãy hỏi người bán trước khi pha trộn thuốc với nhau.

 

Dùng sai thuốc khi chữa bệnh cho lan. Lan bị thối nhũn do vi khuẩn mà xịt thuốc nấm và ngược lại.

 

(Theo Nông nghiệp phố)