5 mẹo đơn giản chăm sóc lan Hồ Điệp

Với người trồng lan chuyên nghiệp, nhân giống lan Hồ Điệp mới khó, còn việc chăm sóc thì dễ như “trở bàn tay”. Tuy nhiên, nếu là người trồng lan nghiệp dư, bên cạnh các nguyên tắc, lý thuyết cứng nhắc, quá trình trồng và chăm sóc lan Hồ Điệp cần vận dụng 5 mẹo vặt dưới đây.

Thứ nhất, trong điều kiện trồng thiếu thốn phương tiện và kỹ thuật, nên hạn chế trồng lan Hồ điệp với rêu. Nguyên nhân là do rêu dễ mục, dễ thối rửa, tối đa 1 năm phải thay 1 lần. Còn khi trồng với số lượng lớn, quy mô, đủ trang thiết bị thì trồng với rêu sẽ giúp duy trì độ ẩm cần thiết cho lan, chỉ cần tưới nước 2 tuần 1 lần là đủ.


Thứ hai, nếu trồng lan Hồ điệp trên vỏ cây thì chỉ tưới nước khi vỏ cây thật khô. Mỗi lần tưới thật đẫm để nước có thể ngấm sâu vào lõi vỏ cây, nếu tưới ít, vỏ cây mau khô, không duy trì được độ ẩm cần thiết cho lan. Bên cạnh đó, không tưới trực tiếp lên lá vì nước đọng trên lá có thể khiến lá bị úng.

Thứ ba, để hoa lan lâu tàn, nhiều người áp dụng thủ thuật cho nước đá lạnh vào chậu. Tuy nhiên, cách này lại không phù hợp với lan Hồ điệp bởi chúng không ưa lạnh, khiến rễ bị đông cứng, không thể hút nước được. Nước đá lạnh cũng là nguyên nhân khiến hoa lan Hồ điệp chóng tàn và dễ rụng nụ.

Thứ tư, chỉ bón phân khi cây lan Hồ điệp đủ rễ và rễ mọc mạnh. Nếu không đủ rễ, cây sẽ không hấp thụ phân bón, việc bón phân coi như lãng phí. Nên bón phân với liều lượng hợp lý, mỗi lần chỉ bón ¼ – ½ muỗng cà phê để tránh hiện tượng cháy đầu rễ.
Cuối cùng, Thứ 5 là không đặt chậu lan Hồ điệp ở khu vực bếp vì lan rất nhạy cảm với mùi ga, mùi dầu mỡ. Đó là chưa kể quá trình tắt, mở bếp liên tục khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột, có thể gây ra tình trạng sốc nhiệt trên cây lan Hồ điệp.

Trên đây là 5 mẹo vặt khi trồng và chăm sóc lan Hồ điệp. Nếu tuân thủ, bạn sẽ sở hữu những chậu lan Hồ điệp đẹp và như ý, thỏa mãn nhu cầu thưởng ngoạn.