Top 10 loài lan đẹp và dễ trồng

Lan là loài thực vật nhiệt đới với khả năng sống bám vào những thân cây lâu năm một cách mạnh mẽ. Chính sự đa dạng giống loài, mỗi loài mang một vẻ đẹp đặc trưng nên hoa lan khá được ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh những giống lan “khó tính, kén chọn” môi trường sống thì top các giống lan dưới đây được cho là dễ trồng và cho hoa đẹp.

1. Lan Cattleya

Lan Cattleya hay Cát lan được mệnh danh là “hoàng hậu” của các loài lan bởi vẻ đẹp sang trọng, kiêu kỳ và quý phái. Đặc trưng của lan Cattleya là ưa ẩm, ưa mát nhưng chịu được nóng. Vì thế, chúng khá được ưa chuộng ở Việt Nam bởi hoàn toàn thích nghi tốt với điều kiện thời tiết và khí hậu nước ta.
Khi chăm sóc lan Cattleya, lưu ý là không tưới nước nhiều vì bộ rễ của chúng có khả năng dự trữ nước tốt. Lan Cattleya đẹp kiêu sa, đài cát, hương thơm nồng nàn nhưng hoa lại nhanh tàn. Đây quả thực là một điều đáng tiếc của giống lan hoàng gia này.

2. Lan Hồ điệp

Lan Hồ điệp có hình dáng cánh hoa tựa cánh bướm đang bay lượn. Trong tự nhiên, lan Hồ điệp thường sống trên thân cây và đá với nhiệt độ ban ngày khoảng 18 – 29 độ C và ban đêm khoảng 13 – 18 độ C. Và vì điều kiện sinh trưởng này mà lan Hồ điệp cũng là loài lan dễ trồng.
Thời điểm nở hoa của lan Hồ điệp là từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Vẻ đẹp của hoa cộng với thời gian nở hoa kéo dài khiến lan Hồ điệp được nhiều gia đình lựa chọn để chơi Tết.

3. Lan Vũ nữ

Có thể nói, lan Vũ nữ là loài lan dễ trồng nhất trong các giống lan. Sở dĩ có tên Vũ nữ là vì hình dáng hoa y hệt những cô nàng vũ công múa ba lê mềm mại, duyên dáng và cuốn hút. Không chỉ dễ chăm sóc, lan Vũ nữ còn ít bị sâu bệnh nên đây là giống lan được ưa chuộng hàng đầu tại Việt Nam.
Thời điểm nở hoa của lan Vũ nữ là mùa xuân và mùa hạ. Cá biệt một số giống nở hoa vào mùa thu với đặc trưng rất ưa ẩm, nhiệt độ từ 20 – 25 độ C và cần ít nước.

4. Lan Ngọc điểm

Lan Ngọc điểm được tìm thấy khá nhiều ở Việt Nam, nhất là vùng cao nguyên Nam Trung bộ. Việc trồng và chăm sóc lan Ngọc điểm không quá khó khăn, chỉ cần đảm bảo bộ rễ thật khỏe mạnh thì cây sẽ tăng trưởng tốt.
Vẻ đẹp của lan Ngọc điểm đến từ những chùm hoa dày đặc hoa với màu sắc bắt mắt và hương thơm nhẹ nhàng. Thời điểm nở hoa của lan Ngọc điểm rơi vào Tết nên càng gia tăng giá trị và sự yêu thích ở loài lan này.

5. Lan Vanda

Nếu bạn là người chịu khó học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan thì lan Vanda không hề làm khó bạn. Quá trình chăm lan Vanda đòi hỏi bạn phải cung cấp nhiều nước, nhất là vào mùa hè bởi lan Vanda rất thích nước. Đồng thời, bổ sung thêm cỏ khô hoặc xơ dừa vào chậu để giữ độ ẩm cho cây.
Đặc trưng của lan Vanda là cánh hoa dày tròn, màu sắc sặc sỡ, dáng hoa yêu kiều. Bất cứ ai nhìn vào hoa cũng mê mẩn và bị cuốn hút không thể rời mắt.

6. Lan Phi diệp tím

Còn gọi với cái tên phổ biến là lan Giả hạc. Đây là giống lan rừng nổi tiếng với hương thơm rất đặc trưng (ngọt ngào, nồng nàn). Lan Phi diệp tím chịu được nóng và lạnh nên quá trình chăm sóc không quá khó khăn, phức tạp, chỉ cần cung cấp ánh sáng đầy đủ và tưới nước thích hợp để cây ra hoa đúng mùa.
Vẻ đẹp của lan Phi diệp tím đến từ sự đậm nhạt của màu tím (tím hồng, tím thẫm, tím trắng) và hoa nở buông thỏng xuống một cách tự nhiên. Thời gian hoa nở kéo dài khoảng 7 – 10 ngày với hương thơm lan tỏa khắp khu vực trồng.

7. Lan Hài

Lan Hài không chỉ được ưa chuộng ở Việt Nam mà còn được cả thế giới yêu thích bởi tổng thể phối màu hoa rất đặc biệt. Đó là màu xanh lục của lá đài, màu tía pha tím của cánh hoa, màu tía nâu của môi (nhạt dần từ trước ra sau), dải lông trắng ở giữa và mép cuộn lại.

Có khoảng 10 loài lan Hài được tìm thấy ở Việt Nam với điều kiện sinh trưởng là ưa ẩm, nhiệt độ ban ngày từ 21 – 29 độ C, ban đêm từ 10 – 16 độ C, chịu nước nhưng không chịu úng. Lan Hài tuy lâu ra hoa nhưng mỗi lần ra là kéo dài rất lâu.

8. Lan Dendro

Là giống lan có nguồn gốc từ Thái Lan nhưng được trồng nhiều ở Việt Nam. Chúng ưa ẩm và nhiệt độ cao, khoảng 27 – 32 độ C vào ban ngày và 16 – 18 độ C vào ban đêm. Hoa nhiều màu sắc, thường được trồng trong chậu và treo ở sân thượng, ban công, hành lang,… với mục đích trang trí.

9. Lan Chu đinh

Lan Chu đinh được trồng thành từng bụi, từng khóm ở những nơi râm mát trên mặt đất hoặc trồng trong chậu rồi treo lên để trang trí. Quá trình trồng cần tưới nước nhiều và cắt tỉa thường xuyên (lá, cành, hoa tàn) để chậu lan luôn khỏe và đẹp. Lan Chu đinh có nhiều màu nhưng được yêu thích nhất là màu tím.

10. Lan Cẩm cù

Lan Cẩm cù nở hoa thành chùm tròn, hoa hình ngôi sao với các màu trắng, đỏ, hồng và hương thơm dễ chịu. Hoa không chỉ đẹp, lâu tàn mà còn có ý nghĩa phong thủy khá tốt, mang đến sự tốt lành và sức sống mãnh liệt. Cây ưa ẩm nhưng chịu được hạn, vì thế cần lưu ý tưới nước theo mùa để tránh tổn hại đến cây.

Nếu là người mới bắt đầu chơi lan thì lan Cẩm cù chính là sự lựa chọn hợp lý nhất bởi cây dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và sức sống cao.

(Lê Trinh)