Kinh nghiệm chọn giống, trồng và chăm sóc phong lan trầm tím

– Về giống:
Trên thị trường hiện nay có 2 dòng chủ yếu là trầm rừng và các loại trầm lai tạo của Đài Loan, Thái Lan hay của Trung Quốc. Dù là loại trầm nào thì đặc tính cây cơ bản là giống nhau nhưng về mặt hoa, màu sắc khá phong phú, độ tím đậm nhạt, mắt – môi- lưỡi- mũi…cũng khá đa dạng.

Chơi loại trầm nào thì tùy sở thích của mỗi người.
Lựa chọn giống: Bạn có thể mua hàng kg hoặc giò trầm đã trồng thuần. Nhưng hàng nào thì cũng nên chọn loại thân to dài mập, khỏe mạnh. Một chân lý rất đơn giản là “bố mẹ chim chích hiếm khi đẻ ra những đứa con gà tây”. Bố mẹ to dài thì thường con cũng sẽ to dài. Những thân trầm giống béo mập sẽ là nguồn dinh dưỡng dồi dào để nuôi những đứa con lớn nhanh khỏe mạnh. Với các bạn mới tập chơi nên mua những giò người ta đã trồng thuần 1- 2 năm, giò trầm đã phát triển ổn định. Như thế khâu chăm sóc sẽ đơn giản hơn rất nhiều và cảm xúc cuộc chơi được kéo dài.

Chọn giống trồng phải chọn thân to-dài-mập- khoẻ để cây sinh trưởng phát triển tốt và sai hoa.
Nếu mua hàng kg thì bạn nên chọn mua theo “giề”, tức là có nhiều thân liền nhau trong 1 cụm. Sau này khi phát triển thành giò to sẽ có sự đồng nhất liền lạc giữa các thân trầm trong 1 giò.

– Về giá thể:
Bạn có thể ghép lên gỗ lũa, lên bảng dớn, trồng trong chậu nhựa, chậu gỗ hoặc chậu đất nung tùy sở thích và môi trường khí hậu nơi bạn trồng.Trồng chậu có ưu điểm là gọn nhẹ, dễ bê đi mang lại trưng bày thưởng lãm…khâu chăm sóc tưới nước bón phân cũng đơn giản hơn so với ghép lên gỗ lũa. Đối với phong lan trầm tím là loại rất thích hợp khi ghép lên gỗ lũa, vì giò lan mang tính tự nhiên, đậm chất “rừng” của loài phong lan này. Nếu chọn ghép lên lũa bạn nên chọn những loại gỗ bền bỉ với thời gian, mang hình dáng đẹp để tăng độ thẩm mĩ của giò lan. Nếu trồng chậu thì giá thể thích hợp là vỏ thông, sơ dừa, than củi, đá bọt…giá thể nào cũng được, trầm vốn là một loại lan dễ tính ở khâu giá thể.

Trầm tím thích nghi khá tốt với mọi môi trường sống.

Trầm tím là loại phong lan ưa nắng, ưa nước, độ ẩm cao.
Trầm tím là loại phong lan ưa nước, độ ẩm cao. Cây cần rất nhiều nước trong mùa tăng trưởng. Cung cấp đủ nước cho cây là điều kiện quan trọng thứ 2 để cây to- dài- mập. Ẩm độ từ khoảng 70 đến 90% là lý tưởng. Độ ẩm nên được duy trì thường xuyên liên tục cả ngày. Thực tế thì vào mùa tăng trưởng cây cần ẩm cao hơn cả lan phi điệp.
Lưu ý là giữa nắng và nước luôn tỉ lệ thuận với nhau. Nắng nhiều thì nước nhiều, nắng ít thì cây cần nước ít. Bạn nên theo dõi giò lan của mình để điều chỉnh lượng nước tưới sao cho phù hợp. Tránh trường hợp nắng nhiều mà nước ít hoặc thiếu nắng, ít nắng mà giò lan lúc nào cũng ướt sũng. Không sớm thì muộn cũng dẫn đến thối thân thối rễ.

– Về ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm:
Trầm là một loại phong lan ưa nắng, trừ nắng oi ả buổi trưa thì nó có thể chịu nắng trực tiếp cả ngày. Đủ nắng là điều kiện đầu tiên để cây có thể phát triển mạnh mẽ, thân to- dài- cứng- mập, ít bệnh tật. Thiếu nắng cây sẽ còi cọc mềm yếu, thân lá cong queo và đến mùa hoa cũng sẽ lèo tèo. Nhiệt độ ưa thích của phong lan trầm là từ khoảng 20 độ cho đến 35 độ C. Đây là nhiệt độ lý tưởng để trầm phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên trên thực tế giống trầm rừng còn có khả năng chịu nóng rất tốt. Ngay cả môi trường ban công- sân thượng có nhiệt độ mùa hè thường xuyên lên đến 38-40 độ cây vẫn phát triển xanh tốt.

Giò lan trầm tím đẹp của bác Nguyễn Thành Tuyên.
– Về phân bón:
Trầm là loại phong lan khá phàm ăn. Nên cung cấp dinh dưỡng thường xuyên liên tục trong mùa tăng trưởng cho cây. Tất nhiên liều lượng phải hợp lý. Thừa phân không bao giờ là tốt cho phong lan. Trên thực tế, có nhiều bạn trồng lan cây không sống được là do 2 lý do chủ yếu: 1 là thừa nước, 2 là thừa phân. Các nguyên nhân khác khiến cây khô héo cũng không phải là ít nhưng gốc của vấn đề vẫn là thừa nước, thừa phân. Thừa 2 thứ này sẽ là nguồn gốc khiến cây suy yếu, dẫn đến đủ loại bệnh tật.

Mặt hoa trầm tím tuyệt đẹp của bác Nguyễn Thành Tuyên.

Phân bón gốc bạn có thể sử dụng nguồn phân hữu cơ như trâu, bò, dê, cá, dơi, rong biển, dịch chuối….có gì dùng nấy. Các loại phân của động vật ăn cỏ cần được xử lý kĩ, ủ thật hoai trước khi sử dụng. Phân động vật thường chứa nhiều mầm bệnh, các loại nấm khuẩn, hạt cỏ dại, trứng sên nếu không được xử lý kỹ. Các bạn nên cân nhắc khi sử dụng.
Ngoài phân bón gốc thì thi thoảng người chơi lan cũng nên sử dụng B1 và phân bón lá cho cây. Chu kỳ tầm 10 đến 15 ngày 1 lần. Các loại phân bón lá nguồn gốc vô cơ nên pha loãng hơn hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Các loại  phân bón qua lá chuyên dùng cho phong lan như Đầu trâu – HPV – Growmore dùng khá tốt, giá thành rẻ, dễ tìm mua. Các loại phân bón này cũng bổ sung thêm trung vi lượng cho cây.
Tốt nhất bạn nên sử dụng phân chậm tan (phân chì Nhật hoặc phân vàng Mỹ) để bón gốc cho cây. Phân bón qua lá thường sử dụng dịch chuối và thi thoảng phun bổ sung thêm B1 và phân bón lá Đầu trâu.

 

Những giò trầm tím xanh tốt, to khỏe của bác Nguyễn Thành Tuyên.

(Tổng hợp)