Khởi nghiệp từ mô hình trồng hoa lan – hướng đi trong sản xuất nông nghiệp

Mô hình trồng hoa phong lan của anh Nguyễn Nhật Hoàng Nhân, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây là một điểm sáng trong hoạt động phát triển nông nghiệp, bởi trồng lan không cần diện tích đất lớn song vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội về giá trị kinh tế, mô hình trồng hoa phong lan còn thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Anh Nhân (bìa phải) giới thiệu các dòng lan.

Duyên nợ với hoa lan

Đam mê sinh vật cảnh, nhất là loài hoa phong lan, anh Nhân đã chọn cho mình hướng khởi nghiệp phát triển sau vài năm xuất ngũ trở về địa phương. Anh Nhân cho hay, trong những năm đi nghĩa vụ quân sự ở Tiểu đoàn 26, Bộ Tham mưu Quân đoàn 4, qua những lần chăm sóc cây cảnh, trong đó có hoa lan của đơn vị, anh Nhân càng thêm yêu thích. Thế nên, sau khi xuất ngũ anh luôn ấp ủ dự định khởi nghiệp với hoa phong lan.

Anh Nhân chia sẻ: “Tôi bắt đầu với công việc kinh doanh, trồng hoa lan từ năm 2016. Tôi dành thời gian tự tìm hiểu thông qua bạn bè, mạng xã hội, Internet. Lúc ban đầu livestream chỉ có vài lượt xem, vì fanpage không có nhiều người theo dõi. Tôi cũng gặp vài rắc rối khi giao hàng vì khi vận chuyển hoa đến cho khách thì héo, gãy. Sau nhiều lần như thế, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm, biết cách đóng thùng giao hàng đi khắp cả nước, hoa đến tay khách vẫn tươi, đẹp, cây khỏe”.

Theo anh Nhân, trong quá trình lan phát triển cho đến lúc xuất bán, từng chậu lan sẽ được theo dõi sát sao các yếu tố kỹ thuật như: nhiệt độ, độ ẩm, phân bón và nước tưới để đảm bảo không bị dịch bệnh và phát triển tốt. Tùy từng loại lan mà cách chăm sóc có thể thay đổi khác nhau, mặt khác do được trồng trong điều kiện môi trường thuận lợi nên hoàn toàn có thể chủ động để nhân giống, nhất là các dòng lan chớp, lan rừng, lan lá kẻ…, nhằm duy trì các dòng lan quý hiếm, độc đáo.

Hiện anh Nhân sở hữu 2 vườn lan xanh mướt; trong đó, 1 vườn lan với diện tích 120m2 chuyên trồng Catteya, Dendro chớp. Ðây là giống hoa lan đột biến của dòng hoa lan Dendro và có giá trị cao. Hiện nay, anh đã nhân giống và sở hữu hơn 3.000 cây hoa lan Dendro chớp với các dòng hiếm, như: lửa rồng, vàng đỏ xưa, thiên long, cam lửa… với trên 600 chậu và 1 vườn lan có diện tích 80m2 chuyên trồng các dòng lan Hoàng Nhạn, Phi Điệp, khoảng trên 100 chậu. Hai vườn lan đều được anh Nhân bố trí khoa học theo từng khu, ngăn nắp, theo độ tuổi của từng loại lan.

Gần 8 năm nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng lan khắp nơi, bằng sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, nuôi ước mơ làm giàu từ hoa lan, anh Nhân đã dần tạo thương hiệu cho vườn lan của mình.

Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp

Trước tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, thì việc không trồng trọt trực tiếp vào đất mà sử dụng khoảng không để canh tác là hướng đi mới mang lại hiệu quả cao, tránh được các loại bệnh có hại đang tồn tại trong đất. Đồng thời, hiện nay, nhu cầu, sở thích về tinh thần của con người ngày càng cao nên hướng tới những loài hoa vừa đẹp, vừa quý và vừa có giá trị.

Để xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, anh Nhân còn nhạy bén livestream giới thiệu hoa lan, thông qua mạng xã hội facebook, zalo, website để kinh doanh, vừa thỏa niềm đam mê, vừa phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, anh chia sẻ cách làm và liên kết với những người trồng lan trong vùng, với mục tiêu xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nâng cao thu nhập và đã vừa thành lập Tổ hợp tác Hoa lan Gò Công Tây.

Anh Nhân bộc bạch: Mỗi loại lan có những đặc tính khác nhau, người trồng phải nắm rõ và có cách chăm sóc phù hợp cây mới phát triển tốt và cho hoa đúng thời điểm. Ngoài ra, anh luôn tìm hiểu trên mạng về kỹ thuật nhân giống, lai tạo để tạo ra những giống lan đột biến mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Huỳnh Thanh Hồ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh Nhựt cho biết: Mô hình trồng hoa phong lan của anh Nhân là mô hình phù hợp với những hộ dân có diện tích đất ít, ngoài mang lại giá trị kinh tế cho gia đình, mô hình đã góp phần tạo hướng đi mới cho nông nghiệp nông thôn. Đối với anh Nhân, ngoài là một nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi, anh luôn tích cực, hăng hái tham gia các phong trào hoạt động của tổ chức hội, nhiệt tình ủng hộ tinh thần, vật chất hỗ trợ nông dân, thanh niên nông thôn khó vươn lên thoát nghèo… Anh là một điển hình cho nhiều thanh niên, nông dân ở xã Thạnh Nhựt và huyện Gò Công Tây học tập và quyết tâm làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Với phương châm đẩy mạnh liên kết, tạo ra vùng sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm và đặc biệt đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thưởng lãm của người yêu hoa lan, anh Nhân cùng với thành viên trong Tổ hợp tác sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao mô hình trồng lan cho các bạn trẻ khởi nghiệp, nông dân,… trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thơm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Công Tây đánh giá: Mô hình trồng, tạo tác phẩm, bán hoa lan trực tuyến của anh Nhân là mô hình mới ở huyện Gò Công Tây. Điểm khác biệt của vườn anh Nhân so với những vườn khác trên địa bàn là tạo ra các chậu lan ghép gỗ, đẹp để bán được giá cao. Tôi đánh giá rất cao cách làm hiệu quả của anh. Tôi nghĩ rằng mô hình cần nhân rộng để nhiều người biết đến và thực hiện theo. Mô hình của anh Nhân không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho bản thân mà còn thỏa niềm đam mê của những người yêu lan có dịp giao lưu lẫn nhau.

Mô hình khởi nghiệp trồng hoa lan của anh Nhân là mô hình mới mang lại hiệu quả tích cực, bước đầu cho thấy tiềm năng phát triển và nâng tầm nhận thức của nông dân ngày một vươn lên để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và những người cùng chung đam mê sinh vật cảnh. Đồng thời, đây là điều kiện để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, vừa làm giàu cho bản thân, gia đình, vừa góp phần phát triển kinh tế – xã hội cùng với địa phương.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang

>>> XEM THÊM: Trai Bình Phước trồng thành công loại hoa lan gì, hễ bước vô vườn là thơm, bán giá bình dân mà đắt hàng?