Mỗi độ Tết đến, xuân về, người người, nhà nhà lại náo nức sắm sửa cho gia đình mình những chậu hoa, cây cảnh vừa ý để đón năm mới. Ngoài những cây cảnh chơi Tết truyền thống như mai, đào, quất… thì hoa lan – loài hoa được mệnh danh là ‘Nữ hoàng của các loài hoa’ cũng được nhiều người tiêu dùng chọn để trưng trong những ngày Tết.
Nhiều năm trở lại đây, ngoài những cây cảnh chơi Tết truyền thống như đào, mai, quất, cúc thì người dân lại chuộng hoa lan để trưng trong nhà vào những ngày Tết cổ truyền, với nhiều loại như: lan hồ điệp, lan vũ nữ, địa lan, lan rừng.
Lan Hồ Điệp là một trong những chi hoa lan phổ biến và được ưa chuộng nhất hiện nay. Hoa lan hồ điệp là biểu tượng của sự hoàn mỹ, không chỉ đẹp, sang trọng mà còn đại diện cho giàu sang, phú quý và sung túc. Bên cạnh đó, hoa lan hồ điệp còn mang nhiều ý nghĩa phong thủy sâu sắc nên được rất nhiều người yêu thích và lựa chọn để trang trí nội thất hoặc làm quà tặng người thân, bạn bè trong các dịp đặc biệt như lễ, Tết…
Cuộc sống hiện đại khiến con người thường tìm về với thiên nhiên để tự thưởng cho mình những phút giây thư thái tâm hồn. Vì vậy, tạo cho riêng mình một không gian xanh yên tĩnh với hoa lá, cây cảnh hoang dã đã trở thành sở thích của nhiều người. Với họ, ngày tết chưng được vài chậu lan rừng nhỏ trong nhà vừa sang trọng, quý phái, lại vừa hoang dại như mang hơi thở của núi rừng. Chơi hoa lan để tinh thần thoải mái, con người được thảnh thơi.
Hoa lan có một mùi hương nhẹ nhàng, thanh tao, thoang thoảng chứ không nồng và đậm. Chính bởi vẻ đẹp và hương thơm đặc trưng ấy mà hoa lan rất được yêu chuộng. Dựa theo màu sắc thì ý nghĩa của hoa lan cũng sẽ khác nhau, như hoa lan màu trắng đại diện cho sự tôn kính, khiêm nhường, thể hiện sự sang trọng và sắc đẹp trường tồn; màu tím thể hiện cho sự ngưỡng mộ, tôn trọng, quý phái; màu vàng là biểu tượng của tình bạn, niềm vui và cả khởi đầu mới tốt lành… Ngắm nhìn những giò lan rừng rực rỡ khoe sắc vào dịp Tết cổ truyền sẽ mang lại cảm giác bình yên và hạnh phúc, xua tan những mệt mỏi hàng ngày để thêm động lực vững niềm tin vào cuộc sống.
Người xưa thường nói “Vua chơi lan, quan chơi trà”, nói về một thú chơi “cao sang” mà chỉ bậc vua chúa xưa mới được thưởng ngoạn giống lan hoa quý hiếm, địa lan quý. Ngày nay, thú chơi lan không còn là “độc quyền” của những người thuộc tầng lớp trên mà đã trở thành phổ biến trong các giai tầng xã hội, nhất là vào dịp Tết cổ truyền.
Thú chơi hoa, cây cảnh ngày Tết không chỉ góp phần trang trí cho nhà cửa thêm đẹp, mà còn mang đến cho gia chủ sự may mắn, bình an và hạnh phúc.
Theo Báo Tuyên Quang