Người lưu giữ giá trị của lan rừng

Lan Trầm thơm ngát

Việt Nam có rất nhiều loại lan rừng quý hiếm, tuy nhiên khâu bảo tồn chưa tốt, nhiều loại đặc chủng đang dần biến mất.

Với tâm niệm của mình, một nông dân ở thành phố Bảo Lộc đã mạnh dạn thành lập vườn ươm, sưu tầm và lưu giữ những chủng loại lan quý hiếm để cung cấp cho người có cùng đam mê và sở thích.  Trải qua nhiều nghề khác nhau, nhưng hoa phong lan mới niềm đam mê và giúp anh làm giàu. Vườn lan Văn Sỹ ra đời với ước mơ có thể bảo tồn được nhiều giống lan rừng. Vì vậy, từ những chuyến đi rừng, sưu tầm trên khắp cả nước, anh Sỹ đã sưu tập được nhiều giống lan, trong đó có những giống quý, giá trị kinh tế cao. Anh Sỹ đang sở hữu 2 vườn có tổng diện tích 1.800m2 với gần 200 giống lan rừng đặc hữu các loại; trong đó, có nhiều giống lan đột biến quý, hiếm như: Thủy Tiên trắng đột biến, Đại Ý thảo trắng, Giả hạc Di Linh trắng.

Anh Trịnh Văn Sỹ – xã Lộc Thanh, TP.Bảo Lộc: Trước đây chỉ là giao lưu, thỏa niềm đam mê, sau đó tôi nghiên cứu thấy có giá trị kinh tế cao, đem lại hiệu quả nên cùng bàn bạc với gia đình kinh doanh. Từ đó tôi tìm hiểu và nhân rộng mô hình này, trong vườn của tôi có rất nhiều loại giống, chủ yếu là thân thòng của LĐ và nước ngoài, và lan rừng của nhiều địa phương khác”



Theo anh Sỹ, đối với lan rừng, môi trường sống tự nhiên là rất quan trọng. Đây chính là lý do không thể nuôi lan rừng trong nhà kính như những loài hoa công nghiệp khác. Anh đầu tư chi phí hàng trăm triệu đồng để hoàn thiện các phân khu, trụ, giàn treo và mái che một cách bài bản. Tự trang bị kiến thức cho mình, anh đã tìm hiểu trên mạng, sách báo khuyến nông và tham quan học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm từ những người đi trước, các mô hình trong và ngoài tỉnh. Từ đặc tính có sức sống mãnh liệt, Lan rừng dễ chăm sóc, ít bị bệnh. Đặc biệt, hoa lan đẹp, lâu tàn, có mùi thơm nhẹ rất đặc trưng. Khi bón phân cho lan rừng, đòi hỏi người trồng phải phối hợp hài hòa và đúng liều lượng giữa phân hữu cơ và vô cơ. Trong thời kỳ khác phải có chế độ chăm bón phân hợp lý, đặc biệt, cần phải tạo môi trường sạch để lan ra hoa đều và nở rộ.

Anh Trịnh Văn Sỹ –  xã Lộc Thanh, TP.Bảo Lộc: Môi trường hoa lan cần sạch sẽ, do vậy phải đảm bảo vệ sinh, dùng lưới chắn côn trùng, có dàn cao, ở dưới dùng bạt trải để tránh sâu bệnh, cỏ mọc… điều lo ngại nhất là các loại thuốc cần phun đúng liều lượng, đủ liều và thuốc đặc chủng dành cho lan….

Nhiều năm trở lại đây, cùng với việc mất rừng thì các giống lan rừng ở địa phương cũng dần khan hiếm. Một số người chơi lan đã bỏ không ít công sức và tiền bạc để mua các giống lan nhập từ nước ngoài để thỏa đam mê. Vì vậy, việc sưu tầm và bảo tồn giống lan rừng của anh Sỹ đang là một mô hình mới, vừa có hiệu quả kinh tế vừa giúp những người chơi lan có địa chỉ trao đổi, học hỏi lẫn nhau.

Anh Đoàn Đức Linh – cán bộ Hội Nông dân TP Bảo Lộc: “Qua theo dõi anh Sỹ là một nông dân sản xuất kinh giỏi cấp trung ương, và đây cũng là mô hình thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu để bà con học tập… Vườn hoa lan đòi hỏi giá trị cao nên không phải nông dân nào làm cũng được, thêm nữa là phụ thuộc vào niềm đam mê nên chúng tôi tham khảo và có hướng phát triển hợp lý để người dân vừa có hiệu quả kinh tế vừa giúp những người chơi lan có địa chỉ trao đổi, học hỏi lẫn nhau…”.

Tuy chỉ tham gia 1 vài lần ở các cuộc thi trong khu vực, nhưng những tác phẩm lan rừng quý hiếm của anh đã đạt nhiều thứ hạng cao. Đây là nguồn động viên để tiếp thêm niềm tin và kỳ vọng giúp anh gắn bó với hoa phong lan. Hiện nay, vườn lan của gia đình anh Sỹ trở thành mô hình điểm của TP.Bảo Lộc, chuyên cung cấp cho người đam mê lan rừng khắp cả nước nhiều loại lan quý đặc hữu của vùng cao nguyên Lâm Đồng và cũng góp phần nâng cao giá trị kinh tế của gia đình anh từ niềm đam mê hoa phong lan./.