Cách chăm sóc và bón phân cho lan Kim tuyến qua từng giai đoạn sau trồng

Cây lan kim tuyến còn gọi là lan gấm, nam trùng thảo, cỏ nhung, cây kim cương, giải thủy tơ. Đây là một loài dược liệu đặc biệt quý hiếm, có giá trị kinh tế cao của Việt Nam. Nhưng do hiện nay nhu cầu sử dụng quá cao của người tiêu dùng cùng với sản lượng trong tự nhiên rất ít nên cây lan kim tuyến đang đứng trước khuy cơ tuyệt chủng. Cây lan kim tuyến đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam, loài lan cần được bảo vệ trong tự nhiên. Hiện nay nhà nước ta cũng đang có những công trình nghiên cứu để nhân giống loài dược liệu quý hiếm này. Hãy cùng Vuonlan.net tìm hiểu về cách chăm sóc và bón phân cho lan kim tuyến qua từng giai đoạn sau trồng nhé!

Cách chăm sóc và bón phân cho lan kim tuyến
Cách chăm sóc và bón phân cho lan kim tuyến qua các giai đoạn

1. Nguyên tắc chung về cách chăm sóc và bón phân cho lan kim tuyến

– Dựa theo từng tuổi của lan và nhu cầu dinh dưỡng của mỗi giai đoạn.

– Áp dụng nguyên lý “Ăn ít nhưng ăn thường xuyên, đều đặn”.

– Dựa theo mùa vụ, thời tiết trong ngày.

– Dựa vào hướng dẫn sử dụng trên nhãn bao bì của từng loại phân.

– Tuỳ theo tính chất của giá thể để lựa chọn loại phân bón rễ cho phù hợp.

2. Các giai đoạn sinh trưởng, phát triển liên quan đến bón phân

Nếu tính các giai đọan phát triển của lan có liên quan đến nhu cầu dinh dưỡng được tính từ cấy mô đến khi trỗ hoa thì chu kỳ sinh trưởng này được chia thành 5 giai đọan (hay tạm qui ước là 5 tuổi):

Tuổi 1 tính từ ngày cấy mô đến khi cây lan đạt tiêu chuẩn cây con tách ra vườn ươm. Tuổi này kéo dài khoảng từ 4-8 tháng tùy theo từng nhóm, loài lan.

Tuổi 2 tính từ khi cây con tách khỏi chai mô đến khi ra khỏi vườn ươm (giai đoạn này cây con sống trong vườn ươm có điều kiện chăm sóc khác với vườn sản xuất). Tuổi này kéo dài từ 4-6 tháng tuỳ loài lan.

Tuổi 3 tính từ khi cây lan ra khỏi vườn ươm để trồng tại vườn sản xuất cho tới khi cây đạt tuổi trưởng thành (có thể ra hoa). Tuổi này kéo dài từ 4-8 tháng tuỳ loài lan (riêng một số loài có thể kéo dài 24 tháng)

Tuổi 4 tính từ tháng tiếp theo của tuổi 3 chuyển qua hoặc tính từ trước khi cây ra hoa 3 tháng (tuổi này kéo dài khoảng 3 tháng).

Tuổi 5 tính từ khi cây nhú phát hoa đến khi hoa nở hoàn toàn (100% nụ hoa trên phát hoa đã nở hết). Tuổi này kéo dài từ 2-3 tháng tùy theo loài lan và thời tiết khí hậu.

Xem thêm:

Lan kim tuyến (Lan gấm) – Cây thuốc quý cho mọi nhà

Quy trình trồng và chăm sóc cây lan Kim tuyến

3. Quy trình kỹ thuật bón phân

– Dựa theo nguyên tắc bón phân chung và ở mỗi tuổi của lan thì có chế độ bón phân phù hợp. Mỗi loài nhóm lan cũng có kỹ thuật bón khác nhau.

– Chế độ bón tùy thuộc vào chủng loại phân và liều lượng, số lần bón.

3.1. Tuổi 1:

Do được nuôi trong chai mô ở điều kiện vô trùng và môi trường đủ dinh dưỡng nên không có bất cứ một tác động nào khác ngoại trừ ánh sáng và nhiệt độ. Tuổi này nên dùng phân bón kích thích rễ và lá phát triển (Phân đầu trâu dạng tan trong nước: Đầu trâu 501, Viên sủi xanh, vitamin nhất là B1)

3.2. Tuổi 2:

Đây là tuổi cây mới tách từ môi trường trong phòng ra vườn ươm, vì vậy phải chăm sóc đúng kỹ thuật. Tuổi này nên dùng phân bón kích thích rễ và lá phát triển (Phân đầu trâu dạng tan trong nước: Đầu trâu 501, Viên sủi xanh, vitamin nhất là B1) theo hướng dẫn sử dụng

Bón phân theo “nguyên tắc 4 đúng”: Đúng chủng lọai phân phù hợp với từng giai đọan sinh trưởng, phát triển. Đúng nồng độ, liều lượng qui định cho mỗi tuổi và nhóm lòai lan. Đúng thời kỳ, giờ giấc và mùa vụ. Đúng kỹ thuật và phương pháp bón.

Nên xịt lúc 8h – 9h sáng, sau đó từ 16h – 17h thì xịt sương lại bằng nước sạch để cây hấp thu phần còn lại của phân đã bám dính trên lá. Sáng ngày hôm sau cần tưới nước cho sạch hết tồn dư của phân ở trên lá (các phần tồn dư này cây không hấp thu được và không có lợi cho cây).

3.3. Tuổi 3:

Đây là giai đoạn cây sinh trưởng mạnh nhất, tăng trưởng cả về số lượng và khối lượng. Giai đoạn này rất cần hấp thu đủ dinh dưỡng để chuyển qua hình thành mầm hoa. Một số loại phân bón thích hợp cho loại này gồm:

+ HT-311 (30-10-10); HT-ORCHID-11 (Phân hữu cơ sinh học); HT-ORCHID-12 (19-6-12); VTM-B1;

+ Phân bón rễ (Áp dụng cho nhóm lan trồng trên giá thể như Địa lan, Vú nữ, Cattlaye Dendrobium ); Hữu cơ sinh học (HT-ORCHID-11); Phân hạt Nutricote 19-6-12; Nutricote 14-14-14 hoặc Phân tan chậm HT – ORCHID.06 (12-12-12).

Ghi chú: Có thể sử dụng phân hạt chậm tan loại Nutricote 19-6-12 và Nutricote 14-14-14 rải trên bề mặt chậu lan (loại phân hạt đựng trong hũ). Nếu giá thể trồng bằng than củi thì không rắc loại này vì phân sẽ bị lọt xuống đáy chậu (lãng phí phân), nên sử dụng loại túi lưới (NUTRICOTE 19-6-12).

3.4. Áp dụng phân bón cho tuổi 4:

– Đây là tuổi quan trọng liên quan đến quá trình hình thành mầm hoa, chất lượng hoa và độ bền của hoa. Rất cần phân bón có hàm lượng P cao và bổ sung một số chất điều hòa sinh trưởng, các nguyên tố dinh dưỡng vi lượng thiết yếu (đặc biệt là Mg, Zn, B). Một số loại phân bón thích hợp cho tuổi này:

+ HT-131 (10-30-10); ORCHID-2 (6-30-30); HT-ORCHID.04 (0-38-19); HT-ORCHID.05 (STRONG); HT-ORCHID.09; KH2PO4; KNO3.

+ HT-ORCHID.01 (3-6-12); Nutricote 14-14-14 + TE.

3.5. Áp dụng phân bón cho tuổi 5:

Đây là tuổi nuôi hoa, dinh dưỡng giúp hoa đậm màu, tươi lâu và bền hoa. Tuổi này sử dụng loại HT-113 (10-10-30 ); lọai HT-222 (21-21-21); HT-008; Hữu cơ vi sinh. Xịt khi hoa mới nhú và xịt 2 lần (mỗi lần cách nhau 5 ngày) với liều 1gam/1lít nước.

Chú ý: Tuổi này mục đích là nuôi hoa (chú ý không xịt phân bón lên phát hoa). Sử dụng ở đầu vòi phun 1 dụng cụ chụp để phân không bám vào phát hoa. Chỉ xịt ở phần thân lá và rễ phía dưới.

3.6. Những điều cần lưu ý khi bón phân:

Phun phân vào thời điểm từ 8 – 9 giờ sáng. Từ 16 – 17 giờ phun sương bằng nước sạch để cho cây hấp thu hết phân. Sáng ngày hôm sau, dùng nước xịt mạnh để rửa lá lan cho sạch hết tồn dư cặn (không làm ảnh hưởng tới màu sắc lá). Sau hết 1 chu kỳ sinh trưởng đầu tiên của cây lan (tính từ nuôi cấy mô đến ra hoa) thì chu kỳ bón phân tiếp theo được tính từ tuổi 3 của lan.

Như vậy: Áp dụng qui trình bón phân theo tuổi 3 sau khi kết thúc hoa đợt 1. Rồi lần lượt chuyển qua tuổi 4, tuổi 5. Các chu kỳ lại lặp lại từ tuổi 3 sau mỗi đợt ra hoa.

(Viện Nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp)