Bật mí của chuyên gia về cách trồng Phi điệp

Lan phi điệp là loại cây không còn xa lạ gì với những người ưa chơi lan nhờ vẻ đẹp độc đáo, rực rỡ mà chúng đem lại cho không gian gia đình.

Lan phi điệp
Mặt hoa Phi điệp

Lan phi điệp hay còn được biết đến với cái tên giả hạc, là loại cây thuộc dòng hoàng thảo ưa thích khí hậu nhiệt đới vì vậy dòng lan này được phân bố chủ yếu ở các nước Đông Nam Á.

1. Đặc điểm của lan phi điệp

Lan phi điệp hay còn được biết đến với cái tên giả hạc mang danh pháp khoa học là Dendrobium anosmum. Đây là loại cây thuộc dòng hoàng thảo ưa thích khí hậu nhiệt đới vì vậy dòng lan này được phân bố chủ yếu ở các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia ….

Phong lan phi điệp thuộc chi hoàng thảo. Người chơi lan Việt Nam xếp phi điệp vào dòng thân thòng vì khi mọc dài ra thân nó mềm thòng hướng ngọn xuống đất chứ không dựng đứng như các loại đùi gà, các loại kiều, long nhãn, kim thoa…

Lan phi điệp là loại cây có rất nhiều biến thiên về hoa. Thường thì loài này khi khai thác để bán theo kg trên thị trường có độ dài khoảng 30-100 cm, thân tơ trưởng thành to mập cỡ ngón tay út. Tuy nhiên có những cây có thể dài khoảng 1,8 m thân to như ngón tay cái người lớn.

Không nói đến những cây đột biến thì đặc điểm dễ nhận thấy ở phi điệp tím là trên thân tơ có chấm tím, tập trung ở nách lá thành 1 vạch màu tím sẫm, cả trên lá cũng có các chấm, còn tùy cây mà số chấm tím trên thân nhiều hay ít. Lá mọc so le, mọng nước, dài khoảng 7-12 cm, rộng 4-7 cm, tùy xuất xứ có cây lá khá tròn, có vùng lại nhỏ dài.

Hoa lan phi điệp có màu trắng, tím nên người ta thường gọi chúng với cái tên lan phi điệp tím, lan phi điệp 5 cánh trắng,… Cuối xuân – đầu hè là thời điểm các loại lan phi điệp nở rộ hoa, trông rất đẹp. Hoa thường mọc trên các đốt dọc theo ½ thân phía ngọn, kích cỡ hoa thường khoảng 6-10. Đặc trưng của hoa lan phi điệp là chỉ chơi được 15-20 ngày.

Lan phi điệp
Lan phi điệp đang ra lá

2. Cách nhân giống lan phi điệp

Cách 1: Mua hàng kg khai thác từ rừng về (chủ yếu là từ Lào và Campuchia… vì hàng Việt Nam đã cạn nguồn) . Sau khi mua hàng kg các nhà vườn tiến hành thuần và nhân giống.

Cách 2: Cách này chủ yếu là để nhân giống cho các dòng lan Việt Nam đặc biệt là hàng miền bắc như Hòa Bình, Phú Thọ, Cao Bằng, đặc biệt là các dòng đột biến. Việc nhân kei cũng không quá phức tạp, chủ yếu là nhân từ những thân già không ra hoa và còn mắt, những thân này sẽ được chọn riêng chuẩn bị giã thể rêu ẩm và một ít kei pro để kích cho dễ lên.

3. Cách chăm sóc cây lan phi điệp

Lan phi điệp
Chậu phi điệp đang ra hoa

– Ánh sáng: Ánh sáng luôn là điều kiện cực kỳ quan trọng cho việc phát triển của bất cứ loại cây nào kể cả lan phi điệp. Nếu để cây tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp sẽ làm cây yếu đi, cháy lá dẫn đến không phát triển được. Nhưng nếu ánh sáng yếu quá cây sẽ dễ bị bệnh nấm mốc. Do đó, các chuyên gia khuyên bạn nên để ánh sáng tốt nhất là vào khoảng 70% đặt ở vị trí thoáng mát không tù bí.

– Độ ẩm: Lan phi điệp không phải là dòng quá ưa ẩm bởi đặc tính thân mọng nên độ ẩm càng lớn thì cây sẽ càng dễ bị thối rữa. 40-50 % là độ ẩm lý tưởng để cây có thể phát triển tốt. Cần lưu ý rằng vào mùa hanh khô, bạn vẫn nên duy trì độ ẩm này để ra xuân khi tiết trời ấm áp cây sẽ cho hoa và nhiều mầm non mới.

– Nhiệt độ: Lan phi điệp cần nuôi trong nhiệt độ từ 8 đến 25 độ C. Tuy nhiên, ưu điểm của chúng là có thể chịu nóng tới 38 độ C và chịu lạnh cho dù ở mức nhiệt là 3,3 độ C. Nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm trồng cây này trong điều kiện thời tiết bình thường nhé.

– Phân bón: Đối với những cây có thân to, dài như lan phi điệp, bạn cần phải bón phân đầy đủ. Tốt nhất nên sử dụng phân hữu cơ như các nhà vườn vẫn làm (là ủ ốc,cá, nước gạo) để tưới những loại phân bón hữu cơ này. Điều này vừa tốt cho lan lại vừa không gây hại cho môi trường.

 

Nguồn Internet.