5 Yếu tố quan trọng trồng lan Ngọc điểm

Ngọc điểm là một trong những loại lan đẹp và phổ biến tại Việt Nam, nó mang lại những giá trị kinh tế lớn cho người trồng và giá trị thẩm mỹ cho người chơi lan. Loài lan này được tìm thấy ở dọc miền đất nước và ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Lan ngọc điểm thường được gọi là lan Tai Trâu, lưỡi bò, lan nghinh xuân… chúng có thể mọc từ hạt trong tự nhiên nhưng để nhân giống loài lan này bằng phương pháp cấy mô thì lại rất khó. Loài phong lan rừng này có thể thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau, trong đó có TPHCM. Những chùm hoa ngọc điểm tím, hồng, trắng sẽ nở rộ vào tháng 12, đúng dịp tết cổ truyền nên được nhiều gia đình lựa chọn cho mùa tết. Dưới đây là một số yếu tố cần quan tâm khi trồng lan ngọc điểm mà mọi người nên biết để mang lại hiệu quả cao nhất.

1. Nhiệt đô, độ ẩm, tưới mát và mùa nghỉ


Bạn có biết ngọc điểm là một giống lan có khả năng chịu nóng tốt hay không, chúng có thể phát triển khỏe mạnh ở nhiệt độ từ 26 – 30 độ C. Giống lan rừng ngọc điểm tại Việt Nam có nguồn gốc từ những cây bóng mát ở TPHCM và rừng miền đông nam bộ, cao nguyên trung nam bộ. Có một số giống lan ngọc điểm với màu đỏ, trắng, gạch tôm được nhập từ Thái Lan về và nhân giống thêm.

Tuy có khả năng chịu hạn nhưng ngọc điểm loại thích ẩm, nếu như độ ẩm tại nơi trồng lan cao thì sẽ kích thích sự phát triển của rễ nhiều hơn. Khi trồng, mọi người nên đảm bảo độ ẩm từ 40 – 70% cho lan. Cũng cần chú ý ngọc điểm là giống lan độc trụ nên khi sử dụng giá thể cho cây cần phải thoáng, có thể chỉ cần cột lan vào cây tựa, phần giá thể sẽ là 3 cục thân gỗ hoặc sử dụng ngói cong. Ngoài ra, bạn cũng có thể cột chúng lên giá thể sống trên cây để lan phát triển tự nhiên.

Về nước tưới có thể tưới 2 lần/ngày từ tháng 5 – cuối tháng 11, 3 lần/ngày từ tháng 11 – 1, và trong khoảng thời gian từ tháng 2 – 4 mỗi ngày chỉ cần tưới 1 lần là được.

2. Ánh sáng


Với đặc tính ưa sáng chúng ta có thể trồng ngọc điểm ở nơi nhiều ánh sáng, tuy nhiên ánh nắng trực tiếp có thể khiến cây bị ảnh hưởng, bỏng lá. Chúng ta chỉ nên cung cấp khoảng 60% ánh sáng cho cây, không nên trồng cây ở khu vực quá nắng hoặc quá rợp bóng sẽ khiến cây không thể phát triển tốt được.
Nếu xét về việc ra hoa của lan thì yếu tố ánh sáng không quyết định mà nó bị ảnh hưởng bởi thời gian chiếu sáng trong ngày. Chính vì điều này nên ngọc điểm chỉ ra hoa vào mùa xuân.

3. Nhu cầu bón phân

Phân bón là thành phần quan trọng để bổ sung thêm dưỡng chất cho cây, nhu cầu của chúng tương tự như lan Vanda. Lan ngọc điểm có thời gian nghỉ từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4, đây là khoảng thời gian chúng ta cần chú ý đến việc sử dụng phân bón. Chỉ nên tưới nước 1 lần/ngày cho cây, khi thấy lan chớm nụ tuyệt đối không nên bón phân vì có thể làm rụng nụ. Nếu trước đây sử dụng phân 30-10-10 thì hãy thay bằng 10-20-20, và trước khi hoa tàn 1 tuần mọi người sẽ thay phân 10-20-20 bằng phân 10-20-30 để tăng thêm sức khỏe cho cây.

4. Thay chậu và nhân giống

Nếu xem xét kỹ Vanda và ngọc điểm có nhiều điểm giống nhau, trong đó có cả việc thay chậu, nhân giống và sử dụng giá thể. Chúng ta nên thay chậu cho ngọc điểm vào mùa mưa bởi chúng có thời gian nghỉ, trường hợp thay chậu trái mùa vẫn được nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây và có thể làm cây bị chết.

5. Sâu bệnh và những vấn đề khác

Chúng ta đều biết ngọc điểm là một giống lan bản xứ nên khả năng chống chịu với sâu bệnh của cây rất cao. Thế nhưng, với những giống lan rừng mới được mang về trồng thì khả năng cây bị bỏng lá do ánh sáng nhiều là rất cao. Điều này khiến lan ngọc điểm dễ bị sâu bệnh tấn công cho nên phải thật chú ý khi trồng.