5 bước ươm chồi non cho lan thân thòng

Ngày nay, để nhân giống cây lan người ta có thể áp dụng theo nhiều phương pháp khác nhau như: cấy mô, thụ phấn, chiếu cành,…và ươm mầm là một trong những cách để nhân giống lan hiệu quả. Về kỹ thuật ươm chồi cũng tương đối đơn giản mà bạn có thể tự thực hiện được. Dưới đây chúng tôi xin chia sẻ kỹ thuật ươm chồi lan thân thòng cho bạn tham khảo:

Bước 1: Không nên sử dụng Atonik

Theo các chuyên gia, khi cây lan thân thòng đến mùa nở hoa thì tùy vào điều kiện thuận lợi nào đến nước như: dinh dưỡng, độ ẩm, ánh sáng,…mà cây sẽ cho hoa nhiều hay ít hoặc cây không ra hoa mà ra toàn chồi non. Nếu giai đoạn này bạn dùng Atonik liều thấp 1ml/2-3 lít nước pha chung với B1 thì có thể được, nhưng nếu bạn pha với liều lượng cao thì rất dễ làm cho thân non, thân mới trưởng thành vừa cho hoa bị thối thân sẽ gây hại cho cây lan.

Bước 2: Thời gian thuận lợi để ươm chồi non

Thời điểm tốt nhất để ươm chồi lan thân thòng là sau khi cây lan ra hoa, lúc này chồi non mọc dài, rễ nhiều và đã bám vào giá thể. Khi đó, bạn cắt thân lan đã ra hoa đem ươm chồi non sẽ rất thuận lợi vì cành có đủ chất dinh dưỡng nên ra chồi non tốt. Nếu bạn để lâu đến khi thân non khỏe mạnh mới đem cắt ươm chồi, khi đó thân lan gì trở nên teo tóp thì tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn.

Bước 3: Xử lý thân mẹ dùng để ươm chồi

Sau khi đã cắt được thân mẹ đem ươm chồi bạn nên cắt ra thành từng đoạn khoảng 20-30cm, nên dùng kéo hoặc dao sắc để cắt cho thật ngọt tránh làm dập vết cắt. Chờ cho vết cắt khô khoảng 1 ngày thì bạn đem ngâm vào dung dịch: 1,5ml B1 + 2ml Terra Sord 4 cho 1 lít nước. Bạn cho những đoạn lan vừa cắt vào dung dịch ngâm khoảng 1 giờ, sau đó vớt ra chờ khô khoảng 4-5 giờ rồi tiếp tục ngâm lại lần nữa.

Bước 4: Tiến hành ươm thân non

Sau khi ngâm thân mẹ xong thì bạn để ở chỗ mát và ẩm, nhiệt độ thích hợp để ươm mầm lan là từ 25-28 độ C. Bạn có thể để những đoạn lan ươm mầm vào chậu đất trồng cây như vậy sẽ đảm bảo có độ ẩm tương đối vừa có tán lá cây nên rất thoáng mát thích hợp để mọc mầm con.

Sau đó, bạn vẫn tưới nước bình thường cho chậu cây để có đủ độ ẩm cho chồi non sinh trưởng. Sau 5-8 tuần bạn sẽ thấy xuất hiện các mắt ngủ chồi non nhú lên. Lưu ý, trong thời gian ươm chồi non thì khoảng 15 ngày bạn nên đem ngân thân mẹ vào dung dịch pha B1 theo công thức trên 1 lần để kích thích mọc rễ và ra chồi non.

Bước 5: Chăm sóc chồi non

Sau khi chồi non đã nhú ra từ mắt ngủ thì bạn tưới B1+Terra Sorb với liều thật loãng để kích thước mau ra rễ hơn. Khi thấy rễ ra chừng 1cm thì bạn có thể đem đi ghép vào dớn hoặc gỗ rồi đặt ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời.

Về phân bón bạn tưới NPK theo tỷ lệ 30:10:10 + B1 liều thấp khoảng 7-10 ngày/1 lần. Khi chồi non phát triển được 2-3cm trở lên thì bạn nên tăng lượng ánh sáng để giúp cây phát triển mạnh hơn. Với việc bạn chăm sóc tốt thì chỉ khoảng 1 năm hoặc 18 tháng là cây lan sẽ cho hoa bói.

Hy vọng với những chia sẻ trên đã giúp bạn có thể bắt đầu ươm mầm và nhân giống cho vườn lan thân thòng của mình nhé. Chúc bạn thành công!