Tản Mạn hoa phong lan

Không cần phải có con mắt nghệ sĩ mới nhận đựợc cái đẹp của hoa lan mà tự nó, hoa lan đã muôn màu muôn vẻ lôi cuốn được sự chú ý của mọi người. Có người còn cho hoa lan có sức quyến rũ, mê hoặc như tình yêu. Họ đã dùng cả chữ khêu gợi (sexy) với hoa lan để nói đến sức hấp dẫn của loài hoa kiêu xa này.

Các bậc cha mẹ thấy hoa lan đẹp nên đã đặt tên Lan cho con gái mình với hy vọng sau này con gái cũng đẹp xinh và quyến rũ như một đóa lan lan. Các nữ nghệ sĩ cũng hay chọn Lan để đặt tên cho mình như Thanh Lan, Bạch Lan, Trúc Lan, Mộng Lan. Thế rồi con người nghệ sĩ đôi khi đi tìm những cái phiêu lưu ngoài cuộc đời bình thường. Những tình cảm của các nghệ sĩ tên Lan làm cho loài hoa này thêm một chút nghệ sĩ tính, một chút lãng mạn và một chút định mệnh. Lan như mang một phần thân phận của kiếp người. Giới kỹ nữ cũng thích đặt tên với hoa Lan.

Lan, một chữ không mang năm dấu trầm bổng trong quốc ngữ nhưng có thể coi là một tiếng tượng thanh. Khi đọc lên, Lan nghe như có âm thanh nhẹ nhàng và vang xa. Trong chữ Hán cũng có chữ đọc lên với giọng Lan để nói đến loài hoa kể trên. Hồi còn học chữ Hán, ta thấy có chữ Lan Du để gọi dầu thơm như hoa lan, Trạch Lan, một loại cây có đặc tính trừ được mọt sách nên phòng đựng sách được gọi là Lan Tỉnh Vân Các. Đài dành cho các quan ngự sử được gọi là Lan đài. Tình quý mến giữa bạn bè có chữ Lan giao.

Mộc lan, còn gọi là Đại Lan (Magnolia), một loại cây lớn có hoa và vỏ đều thơm dùng làm nhà. Hương Lan, mùi thơm của hoa Lan. Nhưng trong Hán tự chữ Lan còn có nghĩa khác là gần hết, gần tàn như chữ Tuế lan, năm sắp hết, Dạ lan đêm khuya gần sáng, Tửu lan, cuộc rượu gần tàn(1). Tuy đồng âm dị nghĩa nhưng tiếng Lan đã như có âm hưởng của một loài hoa. Không ai cấm cản ta hiểu dạ lan như đóa hoa lan nở vào đêm khuya, tỏa hương thơm ngát cả một vùng. Nếu giàu tưởng tượng, dạ lan còn gợi cho ta một cái gì có vẻ liêu trai. Mộng lan là nằm mơ thấy lan. Vợ Trịnh Văn Công sau khi nằm mơ thấy lan đã thụ thai và sinh ra Mục công(2).
Về địa danh, ta có Lan châu (lan zhou), thủ phủ tỉnh Cam Túc bên Trung Quốc. Lan Đình, tên lầu trên bến Lan Chữ thuộc tỉnh Chiết Giang. Lan Đình thiếp, tập ghi bút pháp của Vương Hy chi viết rất đẹp. Trong truyện Kiều có câu “Khen rằng bút pháp đã tinh, So với thiếp Lan Đình nào thua.” Lan Thương Giang tên sông Cửu Long miền thượng nguồn ở bên Tàu. (Lan đi với sông có nghĩa sóng lớn).

Ngoài ra, Lan vừa chữ Nôm vừa chữ Hán còn có nghĩa toả rộng ra như lan can, lan man, cỏ lan (cỏ bò lan ra ngoài). Truyện Kiều có câu: “Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giầy”(2). Thơ Đường có câu “Ưng nhẫm lan can độc tự sầu” Buồn tựa lan can một mình sầu (Ngày Nay số 150/1939). Nhưng khi nói tới lan là người ta liên tưởng đến hoa Lan vì Hoa lan chiếm một phần tư tổng số hoa trên thế giới hay nói nôm na cứ bốn cái hoa thì có một cái là hoa lan.

Tiếc rằng chưa có ai làm thống kê xem có bao nhiêu người tên Lan trên một trăm hay một ngàn người đàn bà. Nói thế vì Lan là loài hoa nên hợp với người đẹp, các bà các cô. Nhưng nam giới cũng có người được cha mẹ đặt cho tên Lan nghe cũng lả lướt và được bạn bè chọc ghẹo là thường. Các nhà văn, nhà thơ nam giới cũng lấy bút hiệu có chữ Lan như nhà văn Lan Khai.

Nhân vật tiểu thuyết cũng được đặt tên Lan như “Lan và Điệp”, chú tiểu Lan. “Huơng Lan” là tác phẩm đầu tay (1947) của nhà văn Nguyễn Thạch Kiên tên thật là Nguyễn Văn Khánh. Rất tiếc chưa đọc nên không biết nội dung quyển truyện nói gì? “Mùi Hương Lan” tên một tác phẩm của nhà văn Ngọc Bảo mới ra mắt độc giả tại miền Nam Cali mới đây (10-01-2009).

Hoa lan và màu sắc

Hoa lan mang gần như đủ màu sắc trong thiên nhiên. Hoa Lan đỏ như Masdevallia ignea, Ren. coccinea… Hoa Lan trắng có Cal. Rubens alba, Hoa Lan vàng như Encyclia citrina, Dendrobium lindleyi. Màu xanh, Màu tím đều có.

Năm ngoái, tại triển lãm hoa lan ở Costa Mesa, chúng tôi thấy có trưng bày cây lan hoa đen tuyền nên có thể gọi là Lan Ngọc đen, Ngọc Lan đen, hay vi vút cho có vẻ Tàu, Huyền Châu Lan, hay Hắc Châu lan (Black Pearl orchid). Giá cây lan đen chưa hoa khoảng trên 100 đô-la. Ai cũng trầm trồ, chụp hình cây mẫu (cây mẫu không bán) nhưng ít người giám mua cây con vì đắt tiền, khó trồng, mà chưa chắc trăm phần trăm đúng màu vì đó là cây lai tạo. Đang định năm nay nếu còn bán, tui sẽ mua một cây lan đen con thử thời vận. Không biết năm mới Lan đen nở hoa có hên không?

Hoa lan có thể tuyền một màu hoặc hai ba màu khác nhau hoặc pha trộn nhiều màu trên một hoa nhất là đối với các cây pha giống. Hoa lan pha giống đôi khi đẹp nhưng lắm khi những vết chấm phá, loang lổ sẽ mất đi cái vẻ đẹp thuần nhất, trang trọng, quý phái của Lan; chẳng khác nào “đổ vôi lên đầu chó vá”. Có lẽ nhà văn Kim Dung nói “Cẩu tạp chủng” cũng bao hàm ý nghĩa trên. (xin xem bài Den. Avril’s Gold của Bùi Xuân Đáng)

Hoa Lan và hương thơm

Sau màu sắc, hình dáng, hương thơm là một yếu tố để đánh giá một cây lan. Nếu có màu mà không thơm, giá trị của hoa lan giảm gần phân nửa và người ta gọi là “hữu sắc vô hương”. Hương thơm thay đổi từ ngào ngạt đến thoang thoảng tức nồng độ thay đổi khác nhau. Có mùi thơm như chanh, có mùi thơm như hoa lài. Có mùi thơm hắc làm cay lỗ mũi hay có mùi thơm dịu ngọt như mật ong làm sảng khoái tâm hồn. Để ngửi được mùi thơm của hoa cần cả hai yếu tố: mức độ thơm của hoa tỏa ra và mức độ nhạy cảm của khứu giác người ngửi. Cùng một cái hoa có người cho là có mùi thơm có người cho là không có mùi thơm. Thật sự không nhiều thì ít hoa vẫn có sẵn mùi thơm. Có thể ta để hoa khá xa nên không ngửi thấy mùi chứ không phải không có. Gọi là mùi thơm cho dễ hiểu chứ có mùi không thơm mà ngược lại còn hôi hoặc có thể thơm với người này mà hôi với người khác. Không phải lúc nào hoa cũng thơm như nhau. Có lúc ta ngửi thấy mùi hương nhiều có lúc ít hoặc hoa không thơm trong một khoảng thời gian nào đó trong ngày. Có hoa chỉ thơm vào ban đêm ví dụ hoa “Dạ lý hương” như ta đã biết chỉ tỏa hương thơm vào đêm khuya. Hoa thơm để làm gì? Có người cho hương thơm như cái “duyên” bên cạnh cái “đẹp” để làm tăng sức quyến rũ của cái hoa.Không lẽ hoa biết chiều lòng kẻ hâm mộ? Các nhà nghiên cứu thì cho rằng hoa tỏa hương thơm để lôi kéo ong bướm đến hút mật, lấy phấn và qua đó giúp cho nhị đực nhị cái có cơ hội gặp nhau, giúp cho cái hoa hoàn tất tiến trình thụ phấn thành quả sau đó. Đây là vấn đề sinh tồn của hoa và hoa lan.

Hoa Lan và Đường Thi

Chúng tôi đã bỏ ra nguyên một buổi tối để đọc 100 bài thơ Đường nhưng không thấy bài nào nóí về hoa lan. Chữ lan không dấu giọng nên hình như không đủ “mạnh” để gieo vần cho gợi tình, ý, cảnh, cho sắc nét? Trái lại, hoa Đào lại được nhắc đến nhiều lần. Thường thì hoa Mai, hoa Đào đều nở vào mùa Xuân, đánh dấu một thời điểm trong năm, gợi nhớ một cuộc hẹn hò, ly biệt, thường là cảm hứng cho thơ Đường. Trái lại hoa Lan hầu như nở quanh năm (ví dụ lan cymbidium) không tượng trưng cho mùa nào trong năm. Hoa lan không phải là cái mốc của thời gian, không gợi nguồn nhiều cho thi hứng.

Thơ về hoa lan có chăng chỉ để ca tụng hương sắc kỳ diễm của loại hoa này mà thôi. Tác giả Phong Lan bên Úc đã ca tụng:

Hoa Lan trăm sắc với ngàn hương
Trắng, đỏ, vàng, xanh, tím, nâu hường.

Với hai câu thơ trên, tác giả Phong Lan (lại thêm một nhà thơ với tên Lan) đã nói đủ màu sắc, hương thơm của hoa lan. Tiếc rằng lúc đó chưa có Hắc Lan (Fred Clarkeara After Dark “SVO Black Pearl, FCC/AOS)

Tác giả Nguyễn Mạnh Vân cho rằng:

Vườn lan sắc thắm, hương thơm ngát,
Đưa cả hồn tôi thoát bụi trần

Ở đây ta thấy một chút Zen, một chút Thiền. Đường lên Thiên Thai chăng?

Tứ bình: Mai, Lan, Cúc, Trúc

Người Tàu hay dùng bộ Ba như “Phúc Lộc Thọ”, “Quân Sư Phụ”, “Phụ Phu Tử”,… và bộ Bốn như “Cần Kiệm Liêm Chính”, “Công Dung Ngôn Hạnh”, “Canh Tiều Ngư Mục”… Về Bộ Bốn, khi nói về cây cảnh trong bốn mùa ta thấy có: “Mai Lan Cúc Trúc”. Mùa Xuân có hoa Mai, mùa Hạ có hoa Lan, mùa Thu có hoa Cúc và cây Trúc cho mùa Đông. Các loại trên được vẽ thành bốn hình và treo chung làm bộ tứ bình. Ba loại đầu đều là hoa: Mai, Lan, Cúc, nhưng tượng trưng cho mùa Đông thì không phải là hoa mà là cây trúc (tre). Có lẽ một phần vì cây tre không có hoa nhưng dáng đẹp và một phần cây tre chịu được giá lạnh của mùa Đông?

Thật sự cây tre cũng có hoa nhưng tuỳ vùng, tuỳ loại tre và tuỳ độ tuổi. Có loại có hoa, có loại không hoa và có thể ba bốn chục năm mới có hoa một lần. Khi mùa Đông tới, tuyết bao phủ trắng xóa một vùng thì chỉ còn lại những ngọn tre chống chỏi để sống còn. Tranh cổ Trung Hoa về mùa Đông bao giờ cũng có Tre và tuyết. Tre còn cho măng về mùa Đông. Cây trúc không cho hoa nhưng trúc theo tinh thần Đông Phương với “tiết trực tâm hư” tượng trưng cho người quân tử. Dáng dấp thanh thoát của cây trúc biểu hiệu cho cái gì cao thượng. Nét sắc xảo của lá trúc là một phần cấu tạo của Hán tự. Nét đẹp của lá trúc đã được các họa sĩ ghi lại trong hội họa từ trước tới nay và coi đẹp sắc xảo hơn lá lan.

Nói chung Mai Lan Cúc Trúc tượng trưng cho những loại cây kiểng trồng trong vườn làm cảnh và là đề tài cho thi và họa. Những cây này cũng cần sự chăm sóc, vun xới kỹ càng hơn nên gần như gắn bó với gia chủ mà cũng là một nghệ nhân.

Nhân cách hóa hoa Lan

Các tác gỉả những bài thơ về hoa lan gần đây đăng trên mạng Hoa Lan việt Nam ngoài ca tụng vẻ đẹp và hương thơm của hoa lan lại còn coi lan như một con người, một người đẹp. Lan đã “Đưa cả hồn tôi thoát bụi trần” (Nguyễn Mạnh Vân). Lan đã làm cho con người siêu thoát. Lan có vẻ đẹp mê hoặc lòng người. Đối với nhà thơ, hoa Lan đã như một tình nhân:

Hoa phong lan đẹp “Hoa Lan ơi, ta yêu Em, yêu mãi

Yêu hôm nay, ngày mai và ngàn sau
Bằng cả trái tim ta và tất cả.”

(Hàn Chân Tín – Bà-Rịa, Việt-Nam)

Ngoài là một người tình, Lan còn được coi như người bạn hiền ngày đêm có nhau, chăm sóc cho nhau, an ủi nhau khi nhà thơ về già:

Trồng Lan còn được về sau
Tuổi già làm bạn có Lan giãi sầu

(Thu Võ)

Nhờ có sắc và hương, hoa lan từ là một cây kiểng vô tri đã trở thành một người tình, một người bạn sớm tối có nhau nhất là đối với các vị cao niên.

Hoa lan và tuổi già

Nuôi trồng, vun xới hoa lan là một công việc nhàn nhã, không đòi hỏi nhiều sức lực, không quá nhiều lệ thuộc vào thời gian. Chăm sóc hoa lan thích hợp cho tuổi già. Công việc có thể làm bây giờ, ngày nay hay ngày mai cũng chẳng sao. Nào có ai cấm ta vừa tỉa cây vừa phì phèo điếu thuốc. Sáng sớm vừa ngắm hoa lan vừa nhâm nhi tách trà, tách cà phê, làm cho cuộc đời thêm ý nhị. Mùi thơm của hoa Lan, hương thơm của trà, khiến ta ngây ngất, sảng khoái cả một sớm mai.

Sau bao ngày chăm sóc, một chồi hoa đâm lên thì không còn phần thưởng nào quý giá cho bằng. Thành quả tuy nhỏ nhưng chứng tỏ sự chăm sóc của ta không là vô ích.
Một cây lan bị bỏ quên, rễ đã mục, thân đã khô, lá đã héo, coi như chỉ còn chờ chết nhưng qua vài cố gắng nhỏ, cây lan từ từ hồi sinh và cho hoa rực rỡ với hương thơm ngào ngạt. Ta đã “cải tử hoàn sinh”, đem lại sự sống cho một loài hoa.

Cái vui của tuổi già là thế. Có người coi chăm sóc hoa lan như chăm sóc con nhỏ. Một người lớn tuổi lo tưới nước, tưới phân, thay chậu, uốn cành cho lan để có một bông hoa đẹp đẽ nào khác chi hồi còn trai tráng lo cho con cái ăn uống, dạy bảo, hướng dẫn để sau này con nên người. Hai hình ảnh khác nhau nhưng đồng dạng và cùng chung ý nghĩa. Ông bạn tôi trước đây, khi mới về hưu, lái xe xuyên bang thăm bạn bẻ, cùng con cháu lên sa mạc đào cây tùng về làm bonsai, cuối tuần đi câu xa bờ hoặc lái xe lòng vòng kiếm đồ cổ, nay chỉ còn thú vui cuối cùng là chơi lan. Ông cụ tuyên bố thẳng thừng: “lực bất tòng tâm”, không lái được xe bên này thì các thú vui trước kia đều xếp lại.

Nay thì cụ vui thú với vài chục chậu lan. Cụ nói; “cũng đủ hoa nở chưng trong nhà mà đôi khi còn được phần thưởng của Hội Hoa Lan Việt nam nữa đấy. Không có mấy chậu lan tôi chết ông à! Làm gì cho hết thời giờ”.

Ghi chú:
(1) Trần Văn Kiệm, Từ-Điển Văn Học Việt Nam.
(2) Thiều Chửu, Hán Việt Từ Điển