Hướng dẫn cách trồng lan Kiều

Các loại khác như Đùi Gà, Xoắn, Dendro, Kim Thoa, Ngọc Thạch, Kim Điệp…. Trồng tương tự 90%. Kiều có nhiều loại từ trắng, vàng, cam, tím, dẹt, mỡ gà tới tua. Nhưng cơ bản thì cách trồng giống nhau.

1. Giá thể có nhiều lựa chọn như Lũa, Than, Xơ dừa, Dớn cọng, Dớn bảng, Dớn xốp, Rêu rừng, Vỏ thông, mùn cưa…. Mỗi loại có những ưu và nhược điểm khác nhau:

A. Lũa: Nhìn giò lan trồng lũa thường rất “TÌNH”, có nét gì đó rất nghệ sỹ, thanh tao. Tuy nhiên theo tại hạ thấy trồng Kiều vào lũa là phát triển kém nhất trong số các giá thể kể trên, chăm sóc cực khổ nhất và khó đóng thùng vận chuyển đi xa nhất.
Cách xử lý lũa đó là rửa sạch, dùng bàn chải sắt chải càng sạch càng tốt, sau đó nếu có nước vôi trong thì ngâm nửa ngày rồi bỏ ra rửa nước thường thật sạch, để khô và làm móc.

B. Vỏ thông và Than: Rẻ, dễ trồng, cây phát rất tốt. Đập nhỏ giá thể này kích thước bằng ngón tay cái, rửa sạch, cho vô chậu là xong.

 

C. Dớn sợi, dớn bảng hoặc dớn cục (bản thân em nó là cây dương sỉ). Cách xử lý dễ nhất là rửa sạch rồi luộc nước sôi, cho vô chậu

D. Rêu, Dớn xốp (bản thân em nó là cây tổ quạ, tổ rồng, phụng). Xé thật nhỏ, ngâm nước cho sạch sẽ.

 

nếu được thì luộc luôn cho hết cỏ dại, nấm bệnh rồi cho vô chậu. Lưu ý là đáy chậu nên bỏ xốp cục bằng ngón tay cái để tránh úng (xốp trắng trong thùng điện máy, ti vi…) hoặc bỏ 1 lớp than. Tuyệt đối không được nèn chặt.
Theo tại hạ thấy thì loại giá thể này mùa khô là tuyệt vời nhất hệ mặt trời, mà mùa mưa là đại lý nấm bệnh.

E. Xơ dừa: Ngâm nước 24 tiếng, rửa lại nhiều lần cho hết chát rồi bỏ vô chậu. Lót 1 lớp dưới đáy như mục D. Tại hạ ghét loại giá thể này nhất vì rất dễ úng chết, đóng hàng đi xa rớt hết giá thể ra ngoài. Tuy nhiên vẫn có người thích vì nó dễ kiếm, rẻ và 1 tuần không tưới vẫn vô tư.

F. Mùn cưa gỗ vú sữa, gỗ nhãn, gỗ vải, gỗ dẻ… Bọc vô mảnh vải đem đi luộc rồi cho vô chậu là xong.

G. Miếng gỗ Vú Sữa, Vải, Nhãn, Dẻ… rửa sạch hoặc luộc luôn, làm móc, nếu có máy khoan thì làm thêm
chục cái lỗ cho dễ ghép. Theo quan điểm của tại hạ thì đây là giá thể khá ổn, tuy nhiên trồng kiều bằng giá thể này cây cũng không sung lắm, đóng hàng đi xa cũng rất loằng ngoằng, trồng chơi thì ổn, mà kinh doanh thì….

 

Tóm lại, các hạ chọn cái nào thì tùy, còn quan đểm của tại hạ thì cứ chậu với dớn, than hoặc vỏ thông là ổn nhất!

2. Chọn mua Kiều: các hạ nên chọn nguyên giề (bụi lớn 5-20 giả hành tơ) cho nó khỏe, ra hoa được đều. Lá không đốm, dập, nát. Thân thẳng, mắt ở gốc hướng lên trời. Càng nhiều giả hành có lá càng tốt.

3. Kiều mua về cắt rễ già sạch sẽ gọn gàng, cắt lá hỏng bệnh, rửa sạch từ đầu tới chân, để ráo. Sau đó xịt thuốc nấm (Ridomilgold) , khuẩn (Physan hoặc Starner), B1 và Atonik. Treo ngược chỗ mát thoáng từ 1-5 ngày rồi trồng.

4. Nguyên tắc trồng:

A. Giữ chắc gốc, không được lay gốc hay xê dịch gốc (Chắc chắn chứ không phải là nèn chặt)

B. Càng hạn chế đinh, sắt, thép khi ghép càng tốt.

C. Giả hành cùng kích thước trồng vào 1 chậu, tránh ghép cây cao cây thấp, sau này em nó ra hoa không cùng lúc.

D. Tuyệt đối KHÔNG ĐƯỢC LẤP GỐC, đây là sai lầm cơ bản nhất mà chư vị đồng đạo hay mắc phải. Thối hết mầm non. Nói chung là trồng theo kiểu cầm giề Kiều đặt lên giá thể, rễ em nó mọc ra tự khắc đâm vào giá thể. Chỉ đơn giản vậy thôi.

5. Sau khi trồng, để chỗ mát cho em nó hồi sức khoảng 10 ngày tới 1 tháng. 5-7 ngày xịt B1 và Atonik 1 lần. Tưới ngày 1 lần vào giá thể. Cây đã hồi, cho em nó ăn nắng 50-70% tùy giá thể.
Sau khi rễ mới dài 3-5cm thì gắn phân tan chậm hoặc phân chuồng là xong. Có vài vị đồng đạo hỏi tại hạ là trồng chậu thì rải phân lên luôn cho nhanh, sao phải nhồi phân rồi để lên cho mất công. Tại vì phân thì tác dụng có 180 ngày, mà chậu thì 3-5 năm mới thay. Hết tác dụng lấy cục phân ra có phải dễ hơn không ạ?

(Theo Nguyễn Ngọc Hà)